Chậm trễ cấp điện cho người dân ở dự án Hạ tầng kỹ thuật khung
Không phải chỉ vài tháng mà đã gần 3 năm qua mấy chục gia đình ở khu tái định cư số 1, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) phải tự mua dây nối điện từ cột về nhà để sử dụng. Trong khi ngay trước cửa nhà họ là hệ thống cấp điện, tủ điện được lắp đặt cáp ngầm hiện đại đã được hoàn thành nhiều tháng qua lại… để không khiến người dân vô cùng bức xúc.

Hệ thống tủ điện hạ thế ngay trước cửa nhà nhưng các gia đình ở điểm tái định cư số 1 Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) vẫn chưa được đấu nối điện để sử dụng.
Dù đã hẹn trước vậy mà khi chúng tôi đến ngôi nhà của ông Hà Minh Lợi, ở khu tái định cư số 1 phường Him Lam vẫn cửa đóng im lìm. Cất tiếng gọi “bác Lợi ơi, bác Lợi ơi” vài lần, chúng tôi mới nghe tiếng cạch cạch từ trong nhà vọng ra.
Cẩn thận mở chốt rồi mới đẩy cửa sang hai bên, ông Lợi mới nói như để giải thích: Bật điện thì cũng được thôi, nhưng cẩn thận vẫn hơn các cháu ạ. Nhà có mình tôi ở, tiền điện chả đáng bao nhiều nhưng vì đường dây tạm bợ cho nên bớt tiêu thụ điện được ít nào thì an toàn ít đấy.
Nói rồi, ông Lợi kéo mấy cái ghế ra sát cửa mời khách ngồi. Kể cho chúng tôi nghe niềm mong mỏi đóng điện của bản thân ông và các gia đình khác trong cùng khu phố, ông Lợi nói rõ: Trong cả dãy phố này có 20 gia đình thuộc diện tái định cư dự án Hạ tầng khung, đường 60m. Hầu hết các gia đình đều đã làm nhà, ở đây được 3 năm và cũng bằng ấy thời gian các gia đình phải tự mua dây dẫn điện từ cột vào nhà để sử dụng. Tùy theo khoảng cách nhà xa nhà gần mà đường dây dài ngắn khác nhau, nhưng chung quy là mỗi gia đình một dây riêng chứ không nhà nào chung cả.

Cụm dây diện các gia đình buộc nhờ của gia đình anh chị Thanh Nhuần tiềm ẩn nhiều nguy hiểm...
Để có “trạm dừng” cho đoạn đường dây từ cột bắc về từng nhà, gia đình ông Lợi và các gia đình khác đều phải giăng dây điện nhờ qua nhà của vợ chồng anh chị Thanh Nhuần.
Là hàng xóm với nhau, anh chị Thanh Nhuần phải miễn cưỡng đồng ý nhưng mỗi ngày mưa gió về thì anh chị Thanh Nhuần lại vô cùng lo lắng vì nguy hiểm hiển hiện bên mái nhà.
“Dây cuộn thành búi mà nếu chập cháy thì nguy hiểm vô cùng, thế nên anh chị Thanh Nhuần lo lắng cũng đúng lắm”, ông Lợi khẽ nói thêm.

Đường dây điện do các gia đình tự bắc thòng lọng nguy hiểm ngay cạnh công trình điện ngầm được xây dựng hiện đại.
Thế rồi, từ quãng tháng 5/2024 bà con trong khu tái định cư đã yên tâm hơn khi thấy đơn vị thi công đã hoàn thành lắp đặt hệ thống đường điện ngầm, cột, bảng điện và các cột điện chiếu sáng trong hợp phần dự án Hạ tầng kỹ thuật khung.
Ai cũng mong mỏi từng ngày được cơ quan chức năng thông báo, thực hiện thủ tục đấu nối điện cho từng gia đình đúng như cam kết “khu tái định cư được đầu tư đồng bộ, đẹp đẽ, hiện đại, khang trang”. Vậy nhưng càng đợi mong lại càng thấy đằng đẵng.
Tại kỳ tiếp xúc cử tri đại biểu hội đồng nhân dân hai cấp do thành phố tổ chức, ông Hà Minh Lợi đại diện cho 20 gia đình trong phố đã đề nghị thành phố khẩn trương chỉ đạo đơn vị chức năng kiểm tra, đóng điện cho bà con sử dụng thuận lợi, an toàn.
Đáp lại kiến nghị đó, ngày 30/7/2024 ông Tòng Văn Trung, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình thành phố Điện Biên Phủ (chủ đầu tư dự án) đã ký công văn 126 gửi các gia đình ở tổ dân phố 16,17,18 phường Him Lam thuộc điểm tái định cư số 1, 2 dự án Hạ tầng kỹ thuật khung để thông báo đến làm thủ tục đăng ký, hợp đồng mua bán sử dụng điện với Điện lực thành phố Điện Biên Phủ (địa chỉ tại tổ dân phố 2, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ).
Vậy nhưng khi các gia đình trong tổ dân phố đến Điện lực thành phố và “trình” công văn 126 thì lại nhận được trả lời từ cán bộ điện lực rằng: “Đấy là việc giữa nhân dân với Ban Quản lý Dự án, chứ Điện lực thành phố chưa thực hiện đấu nối điện tại địa bàn”.
Buồn bã trở về, ông Hà Minh Lợi và các ông Nguyễn Khắc Lưu, Nguyễn Công Sơn với rất nhiều gia đình trong phố đã động viên nhau “gắng chờ thêm thời gian nữa”.
Cùng với đó, họ lại bàn với nhau cử người sang nói khó với gia đình anh chị Thanh Nhuần xin giăng dây nhờ thêm thời gian nữa nhưng khi anh Thanh hỏi lại “thêm bao ngày nữa” lại chẳng ai dám trả lời.

Hạn chế tiêu thụ điện năng vì đường dây tự kéo không an toàn, vợ chồng ông Nguyễn Khắc Lưu tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên để làm các việc duy trì sinh hoạt gia đình...
Cứ như thế, ngày qua ngày, nhiều tháng cũng trôi qua. Dù hàng xóm láng giềng nhà cách nhà vài bước chân mà ông Lưu, ông Lợi, bà Phương, ông Sơn… toàn phải tìm lối đi khác để tránh gặp anh chị Thanh Nhuần… vì ái ngại lắm mà không làm cách nào khác được. “Chúng tôi là đảng viên, tuổi lớn rồi mà nhờ vả không giữ lời hẹn thì ngại lắm chứ” - vừa nói ông Nguyễn Khắc Lưu vừa đưa tay chỉ mấy dây điện lơ lửng trên đầu như các dây thòng lọng của “tử thần”.
Cực chẳng đã, trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ khoảng nửa tháng, ông Hà Minh Lợi lại điện thoại hỏi ông Tòng Văn Trung khi nào đóng điện cho bà con thì bên kia đầu dây ông Trung trả lời: “Chậm nhất ngày 20 (tức ngày 20 tháng Chạp - P.V) sẽ có điện”, nhưng rồi ngày 20 đi qua và cả một cái Tết Nguyên đán cũng đi qua, hàng trăm con người ở 20 ngôi nhà ngay trung tâm thành phố Điện Biên Phủ vẫn mong mỏi một niềm mong có điện…
Sáng 10/2, làm việc với chủ đầu tư là Ban Quản lý các công trình dự án thành phố Điện Biên Phủ để tìm hiểu lý do “vì sao đã hoàn thành hệ thống điện thuộc dự án mà chưa đóng điện cho người dân”, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Phương, cán bộ kỹ thuật của Ban, cho biết: Dự án này là Ban tiếp nhận từ Sở Tài nguyên và Môi trường, lại có nhiều cán bộ kỹ thuật giám sát nên nhiều việc bị chậm. Riêng về điện chậm thì ban đã đề nghị Điện lực rồi nhưng vì các yêu cầu kỹ thuật nên chưa thực hiện được…
Ngược với ý kiến của bà Phương, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Điện Biên, khẳng định: Chậm trễ trong tổ chức kiểm tra kỹ thuật an toàn tuyến đường điện Trung thế 22KV và 02 TBA phân phối 22/4,4kV để đưa vào sử dụng là thuộc trách nhiệm chủ đầu tư chính là Ban Quản lý dự án. Còn về phía công ty, Điện lực tỉnh luôn sẵn sàng tiếp nhận, đưa vào vận hành công trình phục vụ nhân dân.

Hệ thống cột điện chiếu sáng ở điểm tái định cư số 1 cũng hoàn thành đã lâu nhưng không có điện...
Thừa nhận trách nhiệm chậm trễ vì thời điểm trước tết bận nhiều việc chưa kịp thực hiện các phần việc, ông Tòng Văn Trung, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình thành phố Điện Biên Phủ cam kết sẽ khẩn trương thực hiện các phần việc, bảo đảm cấp điện từ công trình đến nhân dân trong thời gian sớm nhất.
Nhưng sớm nhất là bao giờ thì đến nay (ngày 20/2) vẫn chưa có câu trả lời cụ thể, vì hiện tại đường điện của các gia đình vẫn như là các bó dây thòng lọng ngay cạnh công trình điện ngầm hiện đại ở Điện Biên...