Họ không chỉ dấn thân trong thời chiến

Những người lính năm xưa tiếp tục thầm lặng góp sức xây dựng đất nước.

Trong chiến tranh, họ từng là những chiến sĩ kiên cường bảo vệ độc lập cho Tổ quốc. Sau ngày thống nhất, họ góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh, góp sức xây dựng và phát triển đất nước với tinh thần xung kích trên mọi mặt trận.

Cuộc xuất quân của 1 vạn thanh niên sau ngày thống nhất

Ông Phạm Chánh Trực (bí danh Năm Nghị) từng trực tiếp tham gia chiến dịch Mậu Thân, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau ngày đất nước thống nhất, TP.HCM gặp khó khăn với nạn đói và nạn thất nghiệp, kéo theo nhiều tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy. Trước tình hình đó, TP.HCM tổ chức thanh niên xung phong đi khai hoang, phục hồi đồng ruộng và làm nương sản xuất lương thực.

Vẫn với tinh thần xung kích, dấn thân, ông Phạm Chánh Trực trở lại làm bí thư Thành đoàn TP.HCM. Điều ông quyết tâm làm lúc này là tổ chức lại sản xuất nhằm đưa thanh niên, người lao động ra các vùng ven khai hoang, phát triển nông nghiệp. Ông đề xuất đưa thanh niên đi lao động, sản xuất tại các địa bàn vùng ven sau đó được Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt đồng tình.

 Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ trao bảng vàng tôn vinh ông Phạm Chánh Trực tại lễ tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM (1975-2025) vào sáng 23-4. Ảnh: THUẬN VĂN

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ trao bảng vàng tôn vinh ông Phạm Chánh Trực tại lễ tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM (1975-2025) vào sáng 23-4. Ảnh: THUẬN VĂN

Ngày 28-3-1976, chưa đầy một năm sau chiến tranh kết thúc, bí thư Thành ủy lúc bấy giờ là ông Võ Văn Kiệt trao cờ cho ông Trực trước lễ xuất quân hơn 1 vạn thanh niên xây dựng vùng kinh tế mới ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Phong trào này thành công không chỉ ở giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về tính hòa hợp dân tộc, hàn gắn vết thương chiến tranh cho những thanh niên ở bất cứ phía nào. Thông qua lao động sản xuất, tất cả họ đều tin tưởng vào tương lai tươi sáng.

Sau thời gian làm công tác đoàn, ông Phạm Chánh Trực chuyển sang làm quản lý nhà nước ở nhiều vị trí khác nhau của TP.HCM như giám đốc Sở GD&ĐT, bí thư Quận ủy quận 5, phó chủ tịch UBND TP.HCM, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, chủ tịch HĐND TP.HCM, phó Ban Kinh tế Trung ương, trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM…

Trải lòng với chúng tôi trong những ngày tháng 4 lịch sử này, ông Phạm Chánh Trực nói: “Là người đã trực tiếp trải qua những thời khắc lịch sử của dân tộc, tôi cảm thấy mình may mắn, hạnh phúc hơn rất nhiều người. Tôi luôn cảm thấy mình còn mang nợ dân, nợ đồng bào bởi trong suốt quá trình công tác, tôi sống trong lòng dân, nhận được biết bao sự cưu mang, đùm bọc. Dù hưu trí và đang ở tuổi 86 nhưng tôi rất bận rộn. Tôi tiếp tục đóng góp bằng cách viết góp ý cho Thành ủy, Trung ương. Có thể ý kiến của tôi chưa trúng hết nhưng tôi thấy được điều gì hay, điều gì đúng thì tôi nói. Đó cũng là một phần đóng góp của tôi. Tôi luôn cố gắng hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ của một người đảng viên”.

Xoa dịu nỗi đau chiến tranh

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ từng 11 lần bị thương, mang 61% thương tật, được phong tặng nhiều danh hiệu như “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”. Dù đã nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục cống hiến trên mặt trận mới, giữ vai trò phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM.

Sau chiến tranh, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ tiếp tục phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, rồi dấn thân trên mặt trận mới: Đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Ông từng rơi nước mắt trước hậu quả của chất độc hóa học vẫn đè nặng lên hơn 4 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, kể cả con cháu họ.

 Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được thăm hỏi Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ tại lễ tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM (1975-2025) vào sáng 23-4. Ảnh: THUẬN VĂN

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được thăm hỏi Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ tại lễ tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM (1975-2025) vào sáng 23-4. Ảnh: THUẬN VĂN

“Di chứng chất độc da cam không dừng lại ở một thế hệ, mà lan đến cả thế hệ thứ tư. Nhiều cháu, chắt của cựu chiến binh và người dân từng tham gia kháng chiến sinh ra với dị tật, khuyết tật nhưng số được hưởng chế độ hỗ trợ còn rất ít. Tôi luôn trăn trở: Làm gì để sẻ chia, giúp họ vơi bớt nỗi đau quá lớn ấy. Không thể ngồi yên được” - Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ bày tỏ.

Từ đó, ông cho khảo sát gần 40 xã, phường tại TP để xác minh số lượng nạn nhân thế hệ thứ ba, thứ tư.

“Chúng tôi lập hơn 500 hồ sơ làm căn cứ giám định sức khỏe, đề xuất chính sách, mong giúp các nạn nhân và gia đình vơi bớt khó khăn” - Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ cho hay.

Ông kiên trì vận động đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, tích cực tham gia vào các hoạt động yêu cầu Chính phủ Mỹ có trách nhiệm khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

 Gia đình chị Nguyễn Thị Thêu tại ngôi mộ liệt sĩ của cha chị vừa được Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (ngồi) hỗ trợ tìm thấy ở tỉnh Bình Phước vào giữa tháng 4-2025. Ảnh: NVCC

Gia đình chị Nguyễn Thị Thêu tại ngôi mộ liệt sĩ của cha chị vừa được Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (ngồi) hỗ trợ tìm thấy ở tỉnh Bình Phước vào giữa tháng 4-2025. Ảnh: NVCC

Ông cùng hội vận động mạnh thường quân trong, ngoài nước, tổ chức thăm viếng, tặng quà, sửa nhà, trao học bổng, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Ông còn khởi xướng xây dựng Làng Cam với ba mục tiêu nuôi dưỡng người không nơi nương tựa, điều trị phục hồi chức năng và dạy nghề, tạo việc làm giúp họ tự tin hòa nhập.

Đến nay dự án Làng Cam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Với diện tích 47.000 m², kinh phí khoảng 100 tỉ đồng, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM đang gấp rút hoàn tất thủ tục, tài chính để sớm triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động.

Ở tuổi 79, ông vẫn trăn trở làm sao để giúp đỡ nhiều nhất cho những gia đình chưa tìm được hài cốt và nạn nhân chất độc da cam. Với ông, tài sản quý giá nhất không phải là những huân, huy chương lấp lánh, mà chính là những ký ức về tình đồng đội, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người mẹ và người chị đã cưu mang ông trong những năm tháng đầy gian nan của cuộc chiến, những góp sức xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân sau chiến tranh…

Sáng 23-4, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức lễ tôn vinh 60 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM (1975-2025). Những cá nhân được xét chọn tôn vinh là người có công trạng với TP.HCM và được nhân dân ghi nhận, đáp ứng các tiêu chí như có đóng góp nổi bật, để lại dấu ấn trong quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển TP.HCM; có phẩm chất đạo đức, uy tín, tầm ảnh hưởng rộng trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, luôn vì sự phát triển của TP.HCM. Ông Phạm Chánh Trực, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ là hai trong số những cá nhân được tôn vinh lần này.

HẢI NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/ho-khong-chi-dan-than-trong-thoi-chien-post846146.html