Chăm lo giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đến nay có nhiều khởi sắc. Trong đó, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được củng cố, mở rộng và từng bước nâng cao chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu học tập của con em đồng bào DTTS.

Ưu tiên và quan tâm đặc biệt đối với học sinh thuộc các DTTS là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước từ nhiều năm nay. Chính vì vậy đã có không ít các chương trình, dự án, đề án, chính sách, thậm chí huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn chăm lo cho GD&ĐT. Nhờ đó, hệ thống trường, lớp học tại các xã, phường trong tỉnh, nhất là những vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS luôn được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.

Các em học sinh ưu tú Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Hòa Bình được kết nạp Đảng khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Các em học sinh ưu tú Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Hòa Bình được kết nạp Đảng khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhiều chính sách ưu tiên trong giáo dục, đào tạo như miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, cung cấp sách giáo khoa và đồ dùng học tập cũng được triển khai hiệu quả tạo điều kiện cho học sinh DTTS có cơ hội đến trường, học tập, tiếp thu những kiến thức mới. Song song với đó, ngành GD&ĐT tỉnh nhà cũng tập trung đầu tư đào tạo đội ngũ giáo viên người DTTS, có năng lực chuyên môn và am hiểu văn hóa địa phương để đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học.

Điển hình như tại Trường THPT Tân Lạc (xã Tân Lạc), tuy không phải trường trong hệ thống dân tộc nội trú (TDNT) nhưng những năm qua luôn thực hiện quan tâm tới học sinh đồng bào DTTS. Năm học 2025-2026, toàn trường có 798 học sinh thì trong đó đã có 450 học sinh DTTS, chiếm tỷ lệ 56,60%. Tuy vậy, giáo dục đại trà đã có những chuyển biến về số lượng và chất lượng, số lượng học sinh đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, học sinh giỏi tăng nhiều hơn năm học trước. Tỷ lệ chuyển lớp thẳng trung bình đạt 99,59%. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trong các năm học vừa qua đều đạt tỷ lệ 100%, điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp năm sau đều cao hơn năm trước.

Học sinh DTTS trên địa bàn xã Đà Bắc luôn được các cá nhân, tổ chức quan tâm ủng hộ về vật chất, tinh thần.

Học sinh DTTS trên địa bàn xã Đà Bắc luôn được các cá nhân, tổ chức quan tâm ủng hộ về vật chất, tinh thần.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Tân Lạc Nguyễn Thu Hiền, trong 5 năm học vừa qua, nhà trường đã có có 2 học sinh đạt giải TDTT cấp quốc gia, 5 học sinh đạt giải cấp Bộ và 245 học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa, 204 học sinh đạt giải cấp tỉnh KHKT, TDTT và các cuộc thi khác. Trong đó có những học sinh đạt giải TDTT cấp quốc gia, cấp Bộ là con em đồng bào DTTS. Đối với giáo viên là người DTTS nổi bật là cô giáo Đinh Thị Chúc có 3 năm liền có học sinh thủ khoa môn Địa.

Về phía hệ thống các trường dân tộc nội trú, bán trú đã luôn duy trì về quy mô, nâng cấp về cơ sở vật chất, thực hiện đầy đủ chế độ chính sách hỗ trợ học sinh DTTS vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ.

Trên địa bàn phường Tân Hòa, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Hòa Bình từ nhiều năm qua luôn có vai trò quan trọng trong việc giáo dục và đào tạo học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Nhà trường đã luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới phương thức lãnh đạo, bám sát thực tiễn, tạo chuyển biến rõ nét trong mọi mặt công tác, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyên môn dạy và học.

Những năm gần đây, các chỉ tiêu nghị quyết của Nhà trường đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm khá, tốt hàng năm đạt từ 97-99%, trong đó có năm hạnh kiểm tốt đạt đến 99%; không có học sinh xếp loại hạnh kiểm yếu. Tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi thường xuyên vượt 90%, trong đó số học sinh giỏi tăng đều qua các năm. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hằng năm luôn duy trì ở mức trên 95%. Nhiều học sinh đạt giải quốc gia ở các môn văn hóa và giành giải quốc tế trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật tại Hàn Quốc.

Không những vậy, Nhà trường cũng luôn quan tâm tới đời sống, sinh hoạt của các em học sinh DTTS. Theo Hiệu trưởng Đào Tuấn Sơn, bên cạnh quan tâm về nơi ở nội trú, Nhà trường cũng luôn xác định công tác quản lý, nuôi dưỡng học sinh là nhiệm vụ trọng yếu, thực hiện đầy đủ chế độ, khẩu phần ăn, không để xảy ra bất kỳ trường hợp ngộ độc thực phẩm nào tại bếp ăn của nhà trường.

Trên địa bàn toàn tỉnh, các trường học cũng luôn cải thiện chương trình, phương pháp giảng dạy, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh DTTS. Đồng thời, kết hợp giáo dục kiến thức văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số vào chương trình học, giúp học sinh tự hào và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Song song với đó, các trường học còn tập trung thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm trên cơ sở phù hợp với học sinh là người DTTS, nhiều trường học tích cực xây dựng các mô hình mới mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao nhận thức và rèn kỹ năng sống cho học sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tiêu biểu như hệ thống các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT tại các xã Cao Phong, Đà Bắc, mai Châu...

Theo đồng chí Nguyễn Quang Minh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, hiện nay, sau sáp nhập tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình thành tỉnh Phú Thọ mới, ngành GD&ĐT của tỉnh nhà dự kiến sẽ có nguồn lực tốt hơn đảm bảo tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước bằng các giải pháp đồng bộ, phấn đấu đưa sự nghiệp GD&ĐT vùng DTTS ngày càng đổi mới, góp phần vào sự phát triển KT-XH chung của tỉnh.

Trong đó, tập trung chỉ đạo các trường dân tộc nội trú, bán trú thực hiện tốt công tác nuôi ăn, đảm bảo chỗ ở cho học sinh. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh DTTS; chú trọng giáo dục kỹ năng sống, tăng cường các hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao... nhằm giáo dục toàn diện. Đồng thời, quan tâm giáo dục ý thức bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi địa phương.

Hồng Trung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/cham-lo-giao-duc-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-235556.htm