2 loại rau ít 'ngậm' thuốc trừ sâu nhất chợ, nhất là cái số 1
Có một số loại rau quen thuộc vừa ngon vừa rẻ lại ít nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu, các bà nội trợ có thể yên tâm bổ sung cho bữa ăn gia đình.
Lá mơ rất tốt cho sức khỏe
Nhắc đến lá mơ thì hầu như ai cũng biết, đây là một loại cây quen thuộc ở Việt Nam. Lá mơ lông, còn được gọi là lá mơ tam thể hay lá mơ lông mèo, là loại rau gia vị quen thuộc trong bữa cơm của người Việt Nam. Mỗi mặt lá có màu sắc khác nhau, mặt trước màu xanh lá, còn mặt sau màu tím nhạt.

Cây mơ lông mọc hoang ở những hàng rào, nhiều nơi trong nước ta. Ăn lá mơ thường xuyên rất tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Mơ lông còn có tên khác là mơ tam thể, dây mơ lông, dây mơ tròn, ngưu bì đống (tên Trung Quốc). Tên khoa học Paederia tomentosa L. thuộc họ Cà phê Rubiaceae. Cây mơ tam thể là một thứ cây leo, lá mọc đối, hình trứng hay mác dài, gốc lá tròn hay hình tim, cuống dài, mặt lá hay bị nấm Aecidium paederiae ăn hại.
Cây mơ lông mọc hoang ở những hàng rào, nhiều nơi trong nước ta. Không chỉ mang đến hương vị thơm ngon, lá mơ lông còn ẩn chứa vô vàn lợi ích sức khỏe ít người biết đến.
Loại lá này chứa các enzym giúp tăng tiết dịch vị, cải thiện quá trình tiêu hóa thức ăn, giảm các triệu chứng đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng. Do có tính kháng khuẩn và sát trùng cao, vì thế mơ lông không chỉ đơn thuần là một loại rau mà còn được mệnh danh là "thần dược" chữa bệnh tiêu chảy và các bệnh khác.
Các hoạt chất trong lá mơ lông có tác dụng kháng viêm, bảo vệ niêm mạc dạ dày, hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa viêm loét dạ dày tá tràng. Loại thảo mộc này còn có tác dụng làm giảm co thắt ruột, giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng.
Bên cạnh đó, lá mơ lông chứa nhiều hợp chất chống viêm giúp giảm viêm khớp, giảm sưng tấy, từ đó giảm đau nhức hiệu quả. Mơ lông được nhiều người cho là vị thuốc "cứu tinh" cho các bệnh đau nhức xương khớp ở người già.
Lá mơ lông đồng thời cung cấp các khoáng chất thiết yếu như canxi, kali, magie, mangan,... cần thiết cho quá trình tái tạo sụn khớp, giúp khớp vận động linh hoạt hơn.
Nghiên cứu chứng minh rằng lá mơ lông chứa nhiều hợp chất chống viêm, kháng khuẩn như flavonoid, polyphenol, giúp giảm viêm họng, ho, sổ mũi, các triệu chứng thường gặp của bệnh cảm lạnh.
Lá mơ lông cũng có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, từ đó giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi khi bị sốt, cảm lạnh. Các chất kháng khuẩn trong lá mơ lông giúp tiêu diệt vi khuẩn gây sâu răng, viêm lợi, giảm nguy cơ nhiễm trùng. Nước sắc từ lá mơ lông có tác dụng sát trùng, khử mùi hôi miệng hiệu quả.
Đặc biệt, lá mơ là loại rau dễ tìm, thậm chí mọc dại nhiều nên không lo bị phun hóa chất hay thuốc trừ sâu.

Sau đây là một số công dụng và cách dùng cây mơ lông chữa bệnh
Chữa ăn uống lâu tiêu: Chuẩn bị 1 nắm lá mơ lông rồi rửa sạch với nước muối, sau đó ăn sống kèm với thịt cá trong bữa ăn hoặc giã lấy nước cốt uống. Duy trì liên tục vài ngày sẽ thấy cải thiện triệu chứng.
Chữa ăn không tiêu dẫn đến đau tức ở vùng thượng vị: Chuẩn bị 30 – 60g thân và rễ tươi rồi sắc nước uống làm 3 lần. Sử dụng mỗi ngày 1 thang đến khi khỏi bệnh.
Mẹo hay trị bệnh đau dạ dày bằng lá mơ: Chuẩn bị 20 – 30g lá, rửa sạch rồi giã lấy nước cốt uống hết 1 lần. Áp dụng hàng ngày cho đến khi giảm triệu chứng.
Rau dền cơm
Một loại rau ít "ngậm" thuốc trừ sâu nhắc đến ở đây là rau dền cơm thường mọc dại nhưng gần đây được nhiều người trồng từ hạt. Dền cơm có bộ rễ khỏe, ăn sâu nên chịu hạn, chịu nước đều tốt, là một những loại rau được nông dân đánh giá là hiếm khi phải sử dụng đến thuốc trừ sâu.
Các loại rau dền khác như dền đỏ, rau dền gai... cũng đều có sức sống mãnh liệt, phát triển tốt mà không cần chăm sóc cầu kỳ, cũng ít khi phải dùng hóa chất diệt sâu bọ.

Rau dền cơm rất tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Rau dền cơm hay gai giàu dược tính nên được sử dụng làm thuốc; bộ phận sử dụng là rễ, thân và lá. Người ta thu hoạch rễ suốt năm, rửa thật sạch, cắt thành lát mỏng và phơi khô. Lá và thân non được ăn như rau xanh.
Thành phần hóa học ( theo Hooper): nước 52,10% (tươi), chất béo 2,21% (khô), alblumenoids 19,43% (khô), glucid 38.35% (khô), chất xơ thực phẩm 19,82% (khô), tro 20,20% (khô), Azote 3,11% (khô), phosphoric axít 1,13% (khô), silicates 1,90% (khô).
Đáng chú ý theo Đông y, dền gai có vị ngọt nhạt, tính hơi lạnh; có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, trừ thấp, ngừng tả. Thường dùng trị phù thũng, bệnh về thận, chữa lỵ và làm thuốc điều kinh. Phần cây trên mặt đất được dùng làm thuốc chữa bỏng, đắp tiêu viêm mụn nhọt. Lá có tính long đờm và được dùng trị ho và các bệnh về đường hô hấp. Hạt dùng để đắp, băng bó chấn thương...
Rau dền lại có thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Theo các nghiên cứu, rau dền có nhiều công dụng như:
- Ngăn ngừa nguy cơ loãng xương, tăng độ cứng của xương do có thành phần khoáng chất phong phú, hàm lượng canxi cao gấp 3 lần so với cải bó xôi và 2 lần so với sữa.
- Cải thiện thiếu máu do thiếu sắt: Rau dền giúp tăng lượng hemoglobin và tế bào hồng cầu, giảm thiểu tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.
- Chống viêm, ngăn ngừa ung thư: Thành phần acid amin trong rau dền phong phú, đặc biệt là lysin. Nó cũng giàu khoáng chất như kali, photpho, magie, sắt, vitamin C, vitamin E... Do đó, rau dền có vai trò ngăn ngừa các gốc tự do và giảm nguy cơ ung thư, cải thiện hệ tiêu hóa, chống viêm và tốt cho bệnh nhân đái tháo đường...
Sau đây là một số cách chế biến rau dền cơm tốt cho sức khỏe
Chữa da nổi mẩn ngứa do tiếp xúc với rơm rạ: dền cơm tươi, rau sam tươi, lá hẹ tươi (hoặc lá bạc hà tươi) các vị đều bằng nhau. Giã nát đắp vào chỗ da nổi mẩn, mỗi ngày 2 - 3 lần.
Ho có đờm: thân, lá cây rau dền gai 50 - 100g, giã nát, vắt lấy nước uống. Hoặc dùng thân, lá cây rau dền gai 50g, lá bồng bồng 20g, kim ngân hoa 20g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần. Hoặc dùng thân, lá cây rau dền gai 50g, lá húng chanh 16g, vỏ rễ dâu tằm 16g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần. Dùng 5 - 7 ngày.
Chữa sỏi thận: rễ rau dền cơm (sao vàng), kim tiền thảo, mã đề, rễ thiên lý, rễ cỏ tranh, đậu đen (sao thơm) mỗi thứ 12g; vỏ quả bí đao 20g, sắc uống. Uống trong 10 ngày.
Trúc Chi (t/h)