Chạm tới ước mơ từ những điểm 10
Những điểm 10 không chỉ là con số, mà còn là minh chứng cho nỗ lực, đam mê và ước mơ của những học trò vượt khó với khát vọng vươn lên.
“Cú đúp” điểm 10

Trịnh Phan Nguyên đạt 2 điểm 10 môn Toán và Vật lí. Ảnh: NVCC.
Không quá bất ngờ là cảm xúc của Trịnh Phan Nguyên (Trường THPT Chi Lăng, Hội Phú, Gia Lai) khi đón nhận “cú đúp” điểm 10 môn Toán và Vật lí. Với Nguyên, đó là kết quả đến từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tâm lý vững vàng và niềm say mê học tập.
“Em đi thi với tâm thế thoải mái vì đã ôn kỹ, hiểu rõ bản chất vấn đề. Em không học mẹo, không học vẹt, mà cố gắng nắm chắc kiến thức từ gốc. Sau khi thi xong, em so đáp án và dự đoán được điểm tối đa”, Nguyên chia sẻ.
Điều khiến người khác ấn tượng ở Nguyên không chỉ là kết quả thi, mà còn là dự định giản dị là trở thành giáo viên Toán.
“Em muốn truyền lại niềm yêu thích môn Toán cho học sinh, giống như những gì thầy cô đã từng trao cho em”, Phan Nguyên bày tỏ.
Trong khi đó, Bành Gia Huân (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quy Nhơn, Gia Lai) lại có cảm xúc “vỡ òa” khi biết mình đạt điểm 10 môn Tiếng Anh. Trái lại, với Vật lí, môn học sở trường đạt 10 điểm, Huân lại khá tự tin ngay sau khi rời phòng thi.
Huân cho biết, bí quyết học tiếng Anh của em đến từ những thói quen nhỏ hằng ngày: Nghe podcast, xem video tiếng Anh trên YouTube, học từ những clip phụ đề về khoa học, đời sống…
“Không chỉ kiến thức, mà còn là học cách tư duy, phản xạ bằng tiếng Anh trong môi trường gần gũi, thực tế”, Huân bộc bạch.
Với Vật lí, Huân chọn cách học đơn giản mà hiệu quả là tập trung nghe giảng, hiểu bài ngay từ đầu, hỏi ngay chỗ chưa rõ để không bị “hổng”. Nhờ vậy, em không cần học quá nhiều lại sau đó, nhưng vẫn chắc kiến thức.
Mỗi điểm 10 là một câu chuyện vượt khó

Em Bùi Thanh Lâm (bên phải) không học lớp chuyên, cũng không tham gia đội tuyển học sinh giỏi nhưng vẫn đạt điểm 10 môn Tiếng Anh. Ảnh: NVCC.
Khác với hai nam sinh trên, Bùi Thanh Lâm (Trường THPT chuyên Hùng Vương, Diên Hồng, Gia Lai) không học lớp chuyên, cũng không tham gia đội tuyển học sinh giỏi nhưng vẫn đạt điểm tuyệt đối môn Tiếng Anh. Với Lâm, điều quan trọng nhất là luyện đề đều đặn và hệ thống lại kiến thức.
Thanh Lâm cũng tận dụng các kênh như: Be Smart, MinuteEarth để tăng vốn từ vựng và cải thiện kỹ năng nghe. Bên cạnh đó, nam sinh còn tham khảo các bài báo tiếng Anh liên quan đến chủ đề khoa học - đời sống.

Siu H’Suyn vượt khó đạt điểm 10 môn Địa lí. Ảnh: NVCC
Điểm 10 môn Địa lí lại là câu chuyện cảm động về nghị lực vượt khó của Siu H’Suyn, nữ sinh người Jrai, mồ côi mẹ, sống cùng gia đình chị gái tại Phú Thiện (Gia Lai). Khi bạn bè tra cứu điểm thi qua điện thoại, em đang đi làm thuê trên rẫy. Tin báo từ cô giáo khiến H’Suyn vỡ òa trong xúc động.
“Em không ngờ mình được điểm 10. Học Địa lí với em là một niềm vui. Càng học càng thấy hay, càng muốn tìm hiểu thêm”, H’Suyn bộc bạch.
Ngoài sách vở, em tìm hiểu thêm từ báo đài, Internet, làm nhiều đề và nhờ cô giáo chấm, góp ý để tiến bộ từng ngày. H'Suyn có nguyện vọng học ngành Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Quy Nhơn với ước mơ dạy chữ cho những em nhỏ vùng khó khăn.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, toàn tỉnh Gia Lai có 35.213 thí sinh dự thi theo Chương trình GDPT 2018. Kết quả, có 34.974 thí sinh đỗ tốt nghiệp, tỉ lệ tốt nghiệp: 99,32%.
Đối với Chương trình GDPT 2006, có 60 thí sinh dự thi, trong đó 28 em đỗ tốt nghiệp, đạt tỉ lệ 46,67%.
Toàn tỉnh có 324 điểm 10 của thí sinh dự thi theo Chương trình GDPT 2018. Trong đó, môn Địa lí dẫn đầu với 149 điểm 10; Vật lí; 109; Lịch sử: 18; Kinh tế và Pháp luật: 16; Hóa học: 9; Toán: 12; Công nghệ Nông nghiệp và Tiếng Anh mỗi môn có 5 điểm 10; Tin học có 1 điểm 10. Ở Chương trình GDPT 2006, toàn tỉnh có 3 điểm 10, gồm 2 điểm 10 môn Lịch sử và 1 điểm 10 môn Địa lí.
Đặc biệt, Gia Lai nằm trong top 10 địa phương có điểm trung bình môn Tin học cao nhất cả nước, đạt 7,098 điểm. Đồng thời, là 1 trong 10 địa phương có nhiều điểm 10 nhất ở môn Công nghệ Nông nghiệp (đứng thứ 8, với 5 điểm 10) và đứng thứ 5 cả nước về số lượng điểm 10 môn tiếng Anh (4 điểm 10).
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cham-toi-uoc-mo-tu-nhung-diem-10-post740071.html