Chăm lo, phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bạc Liêu

Những năm qua, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm, chăm lo đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đời sống người dân nâng lên.

Hồng Dân là một trong những huyện khó khăn của tỉnh Bạc Liêu, dân số hơn 109.000 người (trong đó, dân tộc Khmer hơn 14.000 người, chiếm hơn 12% dân số của huyện).

Những năm qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đường giao thông về trung tâm xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) đang được đầu tư mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân.

Đường giao thông về trung tâm xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) đang được đầu tư mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân.

Giao thông phát triển kéo điện nước phát triển theo

Đến nay, 100% xã có tuyến đường ô tô bê tông hóa, nhựa hóa đến trung tâm huyện, giao thông phát triển kéo điện, nước phát triển. Từ đó, giúp đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao.

Ông Phạm Minh Thuận (ngụ ấp Nhà Lầu 2, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân) chia sẻ, hơn 10 năm trước, đường về Ninh Thạnh Lợi A rất khó khăn, nhiều tuyến lộ chưa được bê tông hóa, chưa có cầu, phải qua đò, học sinh phải đi học bằng vỏ lãi, không đảm bảo an toàn, giao thương hàng hóa không thuận lợi.

"Ngày nay, đường về trung tâm xã đã được bê tông hóa, ô tô về tận nhà, nông sản người dân trồng ra được thương lái thu mua với giá cao hơn, nông dân phấn khởi", ông Thuận nói.

Còn bà Lê Thị Út (ngụ ấp Xẻo Dừng, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) chia sẻ: "Nhìn thấy nhiều tuyến lộ giao thông được đầu tư xây dựng khang trang, người dân chăm lo phát triển kinh tế gia đình, nhiều nhà vách lá được thay bằng nhà tường kiên cố, điện nước cũng phát triển, đời sống người dân được nâng lên".

Chính sách phát triển giáo dục và đào tạo vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số được huyện quan tâm cả về đầu tư xây dựng và quy mô trường lớp; đồ dùng dạy học, trang thiết bị phục vụ chuyên môn đảm bảo đạt chuẩn.

Ông Lê Văn Đang, Chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh Lợi A cho biết, với sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng ủy, UBND xã cùng với sự chung tay của nhân dân trên địa bàn xã trong xây dựng nông thôn mới.

Từ đó, phum sóc và khu dân cư ngày càng đổi mới. Cuối năm 2018, xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhiều tuyến đường về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) đã được bê tông hóa, ấp liền ấp, xã liền xã.

Nhiều tuyến đường về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) đã được bê tông hóa, ấp liền ấp, xã liền xã.

Ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND huyện Hồng Dân cho biết, từng là huyện nghèo, khó khăn của tỉnh, nhưng nhờ phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, đồng thời xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm để xóa đói giảm nghèo, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện từ đó đổi thay rõ nét.

Các chủ trương, chính sách mang tính đặc thù của Đảng, Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm triển khai kịp thời. Đó là các chính sách về nhà ở, cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực…

Nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, trong 5 năm qua, huyện Hồng Dân đã huy động hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp, xây mới các công trình cầu đường; duy tu, mở rộng các tuyến đường huyết mạch.

Điển hình như, đường ô tô về trung tâm xã Lộc Ninh - Ninh Thạnh Lợi - khu Căn cứ Tỉnh ủy; đường Vành đai sông Ngan Dừa - Ninh Hòa - Ninh Quới; đường từ xã Ninh Thạnh Lợi đi Ninh Thạnh Lợi A; đường Đầu Sấu - Tà Ky - Ninh Phước nối với huyện Phước Long; đường ô tô từ trung tâm xã Ninh Quới đi xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng); mở rộng tuyến đường Lộc Ninh - Vĩnh Lộc; đường Vĩnh Lộc - Vĩnh Lộc A...

"Ðến nay, hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số đã được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sạch. Đồng thời, mặt bằng dân trí được nâng lên, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy, đời sống vật chất của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao.

Trong thời gian tới, huyện ưu tiên đầu tư kinh phí phát triển hạ tầng cơ sở, chăm lo đào tạo nghề cho bà con vùng đồng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người dân", ông Chiến thông tin thêm.

Gia Minh

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/cham-lo-phat-trien-ha-tang-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-bac-lieu-192241212160247279.htm