Chăm những hạt mầm

Ánh nắng tràn khắp sân trường. Một ngày như mọi ngày, gần đến cửa lớp đã nghe những âm thanh nhốn nháo quen thuộc. Những con chim non của Nhạ đang hót, những hạt mầm Nhạ chăm mỗi ngày một lớn khôn hơn. Tự ví von như thế cho thêm động lực làm việc. Nhạ thích khoảnh khắc buổi đầu giờ nhất trong ngày làm việc, khi được nghỉ ngơi sau giấc ngủ dài, cốc cà phê buổi sáng khiến tâm trí Nhạ thông suốt, sảng khoái hẳn.

Nhạ nhẹ nhàng đặt chiếc túi xách vào tủ, mỉm cười dịu dàng, mắt lia nhìn một vòng quanh lớp và thoáng dừng lại chỗ Xuân. Nay thằng bé nhìn khang khác. Cho cả lớp ngồi nghiêm ngắn xong, Nhạ tiến lại gần chỗ Xuân, bàng hoàng phát hiện cánh tay mấy vết tím bầm. Mặt mũi thằng bé thì phờ phạc. Nhạ vội vàng hỏi: “Con bị sao thế? Để cô xem nào?”.

 Minh họa: TQ.

Minh họa: TQ.

Định vén cánh tay áo Xuân lên cao hơn để nhìn kỹ thì thằng bé giật phắt ra, kiểu như chả cần, mặt vênh lên nhìn ra ngoài ô cửa sổ. Nhạ kiên nhẫn hơn: “Có lần, do đi đứng không cẩn thận, cô cũng bị va vào cửa, chân tím bầm, đau bao ngày. Thế này, đau lắm con nhỉ?”.

“Con chả đau, mà có phải bị… va vào cửa đâu”. Thằng bé vùng vằng.

“Thế là bị làm sao?”

“Con…con…”

Thấy Xuân ấp úng. Nhạ choàng tay lên vai nó, xoa nhẹ vào đầu thằng bé, cố tình để cô trò gần gũi hơn.

“Con sao nào? Không vấp ngã thì làm sao?”.

“Qua bố… bố… đánh con cô ạ”.

Lòng Nhạ se thắt lại, thương xót học trò. Trấn tĩnh bản thân, Nhạ ôm nhẹ, thủ thỉ đủ để thằng bé nghe thấy:

“Lúc nào đau thì nhớ bảo cô nhé!”

***

Sân trường rào rào. Xe người, người xe rầm rập, ngổn ngang. Nhạ bị chôn chân tại chỗ trước cửa lớp, không nhúc nhích nổi vì cái nhìn ác cảm, ngồn ngộn oán trách cùng những lời cay nghiệt đang tuôn. Người đối diện vung tay, phản ứng gay gắt chuyện Nhạ vừa nói. Anh ta bảo, dạy dỗ trên lớp chưa xong, hà cớ gì Nhạ can thiệp vào gia đình anh ta. Lớp có 46 học sinh, Nhạ dành nhiều thời gian cho bé Xuân nhất, luôn kiên trì, dỗ dành, vỗ về, uốn nắn nó từng chút một. Chính vì Nhạ phát hiện ra sự bất bình thường từ lời nói đến hành vi của Xuân, nên Nhạ mới quan tâm tới Xuân hơn những đứa trẻ khác. Yêu thương, chăm sóc học trò hết mực. Vậy mà người sa sả vào mặt Nhạ lúc này, chính là bố thằng bé. Loạt đạn liên thanh bắn về phía Nhạ.

Giọng nhấn nhá đay nghiến, chì chiết giội xối xả vào tai. Đầu Nhạ bung biêng, giật binh binh, xóc tới tận óc. Cảm tưởng chỉ thiếu chút nữa là anh ta có thể “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với Nhạ. Sau một ngày bã người, xoay xở với bọn trẻ, giờ góp ý chút với phụ huynh mà phải hứng loạt đạn liên thanh này thật ức quá. Lồng ngực như quả bóng căng phình. Anh ta dọa sẽ kiện cô giáo lên Ban Giám hiệu nhà trường. Vậy để Nhạ sẽ gọi báo cáo trước, chứ bản thân Nhạ đang rất mỏi mệt với trường hợp của Xuân. Bao nhiêu phụ huynh dồn dập ý kiến về hành vi bất thường của thằng bé, hôm thì nó giật tóc, đánh bạn, hôm thì dọa nạt, lấy sách vở của bạn…

Nhạ cầm điện thoại, lướt nhanh danh bạ tìm số của chị hiệu trưởng. Bao nhiêu oan ức, tức tưởi theo tiếng khóc, theo lời kể, theo sự trình bày đầy lẽ phải của Nhạ tuôn trào như thác lũ, trút sang tai hiệu trưởng. Đầu dây bên kia im lặng, nhẫn nại nuốt trọn âm thanh. Sau khoảng lặng, là sự vỗ về, sau sự vỗ về, cô hiệu trưởng yêu cầu gặp riêng Nhạ trên phòng.

Đối diện với chị hiệu trưởng, Nhạ đã tiết chế lại cảm xúc nhưng vẫn kể lể đầy tâm trạng, thuật lại bao lời phụ huynh khác than vãn về Xuân, một thằng bé “tăng động”, không kiểm soát trong lớp Nhạ. Trong khi phụ huynh của nó thì không nhận ra con mình có vấn đề. Với vai trò cô giáo chủ nhiệm, Nhạ đã trao đổi thẳng thắn và góp ý về vấn đề dạy dỗ con ở nhà, nhưng thay vì phối hợp với giáo viên, bố Xuân lại dọa nạt, rất "thái độ" với cô giáo.

Chị hiệu trưởng chậm rãi, từ tốn rót trà. Chị chăm chú nghe, gật gù, khi Nhạ ngưng lại, chị đưa đôi mắt sáng, hiền hậu nhìn Nhạ và nói:

- Làm cha, làm mẹ, không ai có thể dễ dàng chấp nhận con mình bất bình thường được. Cũng có người dám đối diện với thực tế, nhưng cũng có người như bố mẹ của học sinh Xuân, không thể nào chấp nhận con mình đang bị nói bất thường. Họ mới chính là người đang chới với, cần sự giúp đỡ em à. Chị thông cảm với áp lực của cô giáo dạy lớp một như em. Những đứa trẻ lần đầu ôm cặp sách đến trường, vừa học chữ nghĩa, vừa phải làm quen với nếp sinh hoạt mới. Mỗi đứa trẻ là một thế giới, một hoàn cảnh, bao tình huống khó khăn xảy ra trong ngày. Áp lực lắm chứ. Nhưng chị đã giật mình, sững sờ khi em có thể khóc ngay lập tức trước phản ứng tiêu cực của phụ huynh. Phản ứng của em là biểu hiện của giáo viên có nghiệp vụ còn kém.

Mắt chữ O miệng chữ A. Nhạ hết sức kinh ngạc trước lời khiển trách của chị hiệu trưởng.

Một ngày làm việc kết thúc trong rời rã, ấm ức. Nhạ lặng người, bấm từng đốt ngón tay suy ngẫm.

***

Điểm tin buổi tối vô tình vang bên tai Nhạ, lời cô phóng viên chỉ trích việc thu nhiều khoản trong nhà trường. Nhạ bần thần. Đúng là “con sâu làm rầu nồi canh”, một giáo viên quát phạt học sinh chưa được đúng cách, khi bị bêu riếu, trăm đôi mắt thấy, nghìn đôi tai nghe. Học sinh của họ cũng dỏng tai nghe, găm vào trí óc non nớt rằng, sao phải e dè trước các thầy cô dạy chúng, nếu thầy cô làm căng tí là cho lên mạng, là quay video…

Các thầy cô có mà sợ rúm ró. Sợ thật chứ. Đọc loạt bình luận cay nghiệt tung tóe trên facebook trong vụ một giáo viên bị bắt lỗi mà Nhạ choáng váng. Chẳng ai rõ thực hư câu chuyện như thế nào, đầu cuối ra sao, nhưng gương mặt người giáo viên hiện trên màn hình thì rõ mồn một. Bị thế, thầy cô từng tự tin đến mấy cũng chả dám giương mặt dạy đời nữa. Có phải luồng khí thế dễ dàng băm chém ấy, nên thái độ xấc xược với chính người dạy dỗ mình phổ biến hơn mỗi ngày ở những đứa trẻ.

Ở trường Nhạ là cô giáo, ở nhà Nhạ là người mẹ của hai đứa trẻ. Một đứa học lớp 5, một đứa vừa vào lớp 1. Hôm rồi, ngồi lắng nghe con học online của trung tâm Anh ngữ, Nhạ đã rùng mình trước lời của một đứa trẻ dọa nạt giáo viên phụ trợ khi nó bị giáo viên này nhắc nhở nói chuyện trong phòng học trên zoom. “Thầy còn nói nữa em bảo mẹ em không nộp tiền cho nữa đâu đấy nhé, mẹ em không nộp thì tháng này thầy chỉ có mà đói”. Không nhìn thấy thằng bé, nhưng Nhạ tưởng tượng ra một gương mặt cậu ấm vênh váo. Nhạ ngó vào cái màn hình phẳng. Thầy giáo phụ trợ trẻ măng, đang giữ nụ cười gượng gạo trên môi. Thầy lảng tránh lời phát ngôn của cậu học trò vừa rồi, quay sang nhắc nhở cả lớp chú ý nghe bài. Nhìn thầy cố tỏ vẻ bình thản mà thương đến xót xa.

Nhạ luôn tự trấn an mình sau mỗi ngày làm việc, phải rành rẽ, không mang ưu phiền từ trường về nhà. Vậy mà lời mắng của chị hiệu trưởng vẫn bám riết tâm trí. Miếng cơm cứ trệu trạo trong miệng, ứ nghẹn. Chợt nhớ ra, phải nhắn thông tin ngay cho nhóm phụ huynh. Nhạ vơ chiếc điện thoại, tay tành tạch soạn tin rồi lại xóa đi, muốn gửi nội dung nhắc nhở vào nhóm chung của lớp thôi mà cân đo đong đếm mãi từng câu, chữ. Chỉ cần sai sót chút, phụ huynh sẽ rầm rầm phản ứng. Chồng Nhạ hơi cau mày: “Việc gì nhiều thế em, ở lớp không giải quyết hết hay sao mang cả về nhà”. “Phụ huynh họ hỏi thì phải trả lời chứ anh”. “Mỗi tối vài người thắc mắc, nhắn đi nhắn lại thì còn làm gì được nữa. Hay là… em có bao giờ nghĩ đến một công việc mới, nhàn nhã, đỡ áp lực hơn?”.

Mắt Nhạ mở to, chằm chằm ngước nhìn chồng. Biết mình đã lỡ lời, chồng Nhạ vội chữa: “Anh đùa ấy, chứ công việc chăm những hạt mầm là công việc em yêu thích, làm sao bỏ được”. Tính Nhạ thế, cẩn thận trong công việc, có chuyện gì thì suy nghĩ nhiều nên cứ bị nặng đầu óc. Mà căng thẳng mấy, chưa bao giờ Nhạ muốn từ bỏ công việc của mình, chồng Nhạ cũng thấu hiểu điều đó.

***

Đợi mãi thì cuối cùng Nhạ cũng gặp được mẹ bé Xuân, cả tháng chắc chị ta đón được con khoảng 2 lần vì công việc quá bận rộn. Người đàn bà bẽn lẽn ngồi xuống chiếc ghế đối diện, mở lời:

“Xin lỗi cô giáo, tất cả là tại chồng tôi vốn nóng tính”.

“Dạ, em hiểu, em cũng xin lỗi gia đình khi đưa ra những đánh giá về bé Xuân thẳng thừng như vậy. Em chỉ muốn được cùng bố mẹ của con hỗ trợ cho con được tốt nhất. Còn chuyện anh nhà đánh con là không được đâu chị…”

Mặt đỏ dần, mẹ bé Xuân phân bua, giãi bày:

“Nào nhà tôi đâu muốn to chuyện như vậy, cô giáo thông cảm cho, vợ chồng tôi sinh muộn, mãi mới có thằng bé, dẫu biết nó nghịch… hơi thái quá, nhưng vì yêu chiều con, nên không thích nghe mấy lời không hay về con. Chồng tôi nóng tính lắm. Đấy, không chấp nhận nghe cô nói con nghịch thế nhưng ở nhà, nó làm thái quá thì áp lực, không chịu được lại đòn roi áp đặt. Mà càng đòn roi, hình như thằng bé càng ngang ngược hơn. Cô giáo biết không, hôm qua thằng bé tự dưng sà vào lòng tôi, phải lâu lắm rồi nó mới làm vậy, nó bảo mẹ ơi, mẹ có thể ôm con như cô giáo ôm con được không, con bị đau… Điều đó khiến tôi thực sự xúc động. Tôi biết ơn cô giáo…”

Cứ thế, người đàn bà ngồi rủ rỉ tâm sự từ việc gia đình, con cái, đến khi nhìn quanh, chợt phát hiện, sân trường thưa vắng chỉ còn lác đác vài bóng người, mới chào Nhạ ra về.

Thoáng nhớ đến lời chị hiệu trưởng, quả chị nói rất đúng về tâm lý bố mẹ của Xuân. Đôi khi, tốt chưa đủ, mà phải biết khéo léo, đúng cách. Nút thắt trong lòng Nhạ được gỡ. Chỉ bấy nhiêu lời nói tâm tình với thái độ rất chân thành của mẹ bé Xuân khiến cho Nhạ nguôi quên mệt mỏi, thậm chí quên hết lời mắng té tát của bố Xuân. Qua sự việc, Nhạ cũng tự rút ra kinh nghiệm, thêm phần chín chắn với nghề “chăm những hạt mầm” của mình, công việc mà để làm tốt chả dễ gì. Lững thững bước từng bước qua dãy hành lang dài hun hút, quen thuộc, Nhạ thấy lòng mình hôm nay nhẹ nhõm vô cùng, nhẹ như những cánh hoa ngoài hiên đang bay phấp phới.

Truyện ngắn của Trần Ngọc Mỹ

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/cham-nhung-hat-mam-postid418112.bbg