Nhằm phát huy tối đa công suất và hiệu quả sử dụng quỹ nhà công

Để phát huy tối đa công suất và hiệu quả sử dụng tài sản công, đặc biệt là nhà quỹ nhà, đất và căn cứ theo những nội dung sửa đổi mới của Luật Thủ đô 2024, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định việc sử dụng tài sản công.

Nảy sinh bất cập trong quản lý, sử dụng

Thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà đất thuộc quyền sở hữu của Nhà nước do TP Hà Nội đại diện là chủ sở hữu được các cơ quan quản lý đặc biệt quan tâm, bởi quỹ nhà đất công trên địa bàn tương đối lớn, nhưng trong quá trình quản lý và sử dụng lại nảy sinh nhiều bất cập, vướng mắc.

Theo số liệu báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có 178.148m2 nhà và 155.156m2 đất ở 840 địa điểm, tập trung chủ yếu ở các quận nội đô: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (801 địa điểm) và đan xen sở hữu Nhà nước với sở hữu tư nhân, được giao cho các đơn vị, tổ chức kinh doanh quản lý, khai thác kinh doanh, chủ yếu sử dụng để cho thuê, nhưng hiệu quả kinh tế thấp không tương xứng với giá trị thực tế;

Đồng thời, trong quá trình này nhiều trường hợp vi phạm đã xảy ra, cần phải xử lý theo quy định của pháp luật, như: nhiều địa điểm mặc dù đã cho thuê nhưng lại không thiết lập hồ sơ quản lý hoặc thiết lập không đầy đủ dẫn tới việc thiếu minh bạch tài chính, nợ đọng gây thất thoát ngân sách; tranh chấp về diện tích cho thuê. Đáng nói, bên thuê còn tự ý cải tạo, cơi nới, xây dựng thêm diện tích sử dụng làm thay đổi thiết kế công trình. Nhiều địa điểm xuống cấp chưa được thực hiện cải tạo, sửa chữa; quỹ nhà đất trống chậm được triển khai đưa vào khai thác.

TP Hà Nội cần phải tăng cường công tác giám sát, đánh giá rủi ro và có kế hoạch phòng ngừa trong công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà đất công.

TP Hà Nội cần phải tăng cường công tác giám sát, đánh giá rủi ro và có kế hoạch phòng ngừa trong công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà đất công.

Quan ngại hơn là hầu hết những hợp đồng cho thuê đều đã hết thời hạn, nhưng công tác thiết lập lại hồ sơ còn chậm... Trong khi đó, theo rà soát của Đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội, số tiền nợ từ thuê nhà đất chuyên dùng trên địa bàn đã lên tới 1.200 tỷ đồng và có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây.

“Qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, lực lượng chức năng đã phát hiện và thiết lập hồ sơ xử lý tại 31 điểm nhà, đất chuyên dùng, nhưng đến thời điểm này mới thực hiện thu hồi được 5 điểm. Sở Xây dựng cũng đã phân loại và đề xuất phương án cụ thể đối với từng trường hợp vi phạm để báo cáo UBND TP” – đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay.

Làm sao để sử dụng hiệu quả?

Trong ngày khai mạc Kỳ họp lần thứ 19, HĐND TP Hà Nội khóa XVI (ngày 19/11), HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của TP vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (thực hiện điểm a, b khoản 4 điều 41 Luật Thủ đô 2024).

Nghị quyết nêu rõ: sử dụng tài sản đúng công năng, mục đích sử dụng của tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; không làm mất quyền sở hữu về tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao. Thực hiện theo cơ chế thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch; được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, không làm ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ công, chức năng, nhiệm vụ được giao của đơn vị; phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định của pháp luật; Nhà nước không cấp kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa đối với tài sản công này; nguồn kinh phí bảo trì trích từ nguồn thu kinh doanh; các đơn vị quản lý, khai thác có trách nhiệm lập đề án để báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định...

Liên quan đến vấn đề này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, công tác quản lý, khai thác và sử dụng tài sản nhà đất công không chỉ là vấn đề “nóng” của TP Hà Nội mà còn của cả nước, do xảy ra nhiều vi phạm: sử dụng sai mục đích, vi phạm trật tự xây dựng... đã xảy ra từ nhiều năm qua. Cùng với đó là những bất cập, chồng chéo trong việc phân cấp quản lý giữa các cơ quan chức năng.

“Với Nghị quyết vừa được HĐND TP thông qua, cho thấy sự đa dạng về hình thức khai thác, sử dụng quỹ nhà đất chuyên dùng. Đây được xem là một giải pháp có tính “tiên phong” của TP, nhưng khi đưa vào triển khai thực hiện cần phải tăng cường công tác giám sát, đánh giá rủi ro và có kế hoạch phòng ngừa, tránh việc chỉ quan tâm quản lý sau khi xảy ra sai phạm... để mang lại hiệu quả, tránh thất thoát, lãnh phí tài sản Nhà nước” – TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu ý kiến.

Cùng quan điểm, theo PGS.TS Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, việc TP Hà Nội chấn chỉnh lại công tác quản lý, sử dụng tài sản công nói chung, nhà đất công nói riêng là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay, bởi thời gian qua đã xảy ra nhiều bất cập trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng.

Doãn Thành

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nham-phat-huy-toi-da-cong-suat-va-hieu-qua-su-dung-quy-nha-cong.html