Chậm phân vai chủ tịch, tổng giám đốc: Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị xử phạt

Quy định công ty đại chúng phải tách bạch chức danh chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc đã có hiệu lực hơn 1 tháng. Nhưng đến nay, thông tin từ 2 sở giao dịch chứng khoán cho thấy, hiện còn nhiều công ty chưa tuân thủ dẫn tới nguy cơ bị xử phạt.

Công nhân lao động ở Công ty cổ phần Khí cụ điện 1 - VINAKI.

Công nhân lao động ở Công ty cổ phần Khí cụ điện 1 - VINAKI.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Dương Thị Thu Thủy - Công ty TNHH Thân Tín, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

* PV: Quy định công ty đại chúng phải tách bạch chức danh chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) và tổng giám đốc đã có hiệu lực hơn 1 tháng (khoản 2 Điều 12 Nghị định 71/2017/NĐ-CP). Mặc dù doanh nghiệp cũng có tới 3 năm để chuẩn bị, tuy nhiên, đến nay vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ quy định trên. Bà nhìn nhận thế nào về thực trạng này?

- LS. Dương Thị Thu Thủy: Theo Nghị định 71 của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, các công ty đại chúng phải đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 1/3 thành viên HĐQT là thành viên độc lập và nhân sự không được kiêm nhiệm đồng thời cả chức danh chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc. Đây là thông lệ quản trị tiên tiến trên thế giới nhằm đảm bảo tách bạch chức năng của HĐQT và ban điều hành doanh nghiệp. Trên thực tế, tại Việt Nam ở rất nhiều doanh nghiệp, chủ tịch HĐQT thường kiêm luôn vị trí tổng giám đốc.

LS. Dương Thị Thu Thủy

Nghị định 71, có hiệu lực thi hành từ 1/8/2017, tuy nhiên, quy định tách bạch chức danh chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc có hiệu lực muộn hơn 3 năm. Đây là khoảng thời gian đủ dài để chuẩn bị nhân sự cho việc thực hiện tách bạch hai chức danh chủ chốt. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ quy định này.

Theo tôi, chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc là những vị trí quan trọng nhất về mặt nhân sự của mỗi doanh nghiệp. Bối cảnh hiện tại cũng khá đặc biệt, khi dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nhiều mặt đến hầu khắp các ngành nghề trong nền kinh tế, nên việc bố trí nhân sự chủ chốt càng gặp khó.

Bên cạnh đó, đa phần những doanh nghiệp chưa tuân thủ quy định này, phần nhiều là các công ty nhỏ, chất lượng quản trị còn nhiều yếu kém. Một số doanh nghiệp mới lên sàn, nên sự am hiểu cũng như tính chủ động tuân thủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán còn hạn chế.

* PV: Theo bà, tại sao Chính phủ lại yêu cầu các công ty đại chúng phải tách bạch chức danh chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc (giám đốc)?

- LS. Dương Thị Thu Thủy: Điểm then chốt của chủ tịch HĐQT là nhằm yêu cầu ban giám đốc hoạt động hiệu quả. Do đó, sẽ rất khó để thực hiện được nếu chủ tịch lại đồng thời là người được giao công việc quản lý doanh nghiệp.

HĐQT đóng vai trò định hướng chiến lược, chỉ đạo còn tổng giám đốc là người quản lí vận hành. Do đó, hai vị trí đòi hỏi năng lực rất khác nhau. Việc tách bạch giúp cho chủ tịch và tổng giám đốc thể hiện được vai trò của mình.

Bên cạnh đó, việc tách bạch giúp tăng cường yếu tố kiểm soát vì HĐQT sẽ kiểm soát ban điều hành. Việc tách bạch giúp cấu trúc quản trị công ty mới vững mạnh, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, đặc biệt là rủi ro cho cổ đông.

* PV: Khi chậm trễ phân vai lãnh đạo, doanh nghiệp có thể đối mặt với những hình thức xử phạt như thế nào? Là một luật sư, bà khuyến nghị gì đối với những doanh nghiệp chưa thực hiện tách vai chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc?

- LS. Dương Thị Thu Thủy: Liên quan đến chế tài xử phạt, Nghị định số 145/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ Nghị định số 108/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đã đưa ra mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với hành vi chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức danh giám đốc hoặc tổng giám đốc, trong trường hợp pháp luật quy định không được kiêm nhiệm.

Theo tôi, những doanh nghiệp chưa thực hiện cần khẩn trương thực hiện theo quy định. Đồng thời, doanh nghiệp phải giải trình rõ với nhà đầu tư, thị trường, cũng như nhà quản lý về nguyên nhân chậm trễ tuân thủ; đồng thời tích cực tìm kiếm nhân sự để thực hiện tách bạch hai chức danh này theo đúng quy định.

* PV: Còn về phía cổ đông, họ có thể làm gì để yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện nghiêm vấn đề này, không những đảm bảo tuân thủ pháp luật mà còn tăng tính công khai, minh bạch cho doanh nghiệp mình đầu tư?

- LS. Dương Thị Thu Thủy: Nghị định 71 là hành lang pháp lý đầu tiên ở cấp Chính phủ với góc độ toàn diện hơn so với Thông tư 121/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Căn cứ vào nghị định, các doanh nghiệp có các quy định cụ thể tham chiếu vào quản trị công ty của mình để đánh giá. Quản trị công ty là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, tạo được uy tín cho cổ đông, giảm rủi ro, giảm chi phí vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Mục tiêu lớn nhất của quản trị công ty là bảo vệ cổ đông. Khi quản trị công ty tốt có khả năng huy động vốn hiệu quả trên thị trường. Để bảo vệ quyền lợi của mình, cổ đông có quyền kiến nghị đến công ty, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định.

* PV: Xin cảm ơn bà!

Vẫn còn doanh nghiệp chưa tuân thủ phân vai lãnh đạo

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vừa ban hành nhiều văn bản nhắc nhở về việc thực hiện quy định tại Nghị định 71/2017/NĐ-CP. Theo HOSE, sau khi rà soát thông tin đã công bố còn nhiều công ty vẫn có chủ tịch hội đồng quản trị kiêm chức danh giám đốc (tổng giám đốc) như: Tổng công ty cổ phần

Thiết bị điện Việt Nam (Mã Ck: GEX), Công ty cổ phần Bibica (Mã Ck: BBC), Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Mã Ck: GIL), Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Mã Ck: SGR), Công ty cổ phần sản xuất và công nghệ Nhựa Pha Lê (Mã Ck: PLP), Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Mã: AMD). Sau khi có văn bản nhắc nhở, một số doanh nghiệp đã thực hiện quy định nhưng hiện tại vẫn còn một số doanh nghiệp chưa tuân thủ.

Hồng Quyên (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2020-09-22/cham-phan-vai-chu-tich-tong-giam-doc-nhieu-doanh-nghiep-co-nguy-co-bi-xu-phat-92571.aspx