Chấn chỉnh công tác quản lý và sử dụng đất tại Tp. Hồ Chí Minh

Giá trị các khoản thu từ đất đai của Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm đều tăng và chiếm từ 8 - 9% tổng nguồn thu ngân sách thành phố.

Tuy nhiên trong thời gian qua, việc quản lý và sử dụng đất đai có nơi còn buông lỏng, gây lãng phí và bức xúc trong dư luận, cần kịp thời chấn chỉnh. Đây là nội dung buổi làm việc ngày thứ 2 Kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra ngày 11/7.
* Buông lỏng quản lý
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: Tính đến tháng 11/2017, UBND thành phố đã chỉ đạo rà soát 1.269 dự án trên địa bàn (thuộc giai đoạn 2001 - 2011) với tổng diện tích 18.930 ha; trong đó chấm dứt văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 577 dự án (chiếm tỷ lệ 45,5%), với tổng diện tích hơn 5.915 ha.

Việc quản lý và sử dụng đất đai ở Tp. Hồ Chí Minh có nơi còn buông lỏng, gây lãng phí và bức xúc trong dư luận. Ảnh minh họa: TTXVN

Việc quản lý và sử dụng đất đai ở Tp. Hồ Chí Minh có nơi còn buông lỏng, gây lãng phí và bức xúc trong dư luận. Ảnh minh họa: TTXVN

Về công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2015, UBND thành phố đã thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất của 91 dự án với tổng diện tích 1.657 ha.

Đã tổ chức 90 cuộc thanh tra, phát hiện 21 trường hợp vi phạm, chủ yếu sử dụng đất không đúng mục đích, chậm đưa đất vào sử dụng, tự ý cho thuê tài sản gắn liền với đất.
Cùng với đó, công tác phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm còn chậm, vẫn còn một số dự án “treo” nhiều năm.

Trong khi đó, gần 930 ha đất chưa sử dụng, 13.930 căn hộ và nền đất chưa bố trí sử dụng tái định cư, một số địa chỉ nhà do Nhà nước quản lý bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích, cho thuê lại, liên doanh liên kết không đúng thẩm quyền.

Đến nay, vẫn còn 41 địa chỉ nhà đất chưa thu hồi, trong đó khối Trung ương là 13 địa chỉ với tổng diện tích đất phải thu hồi gần 160.000m2.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng, trong thời qua nhiều nơi buông lỏng quản lý đất đai, vừa loay hoay tìm quỹ đất phát triển các dự án phục vụ công cộng, nhưng lại để nhiều địa chỉ nhà đất hoang phí, chưa khai thác hết.

Tình trạng dự án treo, tiêu biểu như dự án bán đảo Thanh Đa với hơn 20 năm “bất động” đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Chưa kể một số khu đất công tại đường D1, D2, Khu phố 1, quận Bình Thạnh, bị bỏ hoang hoặc được cho tư nhân thuê lại.
Cùng quan điểm, đại biểu Cao Thanh Bình cho rằng, đang diễn ra phổ biến tình trạng cho thuê nhà, đất sai thẩm quyền, thuê với giá rẻ, ngay cả văn phòng UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn cũng đứng ra ký hợp đồng cho thuê.

Nhiều công ty kinh doanh quản lý nhà, thuê nhà đất nhưng nợ tiền, có trường hợp nợ trên 70 tỷ đồng. Đáng lưu ý, nhiều hợp tác xã thuê, nợ tiền thuê, không đủ sức mua chỉ định nhưng lại liên doanh, hợp tác với các đơn vị khác để cho thuê lại.
Vì thế, đại biểu Cao Thanh Bình đề nghị thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá lại thực trạng liên doanh, liên kết, nhất là ở các vị trí đắc địa để có giải pháp khai thác tài nguyên đất một cách hiệu quả nhất.
* “Xẻ thịt” công viên
Phản ánh tình trạng nhiều công viên trên địa bàn bị “xẻ thịt” để làm nơi buôn bán, kinh doanh nhà hàng, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung cho biết, trên địa bàn thành phố có nhiều công viên do chưa có quy hoạch chi tiết hoặc có quy hoạch nhưng không còn phù hợp nên không kiểm soát được, dẫn đến việc lấn chiếm đất công viên.
Đại biểu Vũ Thanh Lưu phản ánh: Trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khu đất do các bộ, ngành Trung ương quản lý, sử dụng từ sau năm 1975 nhưng hiện nay bỏ hoang, gây lãng phí, chưa đúng quy hoạch.

Riêng dọc bến Bình Đông, quận 8 có nhiều kho bãi sau năm 1975 bị bỏ trống, trong khi quận 8 lại đang thiếu đất để xây dựng trường học và các công trình phục vụ công cộng.
Giải trình rõ hơn vấn đề này, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện trên toàn địa bàn có khoảng 542 ha công viên cây xanh, trong đó có nhóm công viên do các đơn vị trực thuộc của Sở Giao thông vận tải quản lý (quy mô 104 ha) và nhiều công viên do UBND các quận, huyện quản lý.

Thực tế thời gian qua có nhiều công viên bị lấn chiếm như Công viên 23/9, công viên Phú Lâm… khi có tới 55% diện tích công viên phục vụ nhà hàng, giải trí.
Nói về công tác chấn chỉnh tình trạng “xẻ thịt” đất công viên, ông Bùi Xuân Cường cho biết, sẽ rà soát, đánh giá lại quy hoạch, kiên quyết thu hồi để lấy lại mặt bằng công viên, nhất là trụ sở cơ quan, nhà dân chiếm dụng đất công viên.
* Kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ
Một vấn đề "nóng bỏng khác cũng được phản ánh tại Kỳ họp của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là việc chậm tiến độ các dự án, gây lãng phí tài nguyên đất.

Ông Lê Quỳnh Đài, Phó Chủ tịch UBND quận 8 chia sẻ, trên địa bàn quận 8 có 17 dự án chậm triển khai, chính quyền đã nhiều lần nhắc nhở, họp bàn chủ đầu tư nhưng vẫn không giải quyết được.

Ngoài ra, nhiều kho tàng, bến bãi trên đường Bến Bình Đông, UBND quận 8 đã tham mưu cho UBND thành phố thu hồi để làm 6 trường học.
Nói về việc xử lý các dự án treo liên quan đến công tác quản lý đất đai, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất UBND thành phố việc xử lý các dự án chậm tiến độ theo hướng nếu sau 3 năm giao đất mà không triển khai sẽ bị thu hồi.

Sau khi thu hồi các dự án “treo”, thành phố sẽ giải quyết quyền lợi cho người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn và chuyển nhượng đất.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường được UBND thành phố giao xây dựng quy chế đấu giá, đang trình Sở Tư pháp thành phố thẩm định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, thành phố sẽ quyết liệt xử lý, thu hồi các dự án “treo”, không để kéo dài tình trạng chậm tiến độ, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
“Tới đây thành phố sẽ đẩy nhanh việc chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, dịch vụ. Việc khai thác đất đai phải tuân theo thị trường, bán đấu giá các khu đất công, đồng thời tuân thủ việc giao đất làm dự án cho chủ đầu tư có năng lực và phù hợp với quy hoạch.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ vừa đề xuất Trung ương tháo gỡ khó khăn về bồi thường giải phóng mặt bằng, đồng thời sẽ thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quản lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước”, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định./.

Trần Xuân Tình/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/chan-chinh-cong-tac-quan-ly-va-su-dung-dat-tai-tp-ho-chi-minh/90250.html