Chăm sóc mẹ già bị lẫn

Nghỉ hưu, chị Nguyễn Thị Lụa phải đối diện với thực tế mẹ chồng ngày càng bị lẫn, không còn nhớ con cháu là ai. Chị ví việc chăm mẹ già như chăm em bé nhưng khác ở chỗ, em bé thì lớn lên mỗi ngày, còn mẹ chồng chị lại dần quên đi tất cả.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bà Trần Thị Sự năm nay đã ngoài 90 tuổi, là người mẹ tảo tần đã nuôi dạy 4 người con trưởng thành. Nhưng căn bệnh Alzheimer khiến bà dần quên đi mọi thứ, ngay cả những người thân. Khi nghỉ hưu, chị Lụa - con dâu trưởng của bà Sự - có trách nhiệm cùng chồng chăm sóc mẹ già.

Cuộc sống của vợ chồng chị không còn là những ngày thong thả mà xoay quanh việc chăm sóc mẹ chồng bị lẫn. "Mẹ không còn nhớ chúng tôi là ai. Nhiều khi nhìn thấy con trai, bà lại hỏi: "Anh đến thăm tôi à? Thế anh là ai?".

Có khi các con vừa cho mẹ ăn xong, bà lại hỏi: "Bao giờ mới có cơm cho tôi ăn?", chị Lụa chia sẻ.

Sau khi nghỉ hưu, cuộc sống của chị Lụa không thảnh thơi như họ nghĩ. Bởi khi mẹ già yếu, bị lẫn, cả hai vợ chồng chị phải đối diện thực tế đảm nhiệm vai trò người chăm sóc. Từ việc nấu ăn, dọn dẹp, vệ sinh cá nhân, kiểm soát thuốc men đến việc giải quyết những thay đổi tâm lý của mẹ.

"Mẹ tôi nhiều lúc ngồi lặng đi, rồi bỗng giận dỗi vì nghĩ chúng tôi bỏ đói bà. Có hôm bà khóc, bảo muốn về quê, dù đang ngồi ngay trong chính căn nhà của mình ở quê. Lắm khi bà nhận nhầm các con, các cháu là khách đến thăm, khi mọi người ra khỏi phòng thì mẹ khóc vì nghĩ khách bỏ về, không ở lại chơi với mình", chị Lụa kể lại.

Mỗi ngày, vợ chồng chị Lụa phải trả lời những câu hỏi lặp đi lặp lại, những cơn cáu gắt vô cớ của mẹ. Có những đêm hai vợ chồng mất ngủ vì bà Sự vừa đi quanh phòng ngủ vừa khóc, gọi tên người thân đã mất từ lâu…

Việc chăm sóc mẹ bị lẫn đòi hỏi sức khỏe và sự kiên nhẫn. Bệnh sa sút trí tuệ khiến bà Sự quên ăn uống và có những hành vi bất thường, dễ cáu gắt. Dù thương mẹ nhưng có lúc các con cũng cảm thấy bất lực, mệt mỏi.

"Có lúc tôi cũng phát cáu, gắt lên với mẹ nhưng ngay sau đó lại thấy ân hận vì biết bà không cố ý. Bởi mẹ tôi không còn minh mẫn nữa", con trai bà Sự chia sẻ.

Dù hành trình nhiều thử thách nhưng vợ chồng chị Lụa vẫn tìm cách để giảm căng thẳng cho bản thân và chăm sóc mẹ được tốt hơn:

- Tạo thói quen sinh hoạt ổn định: Cố gắng duy trì giờ giấc, nếp sinh hoạt cho mẹ, từ việc ăn uống, ngủ nghỉ đến vệ sinh cá nhân.

- Tận dụng môi trường xung quanh: Dìu mẹ đi dạo quanh nhà, quanh sân, hòa mình vào thiên nhiên, giúp mẹ giữ tinh thần thoải mái.

- Kiên nhẫn và yêu thương: Việc đối diện với tuổi già cùng chứng suy giảm trí nhớ là điều không mong muốn. Bởi thế, người già cần sự quan tâm, kiên nhẫn và yêu thương từ các con.

- Chia sẻ trách nhiệm: Cùng các em, các cháu chăm sóc mẹ khi cần, tránh dồn hết mọi việc lên hai vợ chồng, tránh kiệt sức.

Chăm sóc cha mẹ già bị lẫn vừa là thử thách vừa là thời điểm để con cái bày bỏ lòng hiếu thảo.

Có thể bà Sự không còn nhớ tên con, cháu, không nhận ra sự quan tâm, chăm sóc ân cần của người thân trong gia đình nhưng điều quan trọng nhất là chính các con, các cháu biết rằng họ yêu thương bà với tất cả những gì có thể. Những tháng năm cuối đời của mẹ là hành trình để con cháu tiếp tục yêu thương.

Kim Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cham-soc-me-gia-bi-lan-20250404190229829.htm