Chậm mở cửa trường học sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ

Đến thời điểm này, đa số địa phương trên cả nước đã lên kế hoạch cho học sinh các cấp trở lại trường học trực tiếp sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo nhiều chuyên gia, đây là việc làm cần thiết, nhằm tránh những hệ lụy từ việc học sinh không được đến trường quá lâu. Nếu không chăm lo để trẻ được sớm quay lại trường học an toàn thì sẽ chịu hậu quả của cả một thế hệ và lâu dài tới hàng thập kỷ sau.

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Kon Tum tận tình chỉ bảo các em học sinh lớp 1. Ảnh minh họa: Khoa Chương/TTXVN

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Kon Tum tận tình chỉ bảo các em học sinh lớp 1. Ảnh minh họa: Khoa Chương/TTXVN

Bà Simone Vis, Trưởng Chương trình Giáo dục của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam chia sẻ: Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến gián đoạn học tập trên toàn cầu, tạo thành một cuộc khủng hoảng giáo dục tồi tệ nhất trong lịch sử. Đại dịch, đóng cửa trường học không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn về tinh thần, tâm lý của trẻ em, gia tăng bạo lực gia đình, lao động trẻ em, mà còn ảnh hưởng đáng kể đến việc học tập của học sinh. Điều rõ ràng và nhức nhối là trẻ em đã học được ít hơn trong đại dịch. Sự tổn thất trong học tập này có thể khiến cả một thế hệ học sinh trên toàn cầu mất đi 17 nghìn tỷ USD thu nhập trong cả cuộc đời.

Bà Simone Vis nhấn mạnh: Những tổn thất về học tập do đóng cửa trường học vì COVID-19 là rất rõ ràng. Ngay cả khi học sinh học trực tuyến, các số liệu cho thấy, trẻ em học ít hơn, việc đóng cửa trường học cũng làm gia tăng sự bất bình đẳng. Để hạn chế tác động lâu dài của những tổn thất này, Việt Nam cần tập trung vào việc giải quyết những tổn thất đó.

UNICEF sẽ cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện kế hoạch phục hồi học tập. Mục tiêu của kế hoạch nhằm đảm bảo trẻ em và thanh thiếu niên được đến trường, đạt được năng lực học tập tối thiểu bằng với các thế hệ trước, khi đại dịch chưa xảy ra. UNICEF khuyến cáo các nhà trường nên dành nhiều thời gian cho học sinh thực hiện các tương tác xã hội và tiếp tục tập trung vào việc học tập cảm xúc xã hội.

Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục đã công bố số liệu đánh giá về mức độ ảnh hưởng tâm lý do dịch bệnh và học online, dựa trên kết quả nghiên cứu hơn 20.000 học sinh trên toàn quốc khi các em trải qua 6 tháng học trực tuyến.

Theo đó, có 65,1% học sinh có biểu hiện stress theo nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ, trung bình, đến nặng và rất nặng. Trong số này, có 32,9% học sinh ở tình trạng stress nặng và rất nặng; 41,8% học sinh có biểu hiện rối loạn lo âu ở các mức độ khác nhau, trong đó có 14,3% ở mức nặng và rất rặng; 34,4% học sinh có biểu hiện rối loạn trầm cảm ở các mức độ khác nhau, trong đó có 8,3% ở mức nặng và rất rặng.

Tiến sĩ Hoàng Trung Học cho rằng, một trong những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng trên là hoc sinh cần sớm được đến trường. Trẻ chỉ bình thường khi được điều hòa hoạt động. Tuy nhiên, nhà trường nên dành tuần đầu tiên để giúp trẻ thích ứng; đồng thời, tập trung hỗ trợ các vấn đề cảm xúc, hành vi của trẻ trong giai đoạn đầu.

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông Việt Nam bày tỏ quan điểm: Nhiều địa phương “yên chí” vì học sinh không tới trường nhưng các em vẫn được học trực tuyến, vẫn an toàn ở nhà chống dịch. Tuy nhiên, khi đánh giá về dạy học trực tuyến, các chuyên gia có chung nhận định, hiệu quả dạy học thấp, học sinh không hoạt động tập thể, không giao tiếp trực tiếp, mất kết nối với bạn bè, thầy cô và xã hội. Ngoài ra còn bị ảnh hưởng tới tâm lý, tới sức khỏe thể chất và tâm thần. Từ đó tạo ra sự mệt mỏi, căng thẳng cho người dạy và người học. Cha mẹ học sinh thì lo lắng, bỏ việc ở nhà hỗ trợ học cho con.

Theo ông Đặng Tự Ân, nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên do chúng ta chưa hiểu biết đầy đủ về cách thức dạy học trực tuyến trong môi trường không gian số. Nói cách khác, chưa biết tận dụng và khai thác triệt để thế mạnh của môi trường không gian số vào dạy học trực tuyến. Các trường chủ yếu vẫn là điều chỉnh, thậm chí còn giữ nguyên cách dạy học trực tiếp để áp dụng cho dạy học ở môi trường không gian số.

Trong khi đó, giai đoạn chống dịch của Việt Nam đang “sang trang” mới. Từ tháng 10/2021, cả nước đã chuyển đổi chống dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Các nhà trường từng bước, linh hoạt đưa học sinh trở lại trường. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn bị sự níu kéo của các Nghị quyết mà không mạnh dạn, sáng tạo tìm cách cho học sinh đi học trở lại.

Nguyên nhân nữa của việc chậm trễ mở cửa trường học là chưa thấy hệ lụy của việc học sinh không tới trường quá lâu. Dịch COVID-19 mang tính toàn cầu, chưa có tiền lệ. Những trải nghiệm hay bài học buồn liên quan tới ảnh hưởng về tinh thần, vật chất của học sinh như thế nào, các nhà trường đều không biết.

Do vậy, ông Đặng Tự Ân cho rằng: Chúng ta phải đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, đó là giao quyền tự chủ cho các cơ sở, đồng thời, theo sát, giúp các nhà trường tháo gỡ khó khăn, sớm có đủ quyết tâm mở cửa trường học.

Việt Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/cham-mo-cua-truong-hoc-se-anh-huong-den-ca-mot-the-he-20220128134835314.htm