Chậm một năm, mặt bằng dự án vành đai 4 vẫn 'xôi đỗ'
Được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, chậm nhất 31/12/2023 các quận huyện có dự án Vành đai 4 đi qua phải xong giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng đến nay đã tháng 12/2024 (chậm 1 năm) mặt bằng thi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (Vành đai 4) vẫn 'xôi đỗ' (đứt đoạn, không liền mạch - PV).
6/7 quận huyện chưa xong mặt bằng
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội (Ban Giao thông - Chủ đầu tư) vừa báo cáo Thành ủy Thành phố tiến độ thực hiện dự án Vành đai 4.
Với công tác GPMB (Dự án thành phần 1.1), Ban Giao thông cho biết, dự án Vành đai 4 đi qua địa bàn Hà Nội dài 52,7 km, để có mặt bằng thi công dự án, UBND thành phố đã giao 7 quận huyện có tuyến đường đi qua thực hiện công tác GPMB và hoàn thành vào 31/12/2023.
Đến nay (tháng 12/2024), chủ đầu tư mới tiếp nhận 776,82/786,2 ha mặt bằng của 48,35km/ 52,73 km dự án, đạt 91,7%. “Trên phạm vi thi công toàn tuyến vẫn còn nhiều điểm ngắt quãng, xôi đỗ" - Ban Giao thông nêu thực tế.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trong 7 quận huyện có dự án đi qua là: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông thì đến quý IV/2024 mới chỉ có huyện Sóc Sơn hoàn thành 100% công tác GPMB cho dự án, các quận huyện còn lại vẫn chưa xong, mặt bằng dự án đi qua các địa phương này vẫn còn ruộng, vườn của nhà dân nằm trong phạm vi dự án, dẫn đến các nhà thầu chưa thể huy động máy móc đến thi công.
Thậm chí, tại quận Hà Đông và huyện Hoài Đức, mặt bằng dự án còn vướng cả đất thổ cư, công trình nhà dân chưa di dời… Việc này đang ảnh hưởng đến tiến độ dự án và công tác thi công tổng thể các gói thầu làm đường song hành đang có tiến độ hoàn thành vào năm 2025.
Trước thực trạng trên Sở GTVT Hà Nội (cơ quan quản lý chuyên ngành về mặt nhà nước) cho biết, Sở GTVT Hà Nội đã trình UBND thành phố điều chỉnh thời gian thực hiện công tác GPMB đến hết Quý II/2025, trong đó hoàn thành công tác GPMB và di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật trong Quý I/2025.
Tuy nhiên chủ đầu tư cho biết, để đảm bảo tiến độ dự án và hoàn thành đường song hành vào cuối năm 2025, công tác GPMB cần phải hoàn thành trước ngày 31/12/2024, với một số trường hợp khó khăn hoàn thành trước Tết Âm lịch.
Bí thư Hà Nội yêu cầu xong GPMB trước Tết Nguyên đán
Trong cuộc họp kiểm điểm tiến độ và công tác thi công dự án Vành đai 4 ngày 12/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội - Trưởng ban Chỉ đạo dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Bùi Thị Minh Hoài cho biết, trong quá trình thực hiện dự án, các địa phương, cơ quan, đơn vị chuyên môn cần xác định đây là dự án trọng điểm Quốc gia, có vai trò lớn trong việc giảm ùn tắc giao thông, phát triển đô thị đối Hà Nội và các địa phương lân cận, do vậy cần tập trung hết sức lực để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Với công tác GPMB, cần có các giải pháp để lo cuộc sống ổn định cho người dân và vận dụng tối đa các chủ trương, chính sách có lợi nhất cho người dân thuộc diện GPMB. Đồng thời, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải kịp thời báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo giải quyết, bảo đảm tiến độ dự án không bị chậm so với các mục tiêu, kế hoạch đặt ra.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị, sở ngành và các quận huyện tập trung nỗ lực, cùng với đó phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham vấn về cơ chế, chính sách, phấn đấu hoàn thành công tác GPMB trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Đây là cơ sở, là tiền đề để hoàn thành đường song hành trước đại hội Đảng bộ Thành phố, đồng thời giúp chủ đầu tư đạt mục tiêu khởi công Dự án thành phần 3 (đường cao tốc) trong quý II/2025.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8 km, đi qua 3 tỉnh thành phố, gồm Hà Nội (57,95 km), Hưng Yên (19,31 km), Bắc Ninh (36,26 km). Dự án có tổng mức đầu tư trên 85.813 tỷ đồng được chia làm 7 dự án thành phần, trong đó đường cao tốc Vành đai 4 được đầu tư theo PPP với mức đầu tư 56.500 tỷ đồng. Dự án được khởi công ngày 25/6/2023 và có tiến độ hoàn thành theo phê duyệt dự án vào năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.
Tại lễ khởi công dự án, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, do có sự chủ động nên ở thời điểm lễ khởi công dự án Vành đai 4 đã giải phóng được 80% mặt bằng. Đây được xem là kết quả chưa có tiền lệ khi dự án chưa khởi công nhưng Hà Nội đã chủ động, quyết liệt trong việc thực hiện GPMB để triển khai tuyến đường.
Với 20% mặt bằng còn lại, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã giao các quận huyện có dự án đi qua đến 31/12/2023 phải xong và bàn giao mặt bằng sạch cho dự án.