Chăm sóc âm đạo càng trẻ càng tốt

Tại khoa Niệu nữ - Niệu chức năng, BV Bình Dân, số phụ nữ trẻ đến khám vì viêm nhiễm vùng kín tái phát ngày càng cao. Đa số đều không biết cách vệ sinh vùng kín đúng cách.

Chăm sóc vùng kín càng sớm càng tốt

Theo ThS BS Huỳnh Đoàn Phương Mai, Phó trưởng khoa Niệu nữ - Niệu Chức năng, Bệnh viện Bình Dân, cha mẹ không những có trách nhiệm dạy cho con cái đánh răng, làm sạch kẽ tay, kẽ chân mà con phải hướng dẫn cho con trẻ biết cách tự vệ sinh bộ phận sinh dục của mình.

Tại khoa Niệu nữ - Niệu chức năng, Bệnh viện Bình Dân, số phụ nữ trẻ đến khám vì viêm nhiễm vùng kín tái phát ngày càng tăng cao.

Vùng kín của phụ nữ gồm có cơ quan sinh dục ngoài (âm vật, âm đạo, môi bé, môi lớn) và niệu đạo, hậu môn. Do âm đạo nằm giữa niệu đạo và hậu môn nên dễ bị viêm nhiễm.

Với các bé gái còn nhỏ nên rửa ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng khi mới ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Khi rửa nên dùng gáo dội hoặc vòi nước cho chảy tại chỗ. Chỉ rửa phần ngoài bộ phận sinh dục, không bao giờ được cho ngón tay vào rửa bên trong âm đạo.

Khi các em đã có kinh, mẹ và chị lớn nên hướng dẫn các em rất cụ thể các việc cần làm để giữ vệ sinh những ngày có kinh nguyệt. Cụ thể là trong những ngày này cần rửa và thay băng vệ sinh ít nhất trong ngày từ 3 đến 4 lần; cũng rửa bằng nước sạch và ấm, không ngâm trong chậu hoặc xịt nước vào sâu trong âm đạo.

Điều cần lưu ý là khi đi vệ sinh, lúc chùi các em nên chùi hậu môn theo hướng từ trước ra sau để tránh phân dính trên giấy có thể bám vào mép sau âm đạo và âm hộ ở phía trước.

Theo ThS BS Phương Mai, việc chăm lo, giữ vệ sinh bộ phận sinh dục của các em gái từ tuổi dậy thì càng cần thiết hơn vì lúc này bộ phận sinh dục bắt đầu tiết dịch nhày từ trong cổ tử cung, âm đạo cũng như ở các tuyến quanh âm hộ.

Những chất dịch tiết này thực sự không bẩn, nhưng nếu không chú ý lau rửa sạch, vi khuẩn phát triển sẽ làm các chất dịch đó có mùi hôi và khi ấy rất dễ bị nhiễm khuẩn sinh dục.

Vi khuẩn không chỉ gây bệnh ở ngoài âm hộ mà có thể lan vào trong âm đạo và lên cổ tử cung, tử cung…Vì thế, nếu bị nhiễm khuẩn, mầm bệnh có thể lan vào tận trong ổ bụng gây viêm nhiễm tại bộ phận sinh dục nữ có thể dẫn đến tình trạng vô sinh sau này (do dính tử cung, tắc vòi trứng).

Nước và sản phẩm ít chứa xà phòng đủ giữ sạch

Hệ vi khuẩn thường trú này tạo thành một thành trì chống lại các vi khuẩn có hại, không để chúng đi sâu và bám dính vào thành âm đạo được. Chính vì thế, ta cần duy trì, không làm tổn thương lớp thành trì này.

BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh, khoa Niệu nữ - Niệu Chức năng, Bệnh viện Bình Dân cho biết, âm đạo có mùi riêng là việc bình thường, rửa sạch âm hộ và âm đạo bằng nước và các sản phẩm chứa ít xà phòng là đủ.

Việc dùng những sản phẩm có mùi hương hoặc nước hoa để che lấp đi mùi khó chịu không phải là cách tốt.

Khoa Niệu nữ - Niệu Chức năng, Bệnh viện Bình Dân, từng tiếp nhận một bệnh nhân khoảng 30 tuổi, bị nhiễm khuẩn nặng. Trước đó, cô ấy có huyết trắng và thường tự ý thụt rửa vì nghĩ sẽ làm sạch âm đạo. Sau đó, bệnh nhân tiểu gắt buốt, kèm đau bụng và sốt cao.

Khi khám ngoài viêm âm đạo, viêm bàng quang, bác sĩ còn phát hiện bệnh nhân bị viêm vùng chậu, gây nên tình trạng đau bụng và sốt cao. Viêm vùng chậu thực sự rất nguy hiểm bởi nó có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai sau này.

Không lạm dụng việc thụt rửa âm đạo hoặc rửa bằng dung dịch vệ sinh nhiều lần trong ngày.

Việc tự ý thụt rửa âm đạo sẽ khiến cho âm đạo bị thay đổi hệ sinh vật tự nhiên, làm mất đi lớp bảo vệ tự nhiên và dễ nhiễm trùng hơn. Xông hơi càng nguy hiểm vì nó ngoài gây rối loạn khả năng phòng vệ của âm đạo mà còn có nguy cơ gây bỏng âm hộ.

Mời độc giả xem thêm video Chăm sóc răng miệng cho phụ nữ khi mang thai:

(Nguồn: THĐT)

An Quý

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/cham-soc-am-dao-cang-tre-cang-tot-1710964.html