Chăm lo 'vốn quý'

Công nhân là 'vốn quý', là lực lượng chính tạo ra giá trị của doanh nghiệp (DN). Nếu nhân tố này không được quan tâm thì họ sẽ không yên tâm làm việc, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mới đây, tại Hiệp Hòa có tình trạng công nhân của một DN ngừng việc tập thể. Nguyên nhân là do DN chậm thông báo giải quyết các chế độ tăng lương thực hiện tại Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ. Sau khi tiếp nhận ý kiến đề nghị tăng lương và phụ cấp, lãnh đạo Công ty không hồi âm ngay khiến người lao động bức xúc.

Trong quá trình đối thoại, lãnh đạo DN không trả lời cụ thể kiến nghị của người lao động dẫn đến phải thương lượng nhiều lần, kéo dài thời gian ngừng việc. Nắm bắt tình hình, bám sát hướng dẫn của cấp trên về giải quyết ngừng việc của người lao động, huyện Hiệp Hòa đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn đến DN gặp gỡ, tuyên truyền vận động, thành lập tổ công tác hỗ trợ giải quyết. Sau đó, DN và người lao động đã đạt được một số thỏa thuận, đến nay công nhân đã đi làm bình thường trở lại.

Từ vụ việc trên cho thấy, lãnh đạo DN đã không kịp thời nắm bắt, tuyên truyền vận động, giải quyết những nội dung người lao động kiến nghị đã đẩy sự việc thêm phức tạp. Khi công nhân ngừng việc tập thể thì DN bị ảnh hưởng nặng nề, không có sản phẩm, có thể bị trễ thời gian giao hàng cho đối tác, cao hơn là giảm uy tín của DN với bạn hàng.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 10 nghìn DN, trong đó nhiều DN đã quan tâm, bảo đảm tốt chế độ với người lao động. Công nhân yên tâm làm việc, thêm gắn bó, cống hiến cho DN. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận DN chưa làm tốt công tác này như trường hợp nêu trên ở Hiệp Hòa. Một số DN đã bị xử phạt hành chính do yêu cầu người lao động tăng ca quá quy định hoặc nợ đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân.

Để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động, cơ quan chức năng căn cứ quy định của pháp luật, theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện của các DN về chế độ, chính sách, từ đó có biện pháp chấn chỉnh vi phạm và những điều bất cập, không để công nhân bức xúc, ngừng việc tập thể. Về phía DN hãy coi công nhân là “linh hồn” của nhà máy, công xưởng, nếu nhà máy không có công nhân thì sẽ trở thành công trình bỏ hoang, không sức sống; thành lập bộ phận tiếp nhận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đồng thời phối hợp giải thích, tổ chức đối thoại, nhanh chóng giải quyết kiến nghị của người lao động.

Trường Sơn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/cham-lo-von-quy-090629.bbg