Chậm triển khai ETC là do doanh nghiệp BOT

Tại TP HCM hiện có 3 trạm thu phí đã triển khai thu phí điện tử không dừng (ETC) gồm: Trạm thu phí An Sương - An Lạc, đã nâng cấp ETC 21/25 làn; trạm thu phí Phú Mỹ (TP Thủ Đức) 8/18 làn; trạm thu phí Xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) 8/16 làn.

Hai trạm thu phí chưa triển khai ETC gồm: Trạm thu phí BOT Phú Hữu chưa hoạt động và trạm thu phí Nguyễn Văn Linh (thu phí phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng đường Nguyễn Văn Linh). Theo thống kê của Sở GTVT TP HCM, đến nay thành phố có khoảng 284.840 phương tiện dán thẻ ETC, đạt 42,16%.

Tại Lâm Đồng, UBND tỉnh này chỉ đạo tập trung dán thẻ định danh đối với toàn bộ ôtô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị để sử dụng dịch vụ ETC; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương gương mẫu thực hiện dán thẻ định danh đối với ôtô cá nhân tham gia, không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1-6. Theo Công ty TNHH Hùng Phát (chủ đầu tư đường cao tốc Liên Khương - Prenn) đã vận hành 4/6 làn thu phí ETC tại trạm thu phí Định An (quốc lộ 20, xã Định An, huyện Đức Trọng); đến cuối tháng 4, sẽ vận hành 2 làn còn lại.

Trạm thu phí An Sương - An Lạc, TP HCM đã lắp đủ các làn cho xe dán ETC Ảnh: THU HỒNG

Trạm thu phí An Sương - An Lạc, TP HCM đã lắp đủ các làn cho xe dán ETC Ảnh: THU HỒNG

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Dương, cho biết địa phương này có khoảng 10 trạm thu phí BOT cơ bản đều đã thực hiện ETC. Tuy nhiên, theo ghi nhận, làn xe dành cho trạm thu phí hỗn hợp lúc nào cũng đông đúc hơn, thậm chí vào các giờ cao điểm, lượng xe ùn ứ, dẫn đến tình trạng kẹt xe kéo dài.

TP Cần Thơ có 2 trạm thu phí là BOT T1 và BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp đã triển khai ETC, tuy nhiên nhiều chủ phương tiện vẫn chưa mặn mà. Vừa qua, Sở GTVT TP Cần Thơ đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc triển khai dán thẻ định danh đối với ôtô để sử dụng dịch vụ ETC. Tuy nhiên, một số chủ phương tiện phản ánh sử dụng ETC hiện phát sinh một số lỗi. Ông Bùi Quốc Dũng (ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), phản ánh: "Tôi thường xuyên qua trạm BOT T1 và có sử dụng dịch vụ ETC từ đầu tháng 1. Tuy nhiên, cách đây vài tuần, khi tôi lưu thông qua trạm thì hệ thống ở làn ETC không nhận diện được thẻ dán trên xe nên barie không bật lên. Nhân viên của trạm phải dùng mã vạch quẹt vào máy để mở barie". Theo ông Dũng, sau đó nhân viên của trạm dán thẻ định danh mới chồng lên thẻ cũ nhưng khi vào ứng dụng ePass tự nạp tiền từ tài khoản ngân hàng thì không được. "Điều này rất mất thời gian và phiền hà" - ông Dũng nói.

Nhận định việc triển khai ETC nhiều lần lùi thời hạn, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng nguyên nhân khiến việc triển khai ETC bị chậm so với kế hoạch là do ý chí của doanh nghiệp BOT. Theo ông Thuận, áp dụng ETC, phương án tài chính rõ ràng, cơ quan nhà nước có thể kiểm soát tình hình tài chính của các trạm BOT nên doanh nghiệp không mặn mà.

Nhóm Phóng viên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/cham-trien-khai-etc-la-do-doanh-nghiep-bot-2022041122201843.htm