Chăm lo cho sự nghiệp giáo dục
Thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, thời gian qua, các trường học trong tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, tích cực chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, những giải pháp trọng tâm được ngành Giáo dục đẩy mạnh, như: Đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy và học; phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học; nâng cao chất lượng một số hoạt động chuyên môn.
Đặc biệt, hằng năm, các nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, hướng tới phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học trong các nhà trường phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học; đẩy mạnh việc sinh hoạt tổ chuyên môn theo yêu cầu đổi mới; tích cực trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu của chương trình và đồng hành cùng nhà trường thực hiện hiệu quả chương trình. Cùng với đó, các nhà trường luôn quan tâm đa dạng hóa các hình thức giáo dục, chú trọng các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học của học sinh; tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Đồng thời, thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá gắn với lộ trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; đẩy mạnh chuyển đổi số, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh. Ngoài ra, các nhà trường còn chú trọng thực hiện cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của giáo viên; đảm bảo tính dân chủ, công khai trong việc thực hiện chương trình, giáo khoa; phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục...
Công tác giáo dục tại vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc cũng được quan tâm, tiếp tục duy trì tỷ lệ 8% số học sinh người dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Với nhiều nỗ lực, hằng năm, các chỉ tiêu giáo dục của các cấp học trong tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, đến nay, đội ngũ giáo viên được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Việc thực hiện kịp thời các chính sách của Chính phủ, của tỉnh đã giúp đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, khắc phục cơ bản tình trạng thiếu biên chế giáo viên, góp phần nâng chất lượng giáo dục.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tiếp tục được quan tâm, tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên (CBQL,GV) có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên đạt 89,47% (tăng 6,96 % so với kế hoạch); tỷ lệ giáo viên dạy tiếng Anh đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ là 95,38% (tăng 4,52% so với kế hoạch). Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia tiếp tục được các địa phương quan tâm chỉ đạo, đầu tư hiệu quả, đạt kết quả. Toàn tỉnh hiện có 605 trường học các cấp đạt trường chuẩn Quốc gia (bằng 88,84%).
Ngành Giáo dục và các địa phương trong tỉnh cũng đã tích cực thực hiện Đề án “Bảo đảm cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025”, toàn tỉnh xây mới 1.149/1.566 phòng học, đạt tỷ lệ 73,37% tổng nhu cầu đầu tư trong đề án; tỷ lệ phòng học kiên cố các cấp học từ mầm non đến THPT đạt 90,3%, tăng 18,92% so với mục tiêu năm 2025, vượt 15,3% so với mục tiêu đề ra.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành đầu tư xây dựng mới Trường THPT Đội Cấn (Đại Từ), Trường THPT Tức Tranh (Phú Lương), được đưa vào hoạt động từ năm học 2023-2024; thành lập thêm 2 trường THPT ngoài công lập là THPT Võ Nguyên Giáp và THPT Edison (trong đó Trường THPT Võ Nguyên Giáp đã tuyển sinh theo kế hoạch, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh ngày càng tăng).
Về việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, Thái Nguyên duy trì vững chắc kết quả xóa mù chữ với kết quả 177/177 đơn vị cấp xã; 9 đơn vị cấp huyện và tỉnh Thái Nguyên đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đảm bảo mục tiêu về phổ cập, xóa mù chữ của năm 2025; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98,43%, tăng 0,28% so với cùng kỳ năm trước, vượt 3,43% so với mục tiêu. Đến tháng 12 năm 2023, có 933 học sinh được hỗ trợ lệ phí thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với tổng số tiền hỗ trợ gần 3,8 tỷ đồng, có 33 học sinh đạt điểm 8.0 chứng chỉ IETLS trở lên.
Đáng nói, trong năm học 2022-2023, ngành GDĐT còn tổ chức tốt Kỳ thi chọn học sinh giỏi các lớp 9, 10, 11, 12 cấp tỉnh. Qua đó, đã có 3.838 học sinh đoạt giải, trong đó có 78 giải Nhất, 660 giải Nhì, 1.249 giải Ba và 1.851 giải Khuyến khích. Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia, năm học 2022-2023, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có thành tích tốt, với vị trí thứ 15 trong các tỉnh, thành của toàn quốc với 53 học sinh đoạt giải (1 giải Nhất, 9 giải Nhì, 15 giải Ba và 28 giải Khuyến khích).
Với sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy đảng và sự tích cực, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ của toàn Ngành, năm 2023, ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên đã thành công trên mọi lĩnh vực, được Bộ GDDT tạo tặng Cờ Thi đua xuất sắc do hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2022-2023; Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh khen thưởng Đảng bộ Sở GDĐT hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; UBND tỉnh công nhận "Tập thể Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". Những kết quả đạt được là nền tảng vững chắc để ngành GDĐT tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học 2023-2024 và các năm tiếp theo...
Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202402/cham-lo-cho-su-nghiep-giao-duc-b2d1cd5/