Chạm mặt với 'vàng tặc' ở rừng sâu

Đi bộ hàng chục cây số đường rừng, nhóm phóng viên Tiền Phong bí mật tiếp cận hiện trường, ghi nhận quá trình 'vàng tặc' khoét núi, làm địa đạo để khai thác vàng trái phép tại Tiểu khu 416 (Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa), địa phận xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa, Gia Lai.

“Địa đạo” giữa rừng

Địa điểm khai thác vàng trái phép này nằm trên địa phận giáp ranh giữa xã Đak Sơ Mei và Hà Đông (đều thuộc huyện Đak Đoa). “Toàn dân ngoài Bắc vào làm mới được, dân mình không biết đãi đất ra vàng như họ đâu. Khoảng một tháng trước tôi thấy họ bắt đầu đem máy phát hiện, thiết bị vào đào vàng rồi. Dân ngoài kia nên mình không loại trừ khả năng có súng hoa cải, nguy hiểm lắm. Người ta chọn mùa mưa để làm nhằm tránh sự truy quét của lực lượng chức năng”, nguồn tin nói.

Theo nguồn tin, khu vực này từng lan truyền câu chuyện một nhóm người đào được 3 tạ vàng. Bởi vậy, khu vực nhóm khai thác vàng có tên là “đồi 3 tạ”. Khu vực lựa chọn để làm vàng ở khe núi, ngoài hiểm trở, khó tiếp cận, còn “đắc địa” mọi yếu tố để tẩu thoát. Vì từ “tạp hóa ông Tuấn”, cách hiện trường khai thác vàng trái phép không có sóng điện thoại, nhưng điểm đào vàng nằm trên lưng núi với diện tích hơn 2.000m2 lại có sóng điện thoại. Bởi vậy, khi có bất kỳ động tĩnh nào của lực lượng chức năng truy quét, các đối tượng có người báo tin ngay.

Nhóm phóng viên ghi nhận ngày 21/5, các đối tượng khai thác vàng làm rầm rộ

Nhóm phóng viên ghi nhận ngày 21/5, các đối tượng khai thác vàng làm rầm rộ

Thu thập đủ thông tin, căn cứ, lối đi cũng như cách thức hoạt động, nhóm phóng viên Tiền Phong quyết định vào hiện trường. Đi bộ hơn chục cây số, qua đường núi chỉ lọt bánh xe máy, rất nguy hiểm. Chúng tôi để xe máy dưới chân núi, phải đi bộ khoảng 2 cây số nữa mới tới vị trí làm vàng. Nghe tiếng máy phát điện, nhóm phóng viên từng bước men theo con đường mòn, vừa đi vừa quan sát để không bị lộ.

Qua ghi nhận, có một cửa hầm chính như địa đạo đâm thẳng vào núi. Miệng hầm được gia cố bằng cây kiên cố, tránh sập, sạt lở, lấp “địa đạo”. Trước miệng hầm là hai hình vuông được be, đắp bằng hàng trăm bao đất. Đây là nơi tập kết đất đá chứa vàng để vào hóa chất, phục vụ việc đãi vàng. Rải rác quanh núi là các lỗ hình vuông (đường kính 1m) có tác dụng để thông hơi, thông khí cho “địa đạo”. Các hố hình vuông này rất nguy hiểm, vì không được rào chắn, hoặc có rào cũng chỉ là vài cây củi cột lại với nhau qua loa. Nếu không để ý, rơi xuống các hố vuông này, nhẹ cũng gãy chân tay. Nằm trên sườn núi, nhóm phóng viên ghi nhận cảnh “vàng tặc” thực hiện quá trình khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, khoảng 20 phút sau nhóm phóng viên phải rút khỏi hiện trường, báo cơ quan chức năng.

Bó tay?

Nhận được tin báo của nhóm phóng viên Tiền Phong, hơn 50 cán bộ, chiến sĩ các phòng thuộc Công an tỉnh Gia Lai vạch kế hoạch tác chiến, ập vào bãi vàng để truy quét các đối tượng. Để đảm bảo an toàn, tránh nguy hiểm, lực lượng Công an tỉnh Gia Lai chia làm hai tốp để tiếp cận hiện trường.

Chúng tôi xuất phát từ 6h sáng (ngày 24/5) cùng lực lượng Công an tỉnh Gia Lai từ thành phố Pleiku, mọi thông tin đều được giữ bí mật. Đi bộ đến chân núi lúc 9h15, lực lượng công an phát hiện một đối tượng khả nghi nên đã khống chế, phục vụ việc điều tra. Tiếp tục đi bộ hơn hai cây số nữa, lực lượng công an đã tiếp cận được hiện trường. Tuy nhiên bãi vàng không một bóng người, rất nhiều vật dụng, máy móc các đối tượng bỏ lại hiện trường, chưa kịp mang đi. Điều này cho thấy việc truy quét đã bị lộ. “Đen rồi, vị trí khai thác vàng này lại có sóng điện thoại. Mà các đối tượng đào vàng thường bố trí người gác khắp nơi, có động cái là gọi báo chạy liền”, một người trong đoàn chia sẻ.

Máy móc, các vật dụng còn tại hiện trường khi lực lượng Công an tỉnh Gia Lai ập vào truy quét.

Máy móc, các vật dụng còn tại hiện trường khi lực lượng Công an tỉnh Gia Lai ập vào truy quét.

Địa đạo nhỏ hẹp, chỉ vừa lọt khoảng một người đi qua.

Địa đạo nhỏ hẹp, chỉ vừa lọt khoảng một người đi qua.

Hiện trường cho thấy, hệ thống hầm với nhiều ngóc ngách len lỏi dưới lòng đất như một địa đạo. Đường hầm chính đâm thẳng vào núi, dài hàng trăm mét. Ngoài ra, các ngóc ngách khác như xương cá đâm ngang dọc trong núi. Trong những căn hầm, lực lượng công an thu giữ nhiều máy phát điện, cuốc xẻng, xe rùa cùng một số dụng cụ nghi dùng để khai thác vàng. Trong khu vực này có một căn lều được dựng tạm với nhiều dụng cụ cá nhân cho thấy dấu hiệu có người đã sử dụng và đã rời đi cách thời điểm lực lượng chức năng vào kiểm tra không lâu.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Thanh Bình – Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa, cho biết, địa điểm khai thác vàng trái phép thuộc Tiểu khu 416 (Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa). Theo ông Bình, việc khai thác vàng trái phép như vậy ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, đặc biệt là nguồn nước. Bởi vậy, từ năm 2024 đến nay, huyện liên tục chỉ đạo, truy quét, mật phục nhưng rất khó để bắt được các đối tượng vi phạm. Riêng vụ việc mới đây báo chí phát hiện, theo ông Bình, các đối tượng vàng tặc đã đào từ hầm cũ mở ngóc ngách bên trong. Trước mắt, huyện đã huy động dân quân và các hộ nhận bảo vệ rừng giao khoán phá hầm khai thác vàng trái phép này.

“Địa hình hiểm trở, đi lại rất khó khăn. Trong khi đó, các đối tượng vàng tặc lựa chọn vị trí khai thác khá tinh vi, bởi từ đường vào không có sóng điện thoại nhưng điểm khai thác khoảng 2.000m2 lại có sóng, tạo thuận lợi cho các đối tượng vi phạm liên hệ, báo tin cho nhau”, ông Bình giải thích.

Cửa chính "địa đạo" khai thác vàng trái phép

Cửa chính "địa đạo" khai thác vàng trái phép

Theo ông Bình, việc tiến hành phá hủy các đường hầm bằng chất nổ mặc dù đã được các cơ quan chuyên môn của huyện nghiên cứu, đề xuất, tuy nhiên lại gặp khó khăn do cửa hầm và miệng hầm rộng có độ sâu lớn, cần số lượng thuốc nổ nhiều, địa hình phức tạp không đảm bảo an toàn cho việc hủy nổ các hầm. Bên cạnh đó sẽ làm ảnh hưởng đến địa chất, môi trường và hệ sinh thái rừng tại khu vực này.

Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa khẳng định, sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân để xảy ra vụ việc khai thác vàng trái phép. Đồng thời, huyện sẽ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo và hỗ trợ cho huyện để có phương án xem xét san lấp, đánh sập các miệng hầm đã được các đối tượng đào hầm khai thác khoáng sản trái phép trước đây (vì ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, địa chất và mặt bằng san lấp đất).

Nhóm phóng viên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cham-mat-voi-vang-tac-o-rung-sau-post1745481.tpo