Chăm sóc, giáo dục trẻ em vùng cao

Trường Mầm non Sơn Ca, xã Phiêng Côn, huyện Bắc Yên, có 16 giáo viên đều có trình độ đại học. Với tình yêu và tâm huyết với nghề của các cô giáo, việc giáo dục, nuôi dưỡng trẻ em nơi đây đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.

Một giờ học ngoài trời của cô và trò tại điểm trường bản Kỳ Sơn, Trường Mầm non Sơn Ca.

Một giờ học ngoài trời của cô và trò tại điểm trường bản Kỳ Sơn, Trường Mầm non Sơn Ca.

Năm học 2024-2025, nhà trường đón 178 trẻ em dân tộc thiểu số học tập tại điểm trường trung tâm và 3 điểm trường lẻ. Cô giáo Đinh Thị Binh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Hiện nay, cơ sở vật chất của trường được đầu tư tương đối đồng bộ, có 9 phòng học, 4 phòng làm việc, 2 bếp ăn. Các phòng học được vệ sinh sạch sẽ, trang bị nhiều đồ chơi và giáo cụ trực quan, hỗ trợ tốt nhất việc học của trẻ em.

Nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, quản lý. Các giáo viên sử dụng 30-50% thời gian giảng dạy với giáo án điện tử, tạo sự sinh động trong các bài giảng, tạo hứng thú cho trẻ. Nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ giáo viên, mỗi giáo viên còn tham gia các khóa bồi dưỡng chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn định kỳ hai lần/tháng.

Giáo viên Trường Mầm non Sơn Ca hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân trước khi ăn.

Giáo viên Trường Mầm non Sơn Ca hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân trước khi ăn.

Trong việc nuôi dưỡng, nhà trường đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ bán trú, với mức 14.000 đồng/ngày, gồm bữa chính, bữa phụ. Ngoài ra, mỗi tháng, nhà trường còn nhận được hỗ trợ xã hội hóa từ Chương trình “Nuôi em Mộc Châu” với hơn 1.500 bữa ăn phụ, trong đó, mức hỗ trợ 6.800 đồng/suất ăn cho học sinh dân tộc thiểu số tại các điểm trường Kỳ Sơn và Suối Trắng, góp phần cải thiện dinh dưỡng cho học sinh. Thực đơn được xây dựng hằng tuần, nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh. Nhà trường còn phối hợp với Trạm Y tế xã khám sức khỏe định kỳ cho trẻ hai lần/năm. Đồng thời, tuyên truyền phụ huynh cách chăm sóc dinh dưỡng cho con.

Thăm điểm trường bản Kỳ Sơn, chúng tôi ấn tượng với không gian học tập ngoài trời ngập tràn tiếng cười trẻ thơ. Cô giáo Lò Thị Tươi, phụ trách lớp mẫu giáo 4-5 tuổi, chia sẻ: Lớp học có 29 trẻ. Để trẻ phát triển trí tuệ tốt nhất, chúng tôi áp dụng phương pháp giảng dạy STEAM là kết hợp các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học, giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo, tự tin hơn và phát triển kỹ năng sống. Ngoài ra, giáo viên định kỳ đánh giá sự phát triển và nắm bắt tâm lý học sinh, cùng các bậc phụ huynh có phương pháp giáo dục trẻ phát triển toàn diện.

Bữa ăn trưa của trẻ tại điểm trường bản Kỳ Sơn, Trường Mầm non Sơn Ca.

Bữa ăn trưa của trẻ tại điểm trường bản Kỳ Sơn, Trường Mầm non Sơn Ca.

Chị Thào Thị Sông có con học ở điểm trường bản Kỳ Sơn, tâm sự: Có điểm trường ở bản, nên các con được đi học gần, được các cô giáo dạy bảo chu đáo. Ngoài việc chăm sóc các con trên lớp, các cô còn hướng dẫn tôi cách chăm sóc và dạy con học. Vì vậy, con ngoan ngoãn, phát triển thể lực tốt, tôi rất yên tâm gửi con tại đây.

Năm học 2024-2025, Trường Mầm non Sơn Ca được công nhận là Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Đây là động lực để công tác giáo dục, nuôi dưỡng trẻ em dân tộc thiểu số xã Phiêng Côn ngày càng được nâng lên, giúp các em có môi trường và điều kiện học tập tốt hơn.

Bài, ảnh: Ngọc Khiêm (CTV)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/khoa-giao/cham-soc-giao-duc-tre-em-vung-cao-fKZqI50Hg.html