Chăm lo, nâng cao đời sống đồng bào Mông

Những năm qua, cuộc sống của đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Có được sự thay đổi ấy là nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và cả sự đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế, định canh định cư của người Mông.

Toàn tỉnh hiện có 3.645 hộ dân tộc Mông, với 19.146 nhân khẩu. Hơn 20 năm qua, thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW gắn với Kết luận 64-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII), tỉnh đã đầu tư 527 công trình với tổng kinh phí trên 295 tỷ đồng cho vùng đồng bào dân tộc Mông. Trong đó, xây dựng 230 công trình đường giao thông, 31 công trình trạm y tế, 195 công trình trường học, 10 công trình điện, 61 công trình phục vụ đời sống, sản xuất khác. Thực hiện chính sách định canh, định cư, toàn tỉnh đã có 3.240 hộ được bố trí di chuyển xen ghép; di chuyển tập trung 4 dự án với 336 hộ, 4 dự án đang thực hiện với 340 hộ. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Chương trình 135, tỉnh đã hỗ trợ phát triển sản xuất như chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất trên 10 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Mông.

Người Mông thôn Quảng Tân, xã Yên Lâm (Hàm Yên) chăm sóc rừng.

Người Mông thôn Quảng Tân, xã Yên Lâm (Hàm Yên) chăm sóc rừng.

Xã Kiến Thiết (Yên Sơn) có hơn 400 hộ dân tộc Mông, với trên 2.000 nhân khẩu, sinh sống ở 10/17 thôn trên địa bàn xã. Người Mông chủ yếu sinh sống ở các thôn xa trung tâm xã, đường sá đi lại khó khăn. Từ chỗ thiếu cái ăn, cái mặc, đến nay người Mông đã có của ăn, của để, nhiều hộ còn vươn lên khá giàu. Gia đình ông Vương Văn Sơn, thôn Nà Vơ, trồng 2 ha rừng. Trước đây phải làm cỏ bằng tay vất vả và kéo dài cả nửa tháng mới xong, nay ông sử dụng máy cắt cỏ được Nhà nước hỗ trợ từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất Chương trình 135 chỉ trong vài ngày đã làm xong. Ông Sơn phấn khởi nói: “Nhà nước hỗ trợ cho người dân tộc Mông những máy móc thiết thực đã giúp chúng tôi phát triển kinh tế hiệu quả. Vài năm nữa rừng lớn, khai thác xong gia đình lại trồng tiếp vì giờ chăm sóc rừng thuận lợi hơn”.

Ông Ma Ngọc Trân, Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết cho biết, xác định nguồn vốn đầu tư từ Chương trình 135 là một trong những nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của xã, chính quyền địa phương đã chủ động ưu tiên cho những thôn có đông đồng bào dân tộc Mông. Đồng thời, thực hiện lồng ghép các chương trình như hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, các dự án nông nghiệp và nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới để bà con có điều kiện nâng cao thu nhập. Từ năm 2016 đến năm 2019, xã Kiến Thiết được hỗ trợ 61 máy thái chuối để bà con phục vụ cho chăn nuôi; đầu tư xây dựng điểm trường với 2 lớp học phục vụ cho học sinh Tiểu học của thôn Nà Vơ và Lũng Quân với 60 học sinh, trị giá 800 triệu đồng; hỗ trợ 61 máy cắt cỏ cho hộ nghèo; hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, nhà lớp học Mầm non thôn Khuổi Cằn; hỗ trợ hộ nghèo người Mông giống, kỹ thuật, phân bón trồng cây hồng ngâm…

Từ nguồn hỗ trợ trên cộng với tinh thần vượt khó, năng động, người Mông đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển từ trồng ngô, trồng sắn sang trồng cây ăn quả, trồng rừng. Tiêu biểu như thôn Tân Minh, Làng Un, Nặm Bó mạnh về trồng cây ăn quả cam, bưởi, nhãn, chuối, rừng; Khuổi Cằn, Khuổi Khít trồng rừng, trồng chuối... Đời sống tinh thần, vật chất của bà con ngày một nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Bình quân mỗi năm toàn xã có hơn 130 hộ thoát nghèo, trong đó hộ dân tộc Mông chiếm 1/3. Nhiều gia đình người Mông đã xây dựng được nhà kiên cố, mua sắm được tiện nghi hiện đại, có ô tô tải làm dịch vụ chở nông sản phục vụ bà con.

Nằm trong Chương trình 135 nên xã Yên Lâm (Hàm Yên) đã được Nhà nước và tỉnh đầu tư nhiều công trình lớn như: Điện chiếu sáng, đường bê tông nông thôn, chợ trung tâm xã, trường học khang trang và bố trí các nguồn vốn ưu đãi của các ngân hàng về các thôn, bản, nhất là những thôn, bản có đông đồng bào Mông sinh sống. Theo đó, Dự án di dân khỏi vùng nguy hiểm của tỉnh cũng đã giúp cho 25 hộ dân của xã làm nhà mới, mỗi hộ được hỗ trợ 40 triệu đồng. Hiện nay, nhiều hộ đã an cư để phát triển kinh tế.

Ở các thôn khác như Ngòi Sen, Quảng Tân, Thài Khao... đồng bào Mông đã biết phát huy lợi thế của địa phương trong trồng rừng, trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Anh Giàng Seo Phủng ở thôn Thài Khao chia sẻ, gia đình anh trồng 2 ha rừng và được hỗ trợ con giống từ Chương trình 135 để phát triển chăn nuôi dê. Nhờ đó, thu nhập được nâng lên, có điều kiện chăm lo cho gia đình, các con học hành đầy đủ.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào Mông trong tỉnh đã tích cực phát triển sản xuất để có được cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn. Từ đó, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/cham-lo-nang-cao-doi-song-dong-bao-mong-130167.html