Chăm sóc bữa ăn bán trú cho trẻ
Bữa ăn tại trường rất quan trọng đối với trẻ bậc mầm non, mẫu giáo. Ðể nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, thời gian qua, nhiều trường mầm non trên địa bàn TP Cà Mau đã quan tâm, tạo điều kiện cho cả giáo viên lẫn nhân viên cấp dưỡng nâng cao tay nghề, vì sự phát triển của các mầm non tương lai.
Được tổ chức vào tháng 4/2024, lần đầu tiên Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) TP Cà Mau tạo ra một sân chơi mang tên “Hội thi giáo viên và cô nuôi dạy giỏi” để các đơn vị trường mầm non trên địa bàn thành phố có dịp tranh tài cùng nhau. Không chỉ dừng lại ở thời điểm diễn ra, sau hội thi, các trường học đúc kết được thêm nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý bếp ăn tại trường và nâng cao chất lượng khẩu phần ăn, đảm bảo các nguyên tắc an toàn và dinh dưỡng để trẻ phát triển toàn diện, đặc biệt là tạo ra sự hứng thú của trẻ đối với việc dùng bữa khi đến lớp.
Cô Nguyễn Hồng Thắm, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Búp Sen Hồng, Phường 8, cho biết: “Trong năm học này, mỗi ngày trường phục vụ 340 suất ăn cho các cháu, hiện trường đã hợp đồng với 5 nhân viên cấp dưỡng, hầu hết các chị đều gắn bó với trường từ 7-10 năm”.
Theo chị Hồ Kiều Huệ, bếp trưởng Trường Mầm non Búp Sen Hồng, từ khi thực hiện quy trình “bếp ăn một chiều” đã tạo ra nhiều thuận tiện hơn trong công việc của một cô nuôi, vì bếp ăn luôn ngăn nắp, gọn gàng, được sắp xếp khoa học cho nên thực phẩm không lẫn lộn với nhau, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Ðặc biệt, từ khi được tham gia hội thi có liên quan đến chuyên môn của mình thì trong công việc, chị đã có sự phối hợp nhịp nhàng đối với các cô giáo đứng lớp để chăm sóc tốt hơn cho trẻ. “Khi tham gia hội thi, tôi cảm nhận được sự gắn kết giữa cô nuôi và giáo viên, chính yếu tố này đã giúp trường đạt thành tích cao nhất trong hội thi. Ðặc biệt, đây là lần đầu tiên bộ phận cấp dưỡng tham gia hội thi do Phòng GD&ÐT tổ chức. Ngoài tâm thế háo hức, tôi còn mang theo tinh thần học hỏi để tích lũy kinh nghiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, chị Huệ bộc bạch.
Trong môi trường mầm non, mỗi giáo viên đều có nhiệm vụ riêng. Cô Phạm Thị Thanh Nhàn, giáo viên Trường Mầm non Hương Tràm, Phường 5, cho rằng: “Trong quá trình thực hiện phần ăn cho các con, có đôi lúc lượng thức ăn quá nhiều, chưa phù hợp, giáo viên sẽ là người góp ý để bộ phận cấp dưỡng điều chỉnh lại. Vì thế, giáo viên và cô cấp dưỡng cần có sự phối hợp ăn ý, điều này sẽ mang lại nhiều thuận lợi trong công tác chăm sóc và theo dõi sức khỏe của các cháu”.
Ðối với phần ăn của trẻ, Ban Giám hiệu Trường Mầm non Hương Tràm thường ưu tiên lựa chọn những thực phẩm có sẵn tại địa phương, bổ sung thêm các loại hải sản, thịt bò. Thực hiện quy tắc "bếp ăn một chiều", trường luôn đảm bảo nghiêm ngặt trong vấn đề vệ sinh thực phẩm, từ khâu sơ chế, chế biến thức ăn. Qua đó, giúp đội ngũ cấp dưỡng biết được quy trình bếp ăn an toàn của trường học, tránh sự lây nhiễm chéo giữa các vật phẩm gây hại đến sức khỏe.
Cô Phạm Thị Lắm, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Tràm, thông tin: “Từ trước đến nay, Phòng GD&ÐT thường tổ chức hội thi cho giáo viên, ít khi tổ chức các hoạt động cho bộ phận cấp dưỡng. Sự phối hợp giữa giáo viên và bộ phận cấp dưỡng rất quan trọng, vì thế “Hội thi giáo viên và cô nuôi dạy giỏi” là cơ hội để các giáo viên đứng lớp tìm hiểu về các khâu lên thực phẩm, lựa chọn thực phẩm của các cô nuôi; về phần các cô nuôi có thể hiểu thêm về khâu chăm sóc tổ chức bữa ăn, hình thức tổ chức ăn và vệ sinh chăm sóc các trẻ trong giờ ăn. Thông qua hội thi này giúp Ban Giám hiệu nhà trường đánh giá được những món ăn nào phù hợp với trẻ, những thực đơn hợp lý về chế độ dinh dưỡng cũng như khẩu phần, khẩu vị”./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/cham-soc-bua-an-ban-tru-cho-tre-a35796.html