Chấn chỉnh bất cập, kéo giảm tai nạn giao thông
Theo Ủy ban A n toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2023, Đồng Nai là một trong 7 địa phương trên toàn quốc có số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh nguyên nhân từ ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao, số vụ TNGT trên địa bàn tăng còn do bất cập về hạ tầng giao thông và lượng xe tải, xe đầu kéo lưu thông đông đúc.
Tồn tại nhiều bất cập trên các tuyến đường
Cụm nút giao Cổng 11 (TP.Biên Hòa) gồm 3 giao lộ là nơi giao cắt của 3 tuyến đường lớn: quốc lộ 51, Bùi Văn Hòa, Võ Nguyên Giáp. Đây là tuyến đường huyết mạch kết nối TP.Biên Hòa với H.Long Thành và H.Trảng Bom; cũng là đường ra vào các khu công nghiệp của 3 địa phương trên.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Đồng Nai xảy ra 121 vụ TNGT, làm 113 người chết, làm 58 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 10 vụ TNGT, tăng 24 người chết, tăng 10 người bị thương.
Từ đầu năm 2023 đến nay, cụm nút giao Cổng 11 đã xảy ra 4 vụ TNGT, làm 4 người chết. Chính vì vậy, các giao lộ ở khu vực cổng 11 được ngành chức năng của tỉnh đánh giá là những “điểm đen” TNGT vừa hình thành trong 6 tháng đầu năm 2023.
Gần nhất khoảng 11 giờ 40, xe máy biển số 61S1-3777 lưu thông từ quốc lộ 51 qua đường Bùi Văn Hòa (khu vực nút giao Cổng 11, P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) thì va chạm với 1 xe máy khác đi ngược chiều. Cú va chạm khiến 2 người (1 nam, 1 nữ) ngồi trên xe máy biển số 61S1-3777 té xuống đường. Ngay lúc đó, xe tải ben biển số 60H-106.18 chạy ngay phía sau không kịp xử lý nên đã cán qua người em N.T.T.A. (nữ, 16 tuổi, ngụ xã An Phước, H.Long Thành) khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Theo Sở GT-VT, tại vị trí cụm nút giao Cổng 11 còn một số bất cập về hạ tầng giao thông, cũng như cách tổ chức giao thông không còn phù hợp và lượng xe tải ben, xe đầu kéo di chuyển đông đúc mỗi ngày, cần có giải pháp điều chỉnh cho phù hợp.
Bên cạnh cụm nút giao Cổng 11, đại diện Ban ATGT tỉnh cũng chỉ rõ các bất cập về hạ tầng giao thông, biện pháp tổ chức thi công một số tuyến đường đã dẫn đến một số vụ TNGT chết người.
Cụ thể là tại nút giao đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với tuyến quốc lộ 1 (H.Xuân Lộc) và quốc lộ 56 (H.Cẩm Mỹ) đã xảy ra 4 vụ TNGT, làm chết 2 người, bị thương 2 người. Các vị trí tại thời điểm xảy ra tai nạn đều đang thi công, nền đường không bằng phẳng, các loại xe ô tô lớn di chuyển chen chúc cùng xe 2 bánh.
Không chỉ vậy, từ đầu năm 2023 khi việc thu phí trên quốc lộ 51 bị tạm ngưng, công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên không được tiến hành, khiến tuyến đường này xuống cấp nghiêm trọng.
Cụ thể như: mặt đường quốc lộ 51 hư hỏng nhiều vị trí trên tuyến; xuất hiện nhiều ổ gà lớn; vạch sơn trên toàn tuyến mòn, mờ rất nhiều làm mất tác dụng hướng dẫn phần đường, làn đường lưu thông… Việc này dẫn tới các loại xe ô tô lớn (vốn di chuyển dày trên quốc lộ 51) dễ va chạm với xe 2 bánh khi di chuyển gần nhau.
Tập trung các giải pháp kéo giảm TNGT
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng của Đồng Nai và Bộ GT-VT đã phối hợp tổ chức nhiều buổi kiểm tra trên quốc lộ 1, quốc lộ 51, khu vực nút giao với đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và yêu cầu các đơn vị quản lý tuyến đường khắc phục. Tuy nhiên, việc khắc phục của các đơn vị này còn chậm, dẫn đến TNGT đã xảy ra ở các nút giao nói trên.
Bên cạnh đó, từ ngày 17-5 đến nay, công tác quản lý, bảo quản tuyến quốc lộ 51 đã được Khu Quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GT-VT) giao cho các đơn vị được ký hợp đồng thực hiện. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn nên công tác duy tu, bảo dưỡng cũng như khắc phục các bất cập về hạ tầng giao thông, hư hỏng mặt đường... vẫn không thể đáp ứng kịp thời và đầy đủ so với yêu cầu thực tế.
Để kéo giảm TNGT, trong thời gian tới, Ban ATGT tỉnh đã xác định cần tiếp tục chấn chỉnh các bất cập về hạ tầng và kiểm soát các phương tiện lớn lưu thông trên đường. Đặc biệt, các địa phương có TNGT tăng phải tập trung phân tích, đánh giá và làm rõ nguyên nhân TNGT tăng, tăng trên tuyến đường nào để từ đó tập trung các giải pháp kéo giảm TNGT.
Cụ thể, lãnh đạo Sở GT-VT đã kiến nghị Bộ GT-VT chỉ đạo chủ đầu tư sớm khắc phục, xử lý các tồn tại về mất ATGT trên tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đặc biệt tại nút giao với quốc lộ 1 và quốc lộ 56 qua địa phận Đồng Nai. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan ưu tiên bố trí kinh phí sớm triển khai thực hiện các giải pháp xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT như đã nêu trên. Đặc biệt, kiến nghị thực hiện đầy đủ công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên trên tuyến quốc lộ 51 nhằm bảo đảm cho người và các phương tiện lưu thông được thuận lợi, an toàn.
Ngoài ra, Ban ATGT tỉnh cũng đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông cần thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm nhằm giảm thiểu TNGT. Có thể xử lý theo chuyên đề hoặc tổng kiểm soát hành chính các phương tiện giao thông. Đặc biệt tập trung kiểm soát, đề ra các giải pháp hạn chế TNGT trên các tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 51.
Đại tá Trần Anh Sơn, Phó giám đốc Công an tỉnh yêu cầu công an các đơn vị, địa phương rà soát, nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân thường xuyên gây mất ATGT, nhất là tại các “điểm đen” TNGT. Chú ý tổ chức đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường tuần tra kiểm soát lưu động. Qua đó chủ động phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm trật tự ATGT, nhất là các hành vi vi phạm về: nồng độ cồn, xe quá tải trọng, chạy quá tốc độ…
Minh Thành
Thứ trưởng Bộ GT-VT NGUYỄN XUÂN SANG:
Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật lĩnh vực GT-VT
Thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ của ngành Công an, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông, cùng với sự vào cuộc của nhân dân, công tác bảo đảm trật tự ATGT gắn với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được nâng cao.
Thời gian tới, Bộ GT-VT sẽ tập trung vào một số nội dung như: hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về tất cả các lĩnh vực GT-VT; tập trung thực hiện các mục tiêu quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT trong chức năng của Bộ.
Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền và phối hợp giữa Bộ GT-VT với các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành, phối hợp thanh tra, kiểm tra các mặt công tác nhằm đảm bảo trật tự ATGT trong thời gian tới.
Thiếu tướng NGUYỄN VĂN LONG, Thứ trưởng Bộ Công an:
Tập trung xóa “điểm đen” TNGT
Bên cạnh việc quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm về giao thông, để kéo giảm TNGT, lực lượng Cảnh sát giao thông cần tiếp tục kiểm tra, kiến nghị khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, giải quyết các “điểm đen” về TNGT. Cụ thể phải rà soát lại cơ sở hạ tầng, nắm rõ từng “điểm đen”, từng khiếm khuyết trong hệ thống giao thông hay đặc tính về cư dân, về phương tiện trên địa bàn. Từ đó đưa vào kế hoạch tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT.
Công an các địa phương phải xác định rõ tuyến nào, địa bàn nào có “điểm đen” về tai nạn; địa bàn nào có đường giao cắt nhưng không có gờ giảm tốc, không có đèn đường, cần phải được khắc phục ngay… Qua đó tham mưu cho UBND các cấp phân công cụ thể trách nhiệm xử lý cho các đơn vị có liên quan.