Đức sẵn sàng trả giá đắt vì Kiev

Tiến sĩ Gunnar Beck cho biết, Đức thà đảo lộn nền kinh tế còn hơn cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine.

Ukraine triển khai chiến đấu hệ thống đánh chặn Iris-T do Đức cung cấp.

Ukraine triển khai chiến đấu hệ thống đánh chặn Iris-T do Đức cung cấp.

Theo Forbes, bức thư của Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner, được công bố vào ngày 17 tháng 8, nói với chính phủ rằng từ năm 2025 trở đi sẽ không có thêm quỹ nào trong ngân sách để trang bị vũ khí cho Ukraine.

Điều đó đã gây ra một làn sóng chỉ trích trên các phương tiện truyền thông châu Âu. Đức là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho chính quyền Kiev sau Mỹ, cam kết cung cấp hơn 10,2 tỷ euro (11,3 tỷ đô la) vũ khí cho đến nay, theo Viện Kiel.

"Tôi gần như chắc chắn rằng việc cắt giảm viện trợ tài chính cho Ukraine mà Bộ trưởng Đức ám chỉ vào tuần trước sẽ không diễn ra. Đức sẽ không cắt giảm viện trợ cho Ukraine.

Chính phủ Đức sẽ tiếp tục vay nợ trên thị trường tài chính quốc tế, tăng thuế", Tiến sĩ Gunnar Beck, cựu Nghị sĩ châu Âu của đảng Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD), nói.

Học giả này cho biết thêm: "Đó là điều mà hầu hết các chính phủ phương Tây đang làm, nhưng chính phủ Đức đang làm ở mức độ ngày càng nguy hiểm hơn vì Đức cũng tài trợ phần lớn cho EU".

Cũng theo Beck, Đức sẽ bảo vệ trật tự chính trị và kinh tế phương Tây "cho đến đồng euro cuối cùng" của mình. Hiện giới tinh hoa chính trị nước này "không bảo vệ được lợi ích quốc gia".

Phó phát ngôn viên chính phủ Đức Wolfgang Buechner khẳng định với các phóng viên rằng kết quả cuộc điều tra về vụ tấn công phá hoại Nord Stream năm 2022 sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ với Ukraine.

Nhưng Văn phòng Công tố Liên bang Đức được cho là đã ban hành lệnh bắt giữ một nghi phạm trong vụ tấn công, một huấn luyện viên lặn người Ukraine tên là Volodymyr Z.

Phá hoại Nord Stream phản tác dụng với nền kinh tế Đức, khiến nước này mất nguồn khí đốt giá rẻ của Nga và làm giảm quá trình công nghiệp hóa do chi phí năng lượng cao.

"Không có lý do gì để cho rằng chính phủ Đức thực sự quan tâm đến việc khám phá sự thật về những kẻ đứng sau các cuộc tấn công Nord Stream.

Đức bắt đầu điều tra các cuộc tấn công phá hoại North Stream muộn hơn đáng kể so với bất kỳ quốc gia nào khác có liên quan", Beck nói.

Ông nói thêm rằng cuộc điều tra chỉ được tiến hành "dưới áp lực đáng kể của công chúng" và chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức "liên tục ngăn cản mọi cuộc điều tra ở cấp EU".

Cựu Nghị sĩ châu Âu nhấn mạnh rằng chính phủ Đức "đã tiến rất xa trong việc đảm bảo sự hỗ trợ của mình cho Ukraine", bất chấp nghi ngờ có sự liên quan đến Ukraine.

"Chính phủ Đức thường xuyên nhượng bộ trước áp lực quốc tế từ cả EU và Mỹ, và không muốn khẳng định lợi ích quốc gia của Đức bên trên mong muốn của nhiều bên liên quan khác", Beck lưu ý.

"Đừng mong đợi bất kỳ sự tiếp tục nào của một cuộc điều tra nghiêm túc về các cuộc tấn công của Nord Stream. Cũng đừng mong đợi bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong chính sách đối ngoại của Đức", ông kết luận.

Tiến Thành

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/duc-san-sang-tra-gia-dat-vi-kiev-post697512.html