Chăm sóc những đối tượng đặc biệt ở khu cách ly

Nhiều người khiếm thị, người già, trẻ em phải đi cách ly tập trung. Đây là những đối tượng đặc biệt nên nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các đơn vị tổ chức cách ly và những tình nguyện viên.

Nhiều trẻ em được cách ly tại Trường THPT Nam Sách

Nhiều trẻ em được cách ly tại Trường THPT Nam Sách

20 cán bộ, hội viên, nhân viên của Hội Người mù TP Hải Dương đã được lực lượng chức năng đưa đến cách ly tập trung tại tầng 3 ký túc xá Trường Đại học Hải Dương (TP Hải Dương) và đêm 30.1.

Là một tình nguyện viên tại khu cách ly này, anh Trần Đức Thanh, 20 tuổi cho biết công việc chăm sóc các cán bộ, hội viên, nhân viên của Hội Người mù TP Hải Dương tại đây chỉ thêm phần việc vệ sinh so với những người cách ly khác. Đây chủ yếu là cán bộ, hội viên khiếm thị làm công việc tẩm quất cổ truyền, có sức khỏe bảo đảm, có kỹ năng làm quen với không gian sống nên thường chủ động thực hiện các việc cá nhân. Tuy nhiên do ở tầng 3, mắt kém hoặc không nhìn thấy nên chủ yếu các cán bộ, hội viên, nhân viên này thường chỉ ở trong phòng hoặc ra hành lang, ít khi xuống tầng. Anh Thanh cùng các tình nguyện viên khác đã chủ động thực hiện công việc vệ sinh, dọn rác giúp các cán bộ, hội viên, khiếm thị hằng ngày.

Phải đi cách ly trong dịp này còn có rất nhiều trẻ em. Việc chăm sóc trẻ ở khu cách ly tương đối vất vả, nhất là với người thân các em. Bà Nguyễn Thị Bấm, 53 tuổi, ở xã Nam Tân (Nam Sách) đang chăm sóc cháu 2 tuổi ở khu cách ly Trường THPT Nam Sách. Cháu bà chưa ăn được cơm, thường chỉ ăn cháo, uống sữa. Ở khu cách ly, ngoài suất cơm của người lớn, đơn vị hậu cần còn cung cấp cháo cho trẻ em, bà cũng chủ động mang theo cháo ăn liền cho cháu. "Không chỉ cho ăn, trông các cháu nhỏ cũng rất mệt. Người lớn ở một chỗ, đeo khẩu trang cả ngày được, chứ trẻ nhỏ làm sao mà ở yên một chỗ được. Lúc các cháu chạy ra ngoài hành lang, chúng tôi phải chạy theo đưa vào, dặn dò chỉ ở trong phòng, các cháu khó chịu, người lớn cũng bức bối", bà Bấm cho biết.

Trong phòng cách ly của bà Bấm có 8 người lớn và 9 trẻ em, trong đó có một phụ huynh phải trông hai con nhỏ 1 và 3 tuổi, cháu nhỏ 1 tuổi thường xuyên quấy khóc. Bà Bấm và những người trong phòng thường tranh thủ hỗ trợ bà mẹ này dỗ cháu nhỏ. Chị N.T.T, phụ huynh trẻ 3 tuổi cho biết: "Bên trong khu cách ly được trang bị tương đối đầy đủ các vật dụng thiết yếu, các suất ăn khá đầy đủ cho cả người lớn và trẻ em. Dù bức bối nhưng tôi nghĩ cách ly là biện pháp cần thiết để kiềm chế dịch bệnh. Đây có lẽ là cái Tết đáng nhớ với nhiều người ở khu cách ly như chúng tôi".

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hiện tại ở Hải Dương đã cách ly hàng trăm đối tượng được đặc biệt, đó là người già, người khiếm thị, trẻ em. Đối với các trường hợp này, các đơn vị tổ chức cách ly đều có những biện pháp bố trí phù hợp, bảo đảm an toàn, sức khỏe.

Riêng trẻ em, đến sáng 3.2, tại TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng đang phải cách ly nhiều học sinh mầm non và tiểu học. Trong đó có hơn 70 học sinh lớp 4 Trường Tiểu học thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng); 65 học sinh Trường Mầm non Phạm Thái và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Kinh Môn; 138 học sinh lớp 6 Trường THCS Sao Đỏ (Chí Linh).

PV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/cham-soc-nhung-doi-tuong-dac-biet-o-khu-cach-ly-158198