Chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở U Minh

Huyện U Minh, tỉnh Cà Mau là huyện vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, tập trung chủ yếu ở các xã Nguyễn Phích, Khánh Lâm, Khánh Hội, đều là các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 353/QĐ-TTg, ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, chính quyền huyện U Minh đã triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, xây dựng nông thôn mới gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).

Chị Thạch Sa My trồng hoa màu mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: Phương Nghi

Chị Thạch Sa My trồng hoa màu mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: Phương Nghi

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đến các phum sóc Khmer xã Khánh Lâm, huyện U Minh vào những ngày bà con chuẩn bị đón Lễ Sen Đôn-ta 2023 (từ ngày 29/8 đến mùng 1/9 âm lịch), điều dễ nhận thấy là bộ mặt nông thôn đang ngày một khởi sắc. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ý thức vươn lên của đồng bào DTTS cũng ngày càng được nâng lên. Tinh thần chịu thương, chịu khó, cần cù trong lao động sản xuất được đồng bào DTTS phát huy.

Những năm qua, ngoài việc trồng lúa, nuôi tôm, chị Thạch Sa My (ở ấp 2, xã Khánh Lâm) còn tích cực trồng hoa màu. Mô hình trồng hoa màu được chị duy trì thực hiện quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn là vụ hoa màu Tết. Nhờ thực hiện mô hình này mà kinh tế gia đình chị không ngừng được cải thiện. Chị My cho biết: “Bên cạnh sự chăm lo của Nhà nước thì bản thân mình cũng phải biết tự thân vận động mới được. Thời gian qua, gia đình đã tận dụng hết diện tích đất sân vườn để trồng hoa màu. Riêng năm nay, hoa màu có giá nên mình có nguồn thu đáng kể, đời sống gia đình được cải thiện, chuyện con cái học hành cũng được ổn định hơn”.

Khánh Lâm là xã đặc biệt khó khăn, hơn 2 năm qua, với nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, sự đồng lòng, quyết tâm của chính quyền và nhân dân xã, đến thời điểm này, Khánh Lâm đã đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Nguyễn Minh Thông, Chủ tịch UBND xã Khánh Lâm cho biết: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhất là hiệu quả từ Chương trình MTQG 1719, đời sống, sản xuất đồng bào dân tộc Khmer tương đối ổn định, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của xã. Với một số hộ nghèo, cận nghèo đồng bào dân tộc Khmer (chủ yếu do không có đất sản xuất), chính quyền xã đã tham mưu cho các cấp trên sắp xếp, hỗ trợ đất ở và đất sản xuất. Sau khi đã an cư, đồng bào dân tộc Khmer chí thú làm ăn, có hộ buôn bán, sản xuất nhỏ tại nhà, có hộ đầu tư phát triển tế, vươn lên thoát nghèo.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG 1719, huyện U Minh đặt ra các mục tiêu cụ thể, rõ ràng, đặc biệt là ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như tuyên truyền, vận động để người dân chung tay thực hiện chương trình.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, người dân xã Khánh Hội, huyện U Minh chuyển đổi nghề vá lưới, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, góp phần cải thiện đời sống cho bà con. Ảnh: Gia Uyên

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, người dân xã Khánh Hội, huyện U Minh chuyển đổi nghề vá lưới, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, góp phần cải thiện đời sống cho bà con. Ảnh: Gia Uyên

Ông Huỳnh Văn Đen, Trưởng phòng Dân tộc huyện U Minh cho biết: Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc thực hiện các chính sách dân tộc, đời sống của đồng bào các dân tộc có bước phát triển tích cực. Năm 2022, thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện U Minh được phân bổ nguồn vốn hơn 8,8 tỷ đồng, xây dựng mới 8 công trình và nâng cấp, sửa chữa 2 công trình dân sinh. Năm 2023, tổng nguồn vốn các Chương trình MTQG là hơn 46 tỷ đồng, trong đó, Chương trình MTQG 1719 hơn 14,9 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn trên, huyện U Minh đã triển khai hỗ trợ đất sản xuất cho 18 hộ đồng bào dân tộc Khmer và 33 hộ khác được hỗ trợ về nhà ở.

Cùng với việc hỗ trợ đất ở và đất sản xuất, chính quyền huyện U Minh còn tổ chức các lớp dạy nghề và tạo việc làm cho gần 300 lao động là người dân tộc Khmer; hỗ trợ mua dụng cụ sản xuất cho 150 hộ và lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các dự án, chương trình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế, tăng thu nhập cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719, ông Huỳnh Minh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện U Minh, Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình MTQG huyện U Minh cho biết: U Minh sẽ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và giải quyết kịp thời các vấn đề khó khăn, cấp bách, nhất là ở vùng DTTS. Huyện ưu tiên cho các ấp, phum sóc còn hạn chế về cơ sở hạ tầng thiết yếu; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và không để trùng lặp, chồng chéo giữa các dự án, chương trình hỗ trợ. Đặc biệt, huyện U Minh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, phát huy ý chí tự lực, tự cường, tạo sự đồng thuận của người dân trong việc tham gia triển khai thực hiện các chương trình, dự án của Chương trình MTQG 1719; hạn chế tối đa tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Có thể nói, với sự đầu tư mạnh mẽ cho vùng sâu, vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS, diện mạo nông thôn và đời sống của người dân ở U Minh đang "thay da, đổi thịt" từng ngày. Một số chương trình dự án đầu tư cho đồng bào DTTS đã mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực, làm cho phum, sóc ngày càng khởi sắc.

Phương Nghi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cham-lo-doi-song-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-u-minh-post467661.html