Chậm tiền thanh toán chứng khoán, vì sao?

Thời gian qua, không ít CTCK vi phạm quy định về bù trừ thanh toán chứng khoán, cụ thể là khoản tiền thanh toán bị thiếu hụt. Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) mới đây đã có công văn cảnh cáo một số công ty khi vi phạm 3 - 4 lần liên tục.

DVSC cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong khâu chuyển tiền từ ngân hàng về.

DVSC cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong khâu chuyển tiền từ ngân hàng về.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do các CTCK phối hợp với ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ vốn cho NĐT và vi phạm xảy ra khi ngân hàng chậm chuyển tiền. Theo quy định hiện hành, CTCK không được phép cho NĐT vay tiền. Do đó, để hỗ trợ NĐT, các công ty này đều phối hợp với ngân hàng để cho vay. Phía CTCK chỉ là tổ chức trung gian.

Theo CTCK Đại Việt-DVSC (VSD vừa có công văn nhắc nhở), trong tháng 10, DVSC vi phạm 3 lần, trong đó lần một với số tiền rất nhỏ do nhân viên sơ xuất trong việc không chuyển tiền thanh toán bù trừ cho NĐT nước ngoài. Lần thứ hai do thanh toán bù trừ trực tiếp cùng thành viên (DVSC là người nhận và cũng là người trả) nên DVSC cho rằng, số tiền thanh toán bù trừ là bằng không, do đó không cần phải chuyển tiền. Lần thứ ba và thứ tư là do ngân hàng chuyển tiền về DVSC bị chậm trễ nên bị quá giờ thanh toán bù trừ (ngay trong ngày, DVSC đã chuyển trả tiền cho VSD).

Về vấn đề này, Ngân hàng Đại Tín (tổ chức cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán cho DVSC) cho rằng, họ chỉ biết thực hiện cấp hạn mức theo yêu cầu của DVSC trong ngày, còn thời gian thì phía CTCK phải chủ động. Việc chậm chuyển tiền vào tài khoản của DVSC đôi khi là do Ngân hàng phải thực hiện báo cáo về hội sở tại TP. HCM.

Đại diện DVSC cho biết, sau những sự việc trên, Công ty sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong khâu chuyển tiền từ ngân hàng về DVSC để không bị tái phạm.

Trong tháng 9, CTCK Hà Thành (HASC) đã 5 lần mất khả năng thanh toán vào các ngày 1, 3, 4, 11 và 21/9. VSD đã phải sử dụng tiền từ Quỹ hỗ trợ thanh toán để khắc phục tình trạng mất khả năng thanh toán tiền cho HASC. Theo giải thích của ông Phạm Sỹ Long, Tổng giám đốc HASC thì HASC kết hợp với Công ty Tài chính Điện lực để thực hiện hỗ trợ tài chính cho NĐT. Phía Công ty Tài chính Điện lực chuyển tiền qua một ngân hàng, sau đó chuyển về ngân hàng chỉ định thanh toán bị chậm thời gian.

Nhiều ngân hàng vẫn cấp hạn mức cho vay đầu tư chứng khoán theo "room" cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Với lợi thế là ngân hàng chỉ định thanh toán, BIDV hiện phối hợp với hàng chục CTCK hỗ trợ vốn cho NĐT. Thông thường, các ngân hàng sẽ chuyển tiền vào tài khoản của CTCK, sau đó CTCK phân bổ việc thanh toán chứng khoán với ngân hàng chỉ định thanh toán. Việc chậm trễ có thể diễn ra do sự phối hợp không đồng bộ giữa ngân hàng và CTCK.

Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ khả năng khi TTCK tăng nóng, NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều và bản thân tổ chức tín dụng không kịp điều chuyển vốn khiến việc thanh toán tiền mua chứng khoán với VSD bị chậm trễ.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, hiện tổng số tiền trong Quỹ hỗ trợ thanh toán tại VSD khoảng 130 tỷ đồng. Nhưng nếu các thành viên không tuân thủ đúng các quy định về thanh toán sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống. Vì thế, bên cạnh việc xây dựng một quy trình quản lý rủi ro tốt, các CTCK cần lựa chọn những ngân hàng uy tín, có đủ năng lực tài chính để cung ứng vốn cho NĐT.

Nhiều CTCK cho rằng, trong trường hợp bù trừ trực tiếp cùng thành viên thì VSD nên thực hiện bù trừ về 0, không nên yêu cầu thành viên phải gửi tiền vào ngân hàng thanh toán, sau đó ngân hàng thanh toán lại trả lại cùng số tiền. Hiện VSD đang lấy ý kiến sửa đổi Quy chế về bù trừ thanh toán chứng khoán và đây là cơ hội để sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp.

Hiền Linh/Hiền Linh

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CEHFEB/cham-tien-thanh-toan-chung-khoan-vi-sao.html