Chăm sóc cây trồng vụ đông trong thời tiết giá lạnh kéo dài
Trên địa bàn tỉnh đang trải qua đợt rét đậm kéo dài. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cây trồng dễ phát sinh sâu bệnh, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng mùa vụ. Do đó, những ngày này, nông dân các địa phương trong tỉnh tích cực bám đồng ruộng, tập trung chăm sóc cây trồng vụ đông.
Những ngày này, tại huyện Mai Châu, sáng sớm và đêm nhiệt độ giảm sâu, trời lạnh, vùng núi cao có nhiều sương mù. Đồng chí Lê Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện cho biết: Để bảo vệ cây trồng, phòng trừ hiệu quả các đối tượng sâu, bệnh hại phát sinh do thời tiết bất thuận, huyện đã chỉ đạo các xã thực hiện theo hướng dẫn của Trung tâm DVNN huyện về quy trình, kỹ thuật phòng trừ các loại sâu bệnh, đối tượng gây hại cây trồng vụ đông. Theo dõi thường xuyên diễn biến thời tiết, nắm bắt chắc chắn cơ cấu cây trồng, thời vụ gieo trồng cây vụ đông. Bên cạnh đó, khuyến cáo nông dân chuẩn bị tốt lượng phân hữu cơ phục vụ sản xuất, bón phân cân đối để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Theo dõi sự xuất hiện và gây hại của các đối tượng dịch hại để có biện pháp chỉ đạo phòng trừ kịp thời, đặc biệt là tăng cường các biện pháp diệt trừ chuột bảo vệ mùa màng...
Trong thời điểm này, nông dân các địa phương tích cực theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động các biện pháp chống rét, phòng ngừa sâu bệnh cho cây trồng. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), thống kê trên toàn tỉnh, thời gian qua có khoảng 9 ha cây ăn quả có múi tại huyện Lạc Thủy bị bướm chích hút quả gây hại trên cây giai đoạn mọng quả, chín, thu hoạch; ruồi đục quả gây hại trên 16 ha tại Lạc Thủy, Yên Thủy. Ngoài ra còn có các đối tượng khác như: bệnh vàng lá thối rễ, bệnh chảy gôm, bọ trĩ, sâu vẽ bùa, sâu đục cành, rệp muội, rệp sáp... tiếp tục gây hại nhẹ rải rác tại các vùng trồng cây có múi. Sâu keo mùa thu gây hại 9 ha ngô tại huyện Lạc Thủy, Lương Sơn. Trên các diện tích trồng rau, sâu xanh bướm trắng, bệnh sương mai, bệnh thán thư, thối nhũn, rệp, sâu khoang, sâu xám, chuột… tiếp tục gây hại nhẹ rải rác với mật độ và tỷ lệ thấp. Đối với cây sắn, bọ phấn có diện tích nhiễm 30ha, trong đó nhiễm nhẹ 20 ha, nhiễm trung bình là 10 ha...
Dự báo cuối tháng 12 và tháng 1/2023, miền Bắc có thể đón nhiều đợt rét đậm do không khí lạnh gia tăng tần suất và cường độ hoạt động xuống Bắc Bộ. Do đó, các đối tượng sâu, bệnh hại có thêm điều kiện phát triển, đe dọa đến chất lượng, năng suất cây trồng. Ốc bươu vàng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh nấm mốc, bệnh khô vằn, bọ trĩ, rầy... có thể phát sinh gây hại trên mạ xuân, lúa xuân sớm. Ruồi đục quả, bướm chính hút quả, bệnh loét, bệnh ghẻ sẹo, đốm nâu, xì mủ... tiếp tục gây hại trên cây có múi giai đoạn mọng quả - chín - thu hoạch. Bọ trĩ, rệp, bọ bầu vàng, ruồi đục quả, bệnh do nấm, vi khuẩn... tiếp tục gây hại trên cây họ bầu bí. Bọ phấn trắng môi giới truyền bệnh khảm lá gây hại có khả năng mang mầm bệnh trên diện tích sắn tại 2 huyện Lạc Sơn, Yên Thủy, cần xử lý bệnh triệt để tránh lây sang vùng lân cận...
Vì vậy, Chi cục TT&BVTV đề nghị các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất, tiến hành làm đất, chuẩn bị giống, vật tư, phân bón phục vụ sản xuất lúa và cây màu vụ xuân 2023. Tiếp tục thực hiện triệt để theo chỉ đạo tại các công văn của UBND tỉnh và Sở NN&PTNT về quyết liệt ngăn chặn bệnh khảm lá hại sắn và đẩy mạnh sản xuất cây trồng vụ đông 2022, chuẩn bị sản xuất vụ xuân 2023.
Cùng với đó, các địa phương bố trí rải vụ rau xanh hợp lý để tránh dư thừa khi lượng cung quá nhiều. Chủ động xử lý hạt giống theo đúng quy trình kỹ thuật, che phủ nilon cho toàn bộ diện tích mạ xuân, vừa có tác dụng chống rét, vừa ngăn ngừa bệnh vi rút do rầy là môi giới truyền bệnh. Khi thời tiết ấm, phải mở nilon ở 2 đầu luống, không mở hoàn toàn ngay để tránh mạ bị sốc nhiệt. Ngoài ra, tiếp tục đặt bẫy bả chua ngọt nhử bắt trưởng thành sâu keo mùa thu, sâu đục thân… trên ngô và cây rau màu; duy trì hệ thống bẫy đèn phục vụ công tác dự tính dự báo dịch hại cây trồng...