Chấm thi môn Ngữ văn không nên 'quá lỏng hay chặt'
Theo ý kiến của các giáo viên, khi chấm môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT cần bám sát quy chế, không nên chấm quá lỏng hoặc quá chặt.
Bám sát biểu điểm, đáp án
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố đáp án tất cả các môn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ngữ văn là môn duy nhất thi theo hình thức tự luận - Bộ GD&ĐT cũng đã đưa ra thang điểm cụ thể của môn này để các giáo viên, thí sinh và phụ huynh nắm bắt thông tin.
Là một giáo viên kỳ cựu có nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội), cô Nguyễn Hằng Nga cho rằng, đáp án và thang điểm môn Ngữ văn mà Bộ GD&ĐT vừa công bố rất cụ thể, chi tiết cũng như đảm bảo tính khách quan để đánh giá đúng năng lực của học sinh.
Vì thế, cô Hằng Nga nhấn mạnh, cán bộ chấm thi cần bám sát quy chế của Bộ GD&ĐT trong công tác chấm thi. Người chấm phải thực sự công tâm, công bằng để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Văn chương khác với các môn khoa học khác, bởi đa nghĩa, đa cảm xúc. Giáo viên cần chấp hành theo quy định của hội đồng chấm thi, không chấm quá lỏng hoặc quá chặt để tránh sự chênh lệch điểm.
Theo cô Nguyễn Hằng Nga, trước khi giám khảo nhận bài chấm sẽ có buổi họp chung tất cả cán bộ chấm thi, thảo luận đáp án và chấm chung một số bài, giúp việc chấm đều tay hơn. Vì vậy, cán bộ chấm thi cần bám sát, tuân thủ theo đáp án đã thống nhất nhưng cũng nên linh hoạt, cân đối toàn bài thi để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
"Giám thị cần chấm chính xác theo phiên họp thống nhất của Hội đồng chấm chung trong việc chia ý lớn, tách ý nhỏ. Đồng thời, giáo viên đọc kỹ phần đọc hiểu cũng như phần sáng tạo mở rộng trong phần làm văn để phân loại thí sinh. Ngoài ra, cần chú ý tới chất văn và cách trình bày khoa học trong bài thi. Thầy cô phải xem kỹ từng phần để tránh sót ý" - cô Hằng Nga nhấn mạnh thêm.
Ghi nhận sự sáng tạo của thí sinh
Cùng chung quan điểm trên, cô Bùi Thị Lệ Hằng - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Phạm Văn Nghị (Ý Yên, Nam Định) chia sẻ, để có thể hoàn thành nhiệm vụ chấm thi tốt nghiệp THPT, nhất là với môn Ngữ văn là không dễ với bất cứ thầy cô nào.
Khác với các môn khác thi trắc nghiệm, Ngữ văn thi tự luận nên cần lực lượng chấm thi đông đảo hơn. Bài thi thể hiện năng lực của thí sinh sau 12 năm đèn sách để lấy căn cứ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Do đó, mỗi bài thi của thí sinh cần được giáo viên trân trọng, chấm thật công tâm; tuyệt đối không áp đặt tâm lý cá nhân vào suy nghĩ của học sinh để tránh chấm sai.
Bên cạnh đó, cô Lệ Hằng khẳng định, trong khi chấm đối với những bài văn xuất sắc, giám khảo phải vừa là người có tâm lại vừa phải có tầm thì mới phát hiện và ghi nhận được năng lực sáng tạo của học sinh để cho điểm xứng đáng. Học văn là học làm người, mỗi em sẽ có sự linh hoạt riêng của mình để đưa vào bài thi. Thầy cô cần đọc thật kỹ để phát hiện ý trong câu văn của học sinh.
Để đảm bảo hiệu quả của công tác chấm thi năm nay, ông Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho biết, ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Sở GD&ĐT đã cho thành lập Ban chấm thi tự luận và Ban chấm thi trắc nghiệm; đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Bài thi tự luận đã làm phách bảo đảm an toàn theo đúng quy định.
Số cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi tự luận gồm 5 lãnh đạo ban (1 trưởng ban và 4 phó ban); 162 cán bộ chấm thi chia thành 6 tổ chấm thi, mỗi tổ gồm 1 tổ trưởng, 2 tổ phó và 24 cán bộ chấm thi. Ban chấm thi tự luận đã thành lập Tổ chấm kiểm tra gồm 20 người.
Trước khi họp toàn thể Hội đồng chấm thi tự luận, trưởng môn chấm thi đã họp cùng tổ trưởng, tổ phó các tổ chấm để nghiên cứu, thảo luận kỹ đáp án và hướng dẫn chấm. Hiện tỉnh Nam Định đang hoàn tất những khâu cuối cùng để chuẩn bị gửi dữ liệu chấm thi về Bộ GD&ĐT. Thời gian công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cho các thí sinh dự kiến vào 18/7.