Chậm trễ trong công bố thông tin về nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt
Về ô nhiễm môi trường liên quan sự cố cháy nổ, nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt, Ủy ban Kinh Tế đánh giá các cơ quan còn chậm trễ trong công bố thông tin.
Sáng 21/10, trình bày báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều giải pháp bảo vệ môi trường được triển khai, nhất là việc không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa. Tuy vậy, còn tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan sự cố cháy nổ, nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt, sự chậm trễ trong công bố thông tin, chưa chủ động đánh giá và có biện pháp kịp thời khắc phục.
“Còn hiện tượng xả thải vào nguồn nước; ô nhiễm không khí, bụi mịn tại một số thành phố lớn” – ông Vũ Hồng Thanh nói và đề nghị làm rõ về mức độ hoàn thành và hiệu quả thực tiễn của các nhóm giải pháp, việc huy động nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, cần đánh giá hiệu quả của các giải pháp đối với tình trạng xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển xảy ra tại TPHCM, Cần Thơ và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Trình bày báo cáo tổng hợp hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, ngoài những kết quả nhất định đã đạt được, cử tri, nhân dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục. Mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM gây nguy hại đến sức khỏe nhân dân.
Tại Hà Nội, theo số liệu từ 13 trạm quan trắc, trong thời gian từ ngày 12/9 - 29/9, chất lượng không khí tại Hà Nội liên tục có những ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng cho phép.
Tại TPHCM, theo số liệu từ 30 trạm quan trắc chất lượng không khí cho thấy có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO... trong các ngày 18 đến 20/9. Cao nhất là ngày 20/9, bụi tăng gấp 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần.
Theo các chuyên gia, bụi mịn PM 2.5 là loại bụi có kích cỡ nhỏ chỉ bằng 1/30 sợi tóc người và có khả năng đi sâu vào các phế nang của phổi, thậm chí là mạch máu, gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong ở người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm, trên 200.000 trường hợp phát hiện ung thư.
Đặc biệt ghi nhận sự gia tăng bụi mịn PM10, PM 2.5 gia tăng từ 1,9-2,2 lần, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến yếu tố môi trường tăng khoảng 30%.
Báo cáo cũng nêu rõ, tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị rất chậm; việc xử lý của chính quyền địa phương đối với sự cố môi trường, nhất là đối với các vụ cháy, nổ còn lúng túng.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra ngoài trung tâm thành phố; ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xả chất thải trực tiếp ra môi trường; thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để Nhân dân chủ động phòng tránh”, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh./.