Chấm thi tốt nghiệp THPT minh bạch, khách quan và công bằng

Hiện nay, công tác chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 đang được triển khai khẩn trương ở các Hội đồng thi trên cả nước.

Các thí sinh trong thời gian làm bài thi tại điểm thi Trường THPT Lương Sơn - Thị trấn Lương Sơn - Hòa Bình. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Các thí sinh trong thời gian làm bài thi tại điểm thi Trường THPT Lương Sơn - Thị trấn Lương Sơn - Hòa Bình. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Các địa phương bám sát quy chế, thực hiện từng công đoạn theo đúng hướng dẫn, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Năm nay, quy chế và phần mềm chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung một số điểm mới, bảo đảm chặt chẽ, khách quan, công bằng cho thí sinh.

Quy trình chấm thi chặt chẽ

Theo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng như Công văn hướng dẫn số 2115/BGDĐT-QLC ngày 12/6/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc chấm bài thi trắc nghiệm được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm với chu trình khép kín, gồm 4 bước: quét ảnh; đọc ảnh; sửa lỗi bài thi và chấm điểm. Trong chu trình này khi bước tiếp theo được thực hiện thì người chấm không thể thực hiện những công việc của bước trước đó.

Trong trường hợp bất khả kháng và phải lùi tiến trình thì Ban chấm thi trắc nghiệm lập biên bản bất thường để mô tả sự cố và dùng chức năng lùi tiến trình ở trên phần mềm để lựa chọn bước cần lùi. Phần mềm sẽ xuất dữ liệu lùi tiến trình ra tệp tên (đã được mã hóa). Ban chấm thi trắc nghiệm gửi biên bản bất thường và tệp tin được phần mềm tạo ra về Bộ Giáo dục và Đào tạo (việc gửi email về bộ được thực hiện bên ngoài khu vực chấm thi). Bộ sẽ xem xét và gửi tệp tin cho phép lùi tiến trình qua email cho các đơn vị.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), chia sẻ: Phần mềm chấm thi trắc nghiệm không phải do con người mà là do máy. Do đó, ngoài việc tiếp tục nâng cấp một bước phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng thông minh hơn, hỗ trợ phát hiện các lỗi, các sai sót thì vấn đề bảo mật thông tin tiếp tục được chú trọng. Các bài thi trắc nghiệm đều được đánh phách điện tử, các dữ liệu đầu vào, trung gian, đầu ra trong quá trình chấm thi trắc nghiệm đều được mã hóa. Những dữ liệu này chỉ được người có trách nhiệm mã hóa với những công cụ tương thích. Các tác động trên phần mềm chấm thi đều được truy vết để dễ dàng tìm kiếm lịch sử hoạt động, xử lý khi cần thiết”.

Trong quy trình chấm bài thi tự luận, toàn bộ cán bộ chấm thi và cán bộ chấm kiểm tra bài thi tự luận tại Ban chấm thi tự luận đều phải được tham gia quán triệt Quy chế thi, thảo luận Hướng dẫn chấm và chấm chung (ít nhất 10 bài thi tự luận) để thống nhất cách áp dụng hướng dẫn chấm, đáp ứng yêu cầu chấm thi nghiêm túc, khách quan và bảo đảm tiến độ, chất lượng chấm thi. Ngoài ra, Trưởng môn chấm thi tự luận có thể tổ chức cho từng tổ chấm thi chấm chung thêm một số bài thi tự luận theo các nội dung đã được thống nhất để rút kinh nghiệm, tăng cường sự đồng đều đối với việc chấm thi.

Về việc chấm kiểm tra bài thi tự luận, mục đích là giúp Trưởng ban chấm thi tự luận phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình chấm thi. Trong đó, cán bộ chấm thi tự luận được bố trí đủ để chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi đã chấm xong lần thứ nhất hoặc lần thứ hai theo tiến độ chấm. Bên cạnh đó, lãnh đạo Ban chấm thi lựa chọn ngẫu nhiên một số bài đã chấm hoặc chọn những bài có nghi vấn (được 2 cán bộ chấm thi cho điểm lệch nhau khá lớn) hoặc các bài thi có điểm cao, giao cho Tổ chấm kiểm tra thực hiện chấm kiểm tra các bài này.

Đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, công tác coi thi đợt 1 của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 đã hoàn tất, cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đề ra, được xã hội đánh giá tích cực. Tuy nhiên, đây mới là bước đầu. Để làm nên thành công của cả kỳ thi, đảm bảo quyền lợi cho tất cả thí sinh, tạo niềm tin cho nhân dân thì cần có đóng góp quan trọng của công tác chấm thi.

Đoàn kiểm tra số 1 Bộ giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp tại điểm Trường THPT Chuyên Biên Hòa (thành phố Phủ Lý, Hà Nam). Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN

Đoàn kiểm tra số 1 Bộ giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp tại điểm Trường THPT Chuyên Biên Hòa (thành phố Phủ Lý, Hà Nam). Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN

Thứ trưởng yêu cầu các thầy cô giáo bằng tinh thần trách nhiệm sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc chấm thi, đảm bảo nghiêm túc, trung thực, chính xác, khách quan, công bằng, phản ánh đúng chất lượng học tập của thí sinh và cung cấp dữ liệu chính xác cho việc tuyển sinh đại học.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, việc chấm thi tự luận và trắc nghiệm không phải là điều mới đối với các địa phương nhưng năm nay Quy chế và phầm mềm chấm thi có một số điểm mới nhằm tăng cường tính bảo mật, chặt chẽ, khoa học cho quy trình chấm thi, nên các địa phương không được chủ quan. Từng cán bộ tham gia chấm thi phải nắm chắc Quy chế, quy trình tổ chức chấm thi để thực hiện chính xác, hiệu quả. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn chi tiết để các địa phương và từng cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi thực hiện thuận tiện.

Ở môn thi tự luận, mỗi bài thi sẽ được 2 cán bộ chấm thi ở hai tổ khác nhau chấm độc lập rồi thống nhất điểm. Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu các tổ chấm thi phải đảm bảo tuyệt đối quy định chấm 2 vòng độc lập để đảm bảo điểm số của bài thi là phù hợp, chính xác. Khi nguyên tắc này được thực hiện đúng, cùng với việc các giám khảo nắm chắc quy chế, thống nhất nhận thức, chấm đều tay thì sự chênh lệch điểm số giữa hai giám khảo 1 và 2 sẽ không cao, thậm chí không còn khoảng cách. Khi đó, kết quả chấm sẽ là chính xác và tốt nhất.

Liên quan đến phổ điểm và đối sánh kết quả thi với kết quả học tập của thí sinh, Thứ trưởng cho biết: Việc đối sánh kết quả thi với kết quả học tập của thí sinh là quy định bắt buộc, sẽ được thực hiện nghiêm túc. Đây cũng là giải pháp nhằm bảo đảm công bằng giữa chất lượng đánh giá học sinh trong quá trình học, với kết quả điểm thi của kỳ thi. Kết quả đối sánh sẽ công bố công khai để xã hội cùng biết, giám sát.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng yêu cầu các Hội đồng thi làm tốt công tác đảm bảo an toàn sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh cho các cán bộ tham gia chấm thi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giống như công tác coi thi, việc chấm thi cũng phải đảm bảo mục tiêu kép là an toàn sức khỏe cho tất cả những người tham gia, an toàn về quy chế và đảm bảo chất lượng.

Dự kiến, điểm thi của thí sinh sẽ được Hội đồng thi các địa phương công bố vào ngày 27/8.

Việt Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/cham-thi-tot-nghiep-thpt-minh-bach-khach-quan-va-cong-bang-20200813123627229.htm