Chăm lo công tác gia đình, tạo nền tảng phát triển xã hội
Những năm qua, các ngành, địa phương trong tỉnh Gia Lai luôn quán triệt sâu sắc quan điểm đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững, bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác gia đình. Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác gia đình được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác gia đình
Các địa phương trong tỉnh đã bám sát tiêu chuẩn gia đình văn hóa để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đáp ứng tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong xu thế hội nhập và phát triển. Các đoàn thể thường xuyên lồng ghép phong trào xây dựng gia đình văn hóa với các nội dung, phong trào thi đua: sản xuất kinh doanh giỏi, xóa đói giảm nghèo, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Gia đình, dòng họ hiếu học”… Các gia đình thường xuyên nhắc nhở các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận; đoàn kết tương trợ trong cộng đồng; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử lễ phép, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của địa phương.
Bằng những việc làm thiết thực, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã phối hợp với chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác phòng-chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình vững mạnh, hạnh phúc. Một trong những việc làm thiết thực đó chính là xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng-chống bạo lực gia đình tại các địa phương. Theo thống kê, đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 85% số hộ được tiếp cận thông tin về phòng-chống bạo lực gia đình; 100% cán bộ tham gia phòng-chống bạo lực gia đình các cấp được tập huấn nâng cao năng lực; 100% lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực phòng-chống bạo lực gia đình; 100% cơ quan cấp tỉnh liên quan đến hoạt động phòng-chống bạo lực gia đình có báo cáo viên cấp tỉnh về phòng-chống bạo lực gia đình; 98% số người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi; 100% xã, phường, thị trấn nhân rộng mô hình phòng-chống bạo lực gia đình.
Nhờ thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nên công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã hoàn thành chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-CP của Chính phủ với 10.922 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà, tổng kinh phí hơn 157,7 tỷ đồng. Các đoàn thể chính trị-xã hội làm tốt công tác ủy thác, tín chấp với ngân hàng cho hội viên vay vốn, thành lập các mô hình, câu lạc bộ, xây dựng quỹ hội để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 16,55% năm 2016 xuống còn 3,96% vào cuối năm 2021.
Nhiều địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung, tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa, tổ chức việc bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” theo đúng nội dung và tiêu chí. Công tác xây dựng gia đình văn hóa và thôn, làng, tổ dân phố văn hóa được chú trọng. Hàng năm, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp đã vận động cán bộ, đảng viên và người dân nghiêm túc thực hiện các tiêu chí không có bạo lực gia đình, không lạm dụng rượu bia, không vi phạm các tệ nạn xã hội để xét công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa: có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng, không sinh con thứ 3; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau; tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, khuyến tài… Nhờ vậy, tỷ lệ gia đình văn hóa không ngừng tăng, năm 2005 đạt 34,78%, đến cuối năm 2020 đạt 78,43%.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác gia đình
Cùng với những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện công tác gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, bất cập. Công tác tuyên truyền, giáo dục đời sống gia đình, phòng-chống bạo lực gia đình, giáo dục pháp luật đến người dân còn hạn chế, nhất là khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống làm phá vỡ các giá trị văn hóa gia đình truyền thống, vấn đề tảo hôn, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, ly hôn, ly thân, thanh-thiếu niên phạm tội có xu hướng gia tăng... nhưng chưa có biện pháp hạn chế, ngăn chặn hiệu quả. Đội ngũ làm công tác gia đình còn mỏng, kiêm nhiệm, chế độ chính sách, phụ cấp còn hạn chế. Kinh phí đầu tư cho công tác gia đình và phòng-chống bạo lực gia đình chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Sự tài trợ của các tổ chức và cộng đồng dân cư còn ít. Một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác bình đẳng giới, định kiến giới vẫn còn xảy ra gây nên bất bình đẳng trong việc đối xử với phụ nữ trong gia đình và xã hội. Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn diễn biến phức tạp.
Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình; triển khai kế hoạch cụ thể giải quyết những khó khăn, thách thức về gia đình và công tác gia đình. Chỉ đạo xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, kiên quyết đấu tranh chống lối sống ích kỷ, thực dụng, đồi trụy. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; có kế hoạch và biện pháp phòng-chống bạo hành trong gia đình và các tệ nạn xã hội.
Chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình. Cung cấp kiến thức và kỹ năng về tổ chức cuộc sống gia đình văn minh, tiến bộ; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa. Đẩy mạnh tuyên truyền các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong xây dựng gia đình văn hóa và vận động Nhân dân cùng thực hiện; kịp thời biểu dương những địa phương, đơn vị thực hiện tốt mục tiêu công tác gia đình. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, từng bước hạn chế, tiến tới xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Lồng ghép kiến thức xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, phòng-chống bạo lực gia đình.
Quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được đến trường, hạn chế trẻ em bỏ học. Vận động các gia đình tham gia xây dựng và thực hiện quy ước, quy chế dân chủ cơ sở; phát triển các hình thức tổ hòa giải, các câu lạc bộ gia đình tại cộng đồng; giữ gìn và phát huy văn hóa gia đình và truyền thống tốt đẹp của dòng họ; cảnh báo các nguy cơ và hậu quả về mất cân bằng giới tính khi sinh; xây dựng tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Duy trì và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Xây dựng mô hình gia đình văn hóa phù hợp với thực tiễn địa phương. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng và nhân rộng các gia đình điển hình, tiêu biểu; biểu dương các gia đình vượt khó vươn lên, làm kinh tế giỏi, hiếu học, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.