Chăm lo cho người có công, nhìn từ Thành phố nghĩa tình
Một trong 'những việc cần làm ngay' mà Trung ương, Chính phủ đã đề ra là thực hiện các chính sách xã hội thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội đối với người có công với cách mạng...
TP.HCM vừa tổ chức đón tiếp các đại biểu là cán bộ, chiến sĩ và những người trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh - đại thắng mùa xuân 1975 từ các tỉnh, thành trên cả nước về thăm TP. Nhiều người ngỡ ngàng và tự hào trước sự đổi thay của TP, nơi mà họ đã dùng cả thanh xuân để góp công bảo vệ từng tấc đất.
Trong những người trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh - đại thắng mùa xuân 1975 từ các tỉnh, thành trên cả nước về thăm TP lần này có ông Nguyễn Tiến Sĩ (sinh năm 1953, quê Thái Nguyên). Trút bỏ súng đạn thời chiến, sau hòa bình, ông lặn lội khắp nơi đi tìm kiếm liệt sĩ, những đồng đội đã ngã xuống mà chưa được xác minh nhân thân.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, ông Phạm Chánh Trực, ông Nguyễn Tiến Sỹ… những cái tên được biết đến trong số hàng ngàn người có công tiếp tục góp sức mình xoa dịu nỗi đau chiến tranh, góp sức vào công cuộc xây dựng đất nước. Họ có mặt ở tất cả mặt trận kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… Có những người còn là điểm tựa vững chắc cho chính quyền mỗi khi cần tham khảo về một chính sách nào đó sắp ban hành. Họ phát huy tinh thần người lính một lòng sắc son, thủy chung với đất nước, góp mình vào dòng chảy chung trong sự phát triển của đất nước.
Với sự hy sinh, góp sức của thế hệ đi trước, chúng ta càng thấy phải có trách nhiệm chăm lo xứng đáng. Chúng ta vẫn còn nhiều món nợ với người có công, đây đó ở một số tỉnh thành vẫn còn tình trạng trục lợi chính sách người có công và đã bị xử lý…
Ở TP.HCM, lãnh đạo Sở Nội vụ khẳng định TP.HCM đảm bảo giải quyết 100% chế độ, chính sách cho người có công và thân nhân, chăm lo toàn diện cho người có công với cách mạng. Với tinh thần đó, tính đến nay, trên toàn địa bàn TP không còn tồn đọng hồ sơ đủ điều kiện mà chưa được giải quyết, đảm bảo 100% hộ gia đình chính sách có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Một trong “những việc cần làm ngay” mà Trung ương, Chính phủ đã đề ra là thực hiện các chính sách xã hội thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội đối với người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng, nhân dân ở những vùng kháng chiến trong chiến tranh, vùng bị chiến tranh tàn phá...
Để xứng đáng với những gì thế hệ đi trước đã góp sức, chúng ta cần chú trọng hơn nữa trong công tác chăm lo cho người có công ở các khía cạnh.
Một là, trong thời gian tới, TP cần ban hành các chính sách hỗ trợ người có công cao hơn mức Trung ương, hướng đến mức cao nhất trong khối chính sách xã hội.
Hai là, TP cần ưu tiên hơn nữa trong việc chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giáo dục - đào tạo, việc làm, sản xuất và tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu nhằm bảo đảm người có công và gia đình của họ đạt mức sống từ trung bình khá trở lên so với cộng đồng nơi cư trú.
Ba là, cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xác định danh tính các liệt sĩ còn thiếu thông tin. Sau khi “ngân hàng gen - ADN liệt sĩ chưa xác định được danh tính” chính thức được Bộ Công an và Bộ LĐ-TB&XH ra mắt thì từ tháng 7-2024, TP.HCM đã là địa phương đầu tiên của cả nước tiến hành thu thập mẫu ADN thân nhân của liệt sĩ chưa xác định danh tính. Tuy nhiên, ngân hàng gen cũng chưa phải là phép màu, tỉ lệ xác định thành công danh tính hiện nay vẫn khiêm tốn, chưa đạt 1/10, vẫn còn rất nhiều liệt sĩ chưa được xác định danh tính.
Với những gì TP đã chăm lo cho người có công trong thời gian qua, chúng ta có quyền tin rằng TP sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần phát huy tinh thần uống nước nhớ nguồn để xứng đáng với công sức của thế hệ cha anh bỏ ra, xứng đáng với vị thế một “Thành phố nghĩa tình”.
Nguồn PLO: https://plo.vn/cham-lo-cho-nguoi-co-cong-nhin-tu-thanh-pho-nghia-tinh-post846147.html