Chậm phân bổ vốn - căn bệnh trầm kha

Chậm trễ trong phân bổ vốn đầu tư công, căn bệnh trầm kha này vẫn đang là thách thức với các bộ, ngành, địa phương và ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phục hồi, tăng trưởng kinh tế.

"Hạn chót" các bộ, ngành, địa phương phải phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là ngày 31.12.2022. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết tháng 4.2023 vẫn còn 65,4 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ, chiếm 9,26% kế hoạch năm 2023 Thủ tướng giao. Số vốn chưa phân bổ chủ yếu nằm ở các địa phương (gần 54,4 nghìn tỷ đồng), phần còn lại (11 nghìn tỷ đồng) là của các bộ, cơ quan trung ương. Đáng chú ý, ngay cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cũng có tỷ lệ vốn chưa phân bổ rất cao, đều trên 85%.

Diễn biến này không có gì lạ lẫm! Tình trạng chậm phân bổ vốn đầu tư công đã kéo dài trong suốt nhiều năm qua.

Gần đây nhất, năm 2022, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch theo đúng thời gian quy định (trước 31.12.2021). Thông tin này có trong một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi đến Kỳ họp thứ Năm của Quốc hội. Cụ thể, kết thúc niên độ ngân sách nhà nước năm 2022, vẫn còn 28,6 nghìn tỷ đồng chưa được phân bổ (bằng 4,9% kế hoạch Thủ tướng giao) và chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, tình trạng đề xuất trả lại kế hoạch vốn tiếp tục có xu hướng tăng, nhất là vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Ngay cả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội - ý nghĩa lớn và cấp bách là thế, đến nay vẫn còn 14,1 nghìn tỷ đồng chưa được giao chi tiết cho các dự án. Đối với năm 2023, Thủ tướng đã giao kế hoạch đầu tư từ nguồn vốn còn lại của Chương trình cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để triển khai thực hiện là 134,4 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 4.5.2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương mới giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án 109,6 nghìn tỷ đồng, còn lại 24,7 nghìn tỷ đồng chưa giao chi tiết. Sự chậm trễ này chắc chắn sẽ tạo áp lực giải ngân rất lớn, nhất là trong kế hoạch năm 2023

Tình trạng chậm phân bổ vốn mãi không chấm dứt cho thấy công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hàng năm vẫn là khâu yếu, chưa sát với khả năng thực hiện. Đặc biệt, chất lượng chuẩn bị dự án vẫn là vấn đề hết sức đáng lo ngại. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, cũng vì nhiều dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện để giao chi tiết vốn năm 2023.

Chậm phân bổ vốn ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tốc độ phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Căn bệnh trầm kha này cũng đặt ra câu hỏi: có hay không tâm lý đầu tư bằng được, tức là tìm mọi cách để có dự án, mà không tính đến khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án cũng như khả năng bảo đảm có thể phân bổ, giao chi tiết cho dự án theo đúng thời gian quy định?

Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu đã nhiều lần chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này. Tại Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải có “biện pháp quyết liệt trong việc chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn, giải ngân và quyết toán vốn đầu tư”. Vậy nhưng chuyển biến trên thực tế vẫn rất chậm cho thấy căn bệnh kinh niên này tiếp tục là một thách thức lớn và là một "chướng ngại vật" đối với tiến trình phục hồi kinh tế của đất nước ta.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/cham-phan-bo-von---can-benh-tram-kha-i326919/