Chậm tiến độ, đội vốn & nguy cơ lãng phí đầu tư - Bài 2: Nên thành lập tổ công tác giải phóng mặt bằng
Để đảm bảo các dự án hoàn thành, tránh gây lãng phí đầu tư, ngoài xử phạt, chấm dứt hợp đồng, chủ đầu tư đã đề xuất UBND tỉnh xem xét gia hạn thời gian thực hiện toàn bộ dự án. Đồng thời, đề xuất phương án thành lập tổ công tác thực hiện giải phóng mặt bằng cho DA để đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, đảm bảo tiến độ thực hiện.
Liên tục xử phạt nhà thầu
DA đường Chợ Mai - Tân Mỹ được UBND tỉnh phê duyệt DA đầu tư tại Quyết định số 2495 ngày 19/10/2016, với tổng chiều dài gần 5km, quy mô mặt cắt ngang tuyến hoàn chỉnh theo quy hoạch với nền đường 36m do Ban QLDA Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh làm chủ đầu tư.
Gói thầu XL11 (đoạn Km 00+000 - Km 2+204), có giá trị hợp đồng hơn 58,1 tỷ đồng do Công ty TNHH Xây dựng Đồng Tâm thi công, khởi công tháng 8/2018, tiến độ thi công 36 tháng. Gói thầu XL14 bao gôm toàn bộ phần xây lắp đoạn Km 2+204 - Km 4+78 (không bao gồm nút giao), có giá trị hợp đồng hơn 65 tỷ đồng, do liên danh nhà thầu Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đạt - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Thiên Phát Thịnh thi công…
Đây là một trong những DA bị chậm tiến độ "rất sâu" và nhiều lần đích thân lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, chỉ đạo khắc phục khó khăn, vướng mắc, triển khai thi công nhiều lần.
Tuy vậy, ghi nhận của PV, mặc dù bị chậm tiến độ khá lâu so với kế hoạch ban đầu nhưng đến nay, chỉ có gần 4km đường được rải thảm nhựa, lắp đặt hệ thống đèn chiều sáng và trồng cây xanh nhưng phần vỉa hè và hệ thống thoát nước còn chưa hoàn thiện. Hơn 1km đường còn lại thì hiện mới được đổ đất lù lèn để đắp nền đường. Nhiều đoạn công trường “vắng hoe” công nhân.
Theo Ban QLDA Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh, DA Đường Chợ Mai - Tân Mỹ được UBND tỉnh cho kéo dài thời gian giải ngân số vốn còn lại gần 27 tỷ đồng tại Quyết định số 1084/QĐ-UBND ngày 15/5/2023. Mặc dù, chủ đầu tư đã rất nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở (riêng trong đầu năm 2023, Ban QLDA đã tổ chức 14 cuộc làm việc với đại diện các nhà thầu) nhưng nhà thầu vẫn thi công chậm, đặc biệt là Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đạt - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Thiên Phát Thịnh.
Ngoài ra, giá trị nợ ứng còn lại của các nhà thầu là 10,3 tỷ đồng, Ban QLDA phải thực hiện việc thu hồi tạm ứng nên ảnh hưởng đến giá trị giải ngân năm 2023. Ban QLDA đã tổ chức buổi làm việc với các nhà thầu lần gần nhất vào tháng 6/2023, trong đó xác định giá trị xử phạt các nhà thầu với số tiền gần 3 tỷ đồng.
Tương tự, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh - chủ đầu tư Dự án Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đã tiến hành tịch thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng, xử phạt nhà thầu hơn 783 triệu đồng do thi công chậm tiến độ kéo dài.
Trong thời gian thực hiện hợp đồng, Công ty TNHH Tân Bảo Thành đã bị chủ đầu tư xử phạt 3 lần với tổng số tiền hơn 578 triệu đồng. Mới đây, UBND tỉnh đã có buổi kiểm tra tiến độ các gói thầu tại DA, các nhà thầu thi công có chuyển biến tích cực nhưng về cơ bản vẫn còn chậm tiến độ do chỉ tập trung thi công một số hạng mục như đào đắp hồ chỉ thị, hồ điều hòa, gia cố mái ta luy nền đường.
Từ đầu năm 2023 đến nay, khối lượng thi công của các nhà thầu rất ít, thậm chí có nhà thầu liên danh thi công gói thầu số 19 là Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Thiên Phát Thịnh còn ngưng thi công, bỏ bê công trường. Tháng 11/2022, Ban QLDA đã có văn bản xử phạt nhà thầu với giá trị hơn 205 triệu đồng do vi phạm tiến độ thực hiện hợp đồng.
Đẩy nhanh tiến độ
Ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban QLDA Các đô thị xanh thông tin, những tháng còn lại, Ban QLDA sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công và lập hồ sơ nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành khi có khối lượng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành các thủ tục để khởi công các DA đã được bố trí vốn, cũng như hoàn thành phê duyệt dự án đối với các dự án còn lại.
Hiện, Ban QLDA đang triển khai 54 hạng mục công trình xây dựng trên địa bàn TP. Huế, ngoài 19 công trình không GPMB cùng với 4 công trình đã GPMB xong, thì số còn lại đều đang tồn tại nhiều vướng mắc dẫn đến nhà thầu không có mặt bằng “sạch” để thi công.
Chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu cần tập trung thi công hoàn thành tất cả các hạng mục công việc đối với các vị trí không vướng mặt bằng, đủ hồ sơ thiết kế thi công và tăng cường máy móc thiết bị, nhân công để đẩy nhanh tiến độ gói thầu.
Để đảm bảo tiến độ thi công, hoàn thành các gói thầu, chủ đầu tư đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung công tác GPMB, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai. Đã thành lập tổ công tác thực hiện GPMB cho DA để đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, đảm bảo tiến độ thực hiện.
Đồng thời, đề nghị nhà thầu khẩn trương huy động bổ sung đầy đủ nhân lực, vật tư, thiết bị để thi công bù vào khối lượng đã trễ. Tăng cường cán bộ kỹ thuật kiểm tra chất lượng nội bộ vật tư, vật liệu, nghiệm thu công việc, kiểm tra, kiểm soát khối lượng các đợt nghiệm thu thanh toán. Đặc biệt, lập kế hoạch thi công chi tiết cho từng hạng mục công việc đang triển khai.
Ông Bùi Ngọc Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Huế cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ GPMB các DA, đạt theo kế hoạch tiến độ đề ra, ngoài tháo gỡ chính sách đất đại, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu, ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc triển khai các DA trọng điểm...
DA Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) đầu tư 52 tiểu dự án trên địa bàn 19 phường thuộc địa phận thành phố Huế và 1 tiểu dự án thuộc địa phận xã Phú Sơn, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy. Dự án ảnh hưởng đến 2.972 hộ gia đình/tổ chức, trong đó 2.140 hộ ảnh hưởng về đất và 832 hộ ảnh hưởng về tài sản. Đến nay, trung tâm phát triển quỹ đất 2 địa phương đã đền bù giải phóng mặt bằng 732/2.972 hộ và tổ chức đạt 24,63% khối lượng giải phóng mặt bằng.