Chăm sóc F0 ở bệnh viện dã chiến: Không để bệnh nhân bơ vơ
Nhiều bệnh nhân trong quá trình điều trị thường làm khó đội ngũ y tế nhưng tuyệt đối họ không nặng lời hay có thái độ gì với bệnh nhân.
Sư cô Thích nữ Nhuận Bình (sư cô), Phó thư ký Ban văn hóa - Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, là một trong 80 tăng ni, Phật tử được chọn phục vụ hỗ trợ ở các bệnh viện (BV) dã chiến, điều trị F0 từ ngày 22-7.
Qua sự phân công, sư cô về BV dã chiến thu dung số 12 (BV số 12), TP Thủ Đức hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Trong muôn vàn bận rộn, sư cô đã dành thời gian chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về những ngày sát cánh cùng các nhân viên y tế chữa trị, chăm sóc cho các ca F0.
Làm tất cả vì bệnh nhân
Trao đổi với PV, sư cô cho biết công việc của sư cô ở BV số 12 bao gồm tư vấn tâm lý cho bệnh nhân và hỗ trợ ở phòng cấp cứu. Hai công việc tưởng chừng khác nhau nhưng thực ra lúc nào cũng phải đi đôi.
Hầu như các F0 tại BV đều có chung tâm trạng lo lắng, bất an dẫn đến lo sợ, ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Sư cô được phân công tiếp cận họ để an ủi, tư vấn từ đó giảm sự căng thẳng cho bệnh nhân.
Mỗi lần vào ca trực, sư cô vừa chăm sóc vừa trấn an tinh thần cho các F0 ở phòng cấp cứu. Sư cô cũng như các nhân viên y tế, tình nguyện viên khác đều quan tâm người bệnh từ việc ăn uống, ngủ nghỉ cho đến nỗi nhớ nhà, tâm lý bất an…
“Thời gian đầu, tôi nhận tư vấn cho người bệnh qua điện thoại thì có một ca khó. Qua trò chuyện, tôi biết ca F0 đang rất lo sợ. Người này liên tục gọi vào đường dây nóng của BV khiến đội ngũ y tế rất mệt mỏi. Do vậy, tôi đã dành ra hẳn một buổi sáng để tư vấn cho người bệnh. Tôi nhẫn nại lắng nghe và đưa ra giải pháp, giúp người này an tâm. Một trường hợp F0 khác đang điều trị tại BV nhận tin xấu từ gia đình qua điện thoại, ngay lập tức chỉ số SpO2 (nồng độ ôxy trong máu) của người này xuống thấp. Tôi liền đến có lời khuyên, chia sẻ với bệnh nhân để họ cảm thấy yên tâm, giúp quá trình điều trị được tốt hơn” - sư cô nói.
Cũng theo sư cô, vấn đề tinh thần của F0 rất quan trọng trong quá trình điều trị. Bởi khi tinh thần của người bệnh không ổn định, chỉ số SpO2 bất ổn, cứ lên xuống thất thường. Điều này khiến họ mệt mỏi và khó ra khỏi phòng cấp cứu.
“Những ngày này, tôi chứng kiến từng đoàn xe chở F0 đến nhập viện. Nhiều bệnh nhân chưa kịp làm thủ tục nhập viện đã khó thở phải vào phòng cấp cứu. Mỗi lần có một ca cấp cứu, tất cả y bác sĩ của khoa có mặt đầy đủ, mỗi người một việc để kéo hơi thở người bệnh trở về trạng thái bình thường” - sư cô chia sẻ.
Cưng chiều bệnh nhân như người thân
Theo sư cô Thích nữ Nhuận Bình, BV số 12 là BV dã chiến chuyên điều trị những ca nhẹ, còn những ca chuyển biến nặng sẽ phải chuyển viện. Ở thời điểm này, chuyển viện cũng là điều không hề dễ dàng. Khi những ca bệnh nặng mà không chuyển đi được, phòng cấp cứu sẽ phải ra sức chăm sóc.
Trước đây, BV chỉ có một phòng cấp cứu. Hiện tại, lượng bệnh nhân tăng cao, BV phải làm hai phòng cấp cứu và đang thiết lập thêm. Hai phòng nằm kín hết, có lúc không đủ giường, F0 phải nằm giường xếp.
Bệnh nhân trở nặng thì lượng virus trong cơ thể rất lớn. Họ thường ho, tiêu chảy, sốt cao. Khi đó, y tá và những người hỗ trợ sẽ đến lấy nước, đập lưng cho bệnh nhân đỡ mệt không nề hà nguy hiểm.
“Tôi chứng kiến đội ngũ y bác sĩ ở BV số 12 rất thương bệnh nhân. Thương đến mức như cưng chiều. Nhiều bệnh nhân trong quá trình điều trị thường hạch sách, làm khó các y bác sĩ, người chăm sóc nhưng tuyệt đối họ không nặng lời hay có thái độ gì với bệnh nhân. Ai cũng tự nhủ bệnh nhân giống như người thân của mình đang ốm, sẽ khó ăn, khó ở trong người nên bệnh nhân mệt “nhăn” là chuyện bình thường” - sư cô chia sẻ.
Cũng theo sư cô, nếu ba hay bốn bệnh nhân yêu cầu cùng một lúc thì người chăm sóc sẽ im lặng và xử lý từng trường hợp chứ không hề tỏ thái độ gì khiến bệnh nhân tủi thân. Chỉ cần bệnh nhân tủi thân, tổn thương hoặc bị sốc, chỉ số SpO2 giảm ngay. Lúc đó, đội ngũ y tế lại càng mệt hơn. Trong quá trình hỗ trợ người bệnh, nhân viên y tế nào quá mệt, cần nghỉ ngơi thì họ sẽ nhắn tin nhờ đồng đội xuống hỗ trợ chứ không bao giờ để bệnh nhân phải bơ vơ, lo lắng.•
Tăng ni, Phật tử phải mang lại an vui cho người khác
Tăng ni, Phật tử cũng là công dân, không có một ngoại lệ nào, nếu không nói là cần phải làm gương mẫu.
Cho nên tất cả cùng chung mục đích ưu tiên lúc này là tuân thủ các chỉ thị của Chính phủ và của TP.HCM trong vấn đề phòng chống dịch COVID-19. Khi đã dấn thân làm việc, điều quan trọng nhất là phải làm sao mang lại hạnh phúc, an vui, giảm bớt nỗi khổ, niềm đau cho người khác.
Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng Ban thông tin - truyền thông
Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM