Chạm vào nỗi nhớ
Mỗi lần về quê, qua cổng trường THCS, lòng tôi xao xuyến, bồi hồi khó tả. Bao ký ức về người thầy, về trường lớp cũ cứ vậy mà ùa về.
Ngôi trường ngày ấy chỉ lợp mái tranh, vách nứa, bàn ghế lớp học thì được ghép từ những thân cây luồng, bảng trên lớp là vài tấm gỗ ván mỏng ép phẳng và sơn đen bằng hỗn hợp lá khoai lang trộn ruột pin đèn… Đó là nơi mà lứa học sinh thế hệ 8X chúng tôi học tập.
Trường ở trung tâm xã, cách nhà tôi một quãng đường chừng 3 cây số, trẻ quê phải đi bộ trên đường dốc, đất, đá lởm chởm, trời nắng thì bụi bặm, ngày mưa thì lầy lội. Thầy, cô giáo dạy chúng tôi đa phần là người cùng địa phương. Vậy nên, từ hoàn cảnh, đến tính cách của học sinh các thầy, cô giáo đều nắm rất rõ.
Làng tôi thời ấy, những nhà có xe đạp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhà nào có điều kiện, buổi sáng trẻ con đến trường mới có khoai lang ăn kèm với dưa chua muối mặn, phần lớn chúng tôi đều nhịn ăn sáng mà đi học. Đầu trần, chân đất, một số ít bạn thì có dép tổ ong nhưng đã cụt mõm, mòn đế và chi chít chỗ khâu vá. Áo quần thường may thật rộng để mặc hai đến ba năm, hoặc là chuyển từ anh sang em. Cặp đựng sách vở chỉ là chiếc túi bằng cước hoặc là túi đan bằng sợi mây, sợi cói. Sách giáo khoa thì dùng từ lứa trước đến lứa sau…
Quê tôi, khi trời chưa bình minh là người dân đã đi làm ngoài đồng ruộng, nên trẻ con cũng thường dậy rất sớm và tự giác đi học. Tôi có thói quen ngủ nướng, bởi thế mà bao lần chưa kịp rửa mặt đã phải vội vàng vớ chiếc túi đựng sách vở rồi cuống cuồng chạy ù theo các bạn đến trường.
Nhịn ăn sáng cũng thành thói quen, nhiều khi đói meo, chị gái tôi bảo: “cố nhịn ăn sáng mấy hôm, sắp đến ngày gặt lúa rồi mẹ gom về có cơm gạo mới tha hồ mà ăn”. Chỉ cần tưởng tượng đến mùi cơm gạo mới thôi, là tôi đã ứa cả nước miếng. Hồi đó không riêng gì nhà tôi, mà cả làng đều thiếu gạo để ăn. Một năm quê tôi chỉ cấy được 1 vụ lúa mà lại không năng suất, phải chờ khi trời thương, trời cho mưa xuống mới có nước để làm đất cày cấy. Cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng những đứa trẻ quê tôi thì ai nấy đều được vô tư, vui vẻ đến trường học hành.
Ở trường hồi đó chưa có nhà để xe, nên chiếc xe đạp cũ của thầy giáo chủ nhiệm vẫn dựng bên gốc cây phượng trước cửa lớp. Chúng tôi thường tụm năm tụm bảy hò nhau mượn xe của thầy để tập đi. Có lúc, ngã sóng soài cả xe lẫn người rồi cười giòn tan dưới tán phượng vĩ. Những trò chơi trong giờ giải lao như đánh đáo, ô ăn quan, đánh thẻ, đánh ù… dưới sân trường thân thương cứ vậy hằn sâu trong ký ức cho đến tận bây giờ.
Tôi nhớ một kỷ niệm hồi học lớp 7, có lần ở giờ ra chơi, chiếc xe đạp của thầy chủ nhiệm vẫn dựng bên gốc phượng. Nhưng hôm ấy thì khác, trong giỏ xe có vài củ khoai lang nướng được bọc rất cẩn thận. Tôi mạnh dạn, mon men lấy bọc khoai lang ra rồi chia cho mỗi bạn một phần, khoai lang nướng còn nóng, thơm phức, không do dự gì cả đứa nào đứa nấy ăn rất ngon lành. Đứng ở phía cửa, thầy giáo đã chứng kiến mọi việc, nên khi vào lớp chúng tôi đều khép nép sợ sệt. Thầy không trách chúng tôi, mà ân cần: “Khoai có ngon không các em, thầy mang đến nhưng chưa kịp đưa cho các em đấy. Thầy biết hôm nào các em cũng vội đi học mà chưa kịp ăn sáng”. Nhưng chỉ hôm sau thôi là tôi biết, những củ khoai lang nướng là bữa trưa của thầy hôm đó. Nhà thầy xa trường, hôm nào ở lại là thầy phải mang đồ ăn đi theo. Buổi chiều ngày hôm đó, thầy ở lại để lao động với các học sinh lớp 9 dọn cỏ khu vườn cây thuốc nam. Thầy có phải nhịn đói không? Câu hỏi ấy cứ trở đi trở lại trong tôi, dù rằng sự ân cần và trìu mến của thầy đã phần nào làm tôi cảm thấy an lòng.
Thầy giáo chủ nhiệm lớp tôi là thế. Giản dị mà yêu thương. Trên bục giảng, thầy ân cần truyền đạt kiến thức, là người thầy rất mẫu mực. Trở về làng, thầy còn giúp đỡ hàng xóm nhiều việc, thầy rất gần gũi với mọi người. Những buổi tan học, thầy thường dặn dò các bạn học sinh có tóc rậm, nếu muốn thì nán lại thầy cắt tóc cho. Trẻ quê tóc tai bù xù xơ rối, có bạn còn để dài xõa hết xuống mặt, nhưng vào tay thầy chỉ chốc lát là gọn gàng, sạch đẹp ngay…
Bao năm tháng trôi qua, giữa bộn bề cuộc sống, có đôi khi ngày hôm qua gặp ai chưa chắc mình còn nhớ, nhưng có những chuyện hơn 30 năm vẫn vẹn nguyên. Hình ảnh ngôi trường xưa, người thầy giáo chủ nhiệm năm nào khắc sâu trong lòng tôi, nhưng là những câu chuyện vui đến bất tận.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/cham-vao-noi-nho/26887.htm