Giáo dục bằng cảm hóa

HNN - Theo Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sẽ có những thay đổi trong cách thức khen thưởng và kỷ luật học sinh, bao gồm việc bỏ một số hình thức kỷ luật truyền thống. Trong bối cảnh giáo dục hiện đại đặt trọng tâm vào sự phát triển nhân cách học sinh, đây được xem là một bước đi phù hợp với tinh thần 'kỷ luật tích cực'.

 Học sinh Trường THCS Chu Văn An tìm hiểu văn hóa giao thông

Học sinh Trường THCS Chu Văn An tìm hiểu văn hóa giao thông

Kỷ luật tích cực

Mùa hè năm 2023, một nhóm học sinh ở TP. Huế tham gia đánh bạn rồi quay video đăng lên mạng xã hội đã gây xôn xao dư luận. Nhưng, điều khiến nhiều người suy ngẫm lại là cách các trường xử lý. Thay vì đình chỉ học hay khiển trách công khai, ban giám hiệu nhà trường đã chọn cách giáo dục tích cực: Trao đổi, phân tích đúng sai, theo dõi quá trình thay đổi nhận thức của các em cũng như tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường.

Không áp dụng hình thức kỷ luật nặng, Trường THCS Hùng Vương chọn phương án hỗ trợ tâm lý, giao việc tốt, tổ chức hoạt động để học sinh sửa sai. Cách làm này đòi hỏi sự kiên nhẫn nhưng đem lại hiệu quả bền vững. Cô giáo Cao Thị Hồng Lam, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương (nay là Hiệu trưởng Trường THCS Thủy Bằng), người trực tiếp xử lý vụ việc học sinh vi phạm chia sẻ: “Với học sinh vi phạm, nhà trường uốn nắn, nhắc nhở, khuyên răn, giáo dục các em. Học sinh không ngoan ở lớp, giáo viên sẽ gặp trực tiếp học sinh trao đổi, phân tích. Nếu tiếp tục vi phạm thì kết hợp với Tổng phụ trách, giáo viên tư vấn tâm lý học đường cùng trò chuyện, theo sát học sinh, cùng phối hợp với phụ huynh để cảm hóa các em dần dần”.

Nhiều năm làm công tác quản lý, thầy giáo Ngô Đắc Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ cho hay, ông hầu như chưa bao giờ kỷ luật học sinh bằng hình thức nặng. Năm nay, trường có 1 trường hợp học sinh hút thuốc lá, 2 trường hợp học sinh gây gổ, đánh nhau. Nhà trường không kỷ luật mà mời phụ huynh đến để trao đổi cách giáo dục học sinh, quản lý học sinh qua thời khóa biểu, theo dõi sát sao quá trình tiến bộ...

Thầy giáo Ngô Đắc Dũng nhấn mạnh, điều quan trọng là giáo viên, nhà trường và gia đình cùng đồng hành để các em nhận ra sai lầm và tự sửa đổi. Không kỷ luật học sinh nhưng phải có giải pháp theo dõi, hỗ trợ, tư vấn tâm lý thường xuyên... Khi tạo cơ hội cho học sinh làm việc tốt, các em sẽ thay đổi nhận thức hơn là kỷ luật. Nếu các em thay đổi thì động viên, có lời khen để các em ổn định tâm lý.

Giáo dục là để trẻ hiểu

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư về khen thưởng, kỷ luật học sinh. Theo đề xuất, học sinh vi phạm sẽ bị xử lý tùy theo cấp học: Bậc tiểu học có thể bị nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi; bậc trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) có thể bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm. So với Thông tư số 08/TT của Bộ GD&ĐT ban hành năm 1988 hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông, dự thảo quy định mới sẽ bãi bỏ các hình thức kỷ luật, như: khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đình chỉ học tập, đuổi học một tuần, đuổi học một năm…

Đồng tình với quy định bãi bỏ các hình thức kỷ luật, thầy giáo Ngô Đắc Dũng cho rằng, ở lứa tuổi học sinh, tâm sinh lý, suy nghĩ và hành động của các em còn bồng bột. Khi học sinh vi phạm, thầy cô, nhà trường cần tìm biện pháp chấn chỉnh, giáo dục để các em nhận ra sai lầm và sửa đổi. “Dự thảo quy định này là một cách tiếp cận mới đối với giáo dục Việt Nam, trên thế giới đã áp dụng từ lâu. Trong xu thế hiện nay, giáo dục hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc, không có bạo lực học đường. Môi trường giáo dục phải luôn đặt trọng tâm vào sự phát triển con người. Không nạt nộ, roi vọt mà hướng đến thay đổi nhận thức là nguyên lý của giáo dục”, thầy Dũng tâm đắc.

Theo phân tích của cô giáo Nguyễn Thị Kim Quý, giáo viên Trường THPT Cao Thắng, giáo dục là để học sinh hiểu, không phải để sợ. Khi các em hiểu vì sao hành vi sai thì mới có thể thay đổi thực sự. Kỷ luật tích cực là giáo dục nhận thức đúng hướng, giáo dục nêu gương và giáo dục chuyển hóa chứ không phải đòn roi hay hình phạt. Đòn roi, hình phạt sẽ làm trẻ sợ, chứ không hiểu. Và khi trẻ không hiểu thì sẽ không nhận thức được việc mình đã làm sai hoặc làm chưa đúng.

Lứa tuổi học sinh THCS, THPT, đặc biệt giai đoạn dậy thì là thời điểm các em dễ bồng bột, chưa hoàn thiện về nhận thức và cảm xúc. Vì vậy, nhiều hành vi sai trái xảy ra không hẳn do cố ý mà do thiếu kiểm soát. Cô Quý nhấn mạnh, kỷ luật tích cực không phải là mềm yếu, mà là định hướng đúng. Cần lắng nghe thay vì quy kết, đồng hành thay vì loại bỏ. Nếu đánh mất kết nối, các em sẽ đánh mất cơ hội nhận thức lại bản thân.

Một số giáo viên lại cho rằng, có những trường hợp đặc biệt, khi học sinh vi phạm nghiêm trọng nhưng nhà trường không thể phối hợp cùng phụ huynh vì các em không sống cùng bố mẹ, việc giáo dục sẽ gặp trở ngại. Hơn nữa, không bị kỷ luật, học sinh cũng “lờn mặt”, tạo nên khó khăn cho giáo viên. Cô giáo Hồng Lam cho rằng, không có trường học nào, giáo viên nào muốn đình chỉ học sinh vì sẽ khiến các em rơi vào trạng thái xa rời tập thể, tự ti, dễ bị kỳ thị. Tuy nhiên, cũng cần những giải pháp đủ sức răn đe để giữ kỷ cương học đường, học sinh nhận ra lỗi và không tái phạm.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/giao-duc/giao-duc-bang-cam-hoa-155353.html