Đề xuất giao thêm nhiệm vụ cho Sở GD&ĐT và UBND cấp xã
Dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất giao thêm nhiệm vụ cho Sở GD&ĐT và UBND cấp xã, mở rộng phân quyền trong hệ thống giáo dục công lập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở GD&ĐT thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cùng với phạm vi phụ trách của phòng chuyên môn thuộc UBND cấp xã, phường, đặc khu. Tài liệu này đã được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ xã hội.

Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hà Nội, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Thông tư phân quyền giáo dục.
Dự thảo được xây dựng nhằm cụ thể hóa các quy định tại Nghị định số 142/2025/NĐ-CP (về phân định thẩm quyền giữa chính quyền hai cấp) và Nghị định số 143/2025/NĐ-CP (về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực giáo dục). So với quy định hiện hành, nội dung dự thảo lần này có nhiều điều chỉnh đáng chú ý, là việc mở rộng thẩm quyền và phạm vi quản lý của các cấp.
Tăng thẩm quyền cho Sở GD&ĐT
Theo đề xuất, Sở GD&ĐT được giao tham mưu cho UBND cấp tỉnh thực hiện 7 nhiệm vụ vốn thuộc thẩm quyền Bộ trưởng, nay được phân cấp cho Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 143.
Các nhiệm vụ bao gồm: Công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 1 và 2, xóa mù chữ mức độ 1; Cho phép thành lập các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế liên chính phủ đề xuất;
Chuyển đổi loại hình của các cơ sở này sang mô hình hoạt động không vì lợi nhuận; Phê duyệt hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài; Cấp, sửa đổi, bổ sung và gia hạn quyết định thành lập văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam;
Quản lý toàn bộ quy trình cấp phép, điều chỉnh, gia hạn và thu hồi giấy phép hoạt động của văn phòng đại diện cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài; Đánh giá điều kiện tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
Đáng chú ý, Sở GD&ĐT còn được giao toàn diện công tác nhân sự đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.
Trước đây, những nội dung này ở bậc mầm non, tiểu học, THCS do UBND cấp huyện và phòng GD&ĐT đảm trách. Việc tập trung đầu mối được kỳ vọng tăng tính chủ động, thống nhất trong quản lý nhân sự ngành giáo dục.
Trao thêm quyền cho cấp xã
Song song với việc tăng vai trò của Sở GD&ĐT, dự thảo Thông tư cũng làm rõ chức năng tham mưu của bộ phận chuyên môn thuộc Phòng Văn hóa - Xã hội cấp xã trong quản lý Nhà nước về giáo dục tại địa phương.
Bộ GD&ĐT: Thi THPT 2025 diễn ra an toàn, nghiêm túc
Bộ GD&ĐT điều chỉnh chương trình Giáo dục phổ thông
Lần đầu tiên, hai nhiệm vụ quan trọng được đề xuất bổ sung cho Chủ tịch UBND cấp xã, gồm: Quyết định các vấn đề nhân sự tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc quyền quản lý như bổ nhiệm, kéo dài thời gian công tác, miễn nhiệm, điều chuyển vị trí, khen thưởng và kỷ luật người đứng đầu và cấp phó của đơn vị;
Thành lập và công nhận hội đồng trường, Chủ tịch hội đồng trường; thay thế thành viên; đồng thời quyết định công nhận hoặc không công nhận các vị trí lãnh đạo tại cơ sở giáo dục tư thục, căn cứ theo tiêu chuẩn và quy định pháp luật hiện hành.
Việc làm rõ phạm vi trách nhiệm và giới hạn thẩm quyền của cấp xã được xem là bước tiến cần thiết, giúp hoàn thiện cơ chế phân cấp trong ngành, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý giáo dục ngay từ cơ sở.