Chấn chỉnh dạy liên kết trong trường học
Thời gian qua, dư luận xã hội quan tâm tới việc nhiều trường đưa môn học/hoạt động GD liên kết với đơn vị ngoài vào giờ học chính khóa.
TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với Báo GD&TĐ về vấn đề này.
Chèn tiết liên kết vào giờ chính khóa là sai
- Phóng viên: Hoạt động dạy tăng cường, dạy liên kết (có thu tiền của phụ huynh) trong trường học đang được quản lý như thế nào, thưa ông?
- TS Thái Văn Tài: Để quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, tăng cường theo nhu cầu người học, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản để địa phương tổ chức thực hiện theo thẩm quyền quy định. Trong đó có Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/2/2014 về ban hành Quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT ngày 24/8/2018 về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ tin học...
Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 về quản lý trường mầm non và trường phổ thông công lập. Tại Khoản 2, Điều 6 của Nghị định này nêu rõ: “Cơ sở giáo dục được chủ động liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân và gia đình học sinh để tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định của pháp luật”.
Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 24 cũng quy định: Mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ sở giáo dục được thực hiện theo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương... Như vậy, hệ thống văn bản về quản lý hoạt động này đã có. Thực tế, nhiều địa phương đã tổ chức thực hiện bài bản, chặt chẽ và tạo hành lang pháp lý để nhà trường triển khai, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
- Thời gian học chính khóa ở các trường tiểu học là 7 tiết/ngày, nhưng nhiều đơn vị lại chèn giờ học liên kết/tăng cường vào giờ chính khóa và có thu phí. Ông đánh giá ra sao về thực trạng này?
- Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 bảo đảm định hướng khung thống nhất với những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc; đồng thời mở và trao quyền chủ động, trách nhiệm cho địa phương, nhà trường.
Đối với tiểu học, chương trình quy định tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. Để thực hiện, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH ngày 7/6/2021 về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường cấp tiểu học.
Theo đó, kế hoạch giáo dục của nhà trường phải thực hiện dạy học các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học tự chọn, đảm bảo tổng số tiết/năm học được quy định trong chương trình cấp tiểu học; bố trí thời khóa biểu thực hiện khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh; bảo đảm trẻ được học đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc của chương trình.
Ví dụ, buổi sáng 4 tiết thì kết thúc vào 10 giờ 30 phút; buổi chiều 3 tiết sẽ kết thúc vào khoảng 15 giờ 30 phút. Đây là những tiết chính khóa khi xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường trong khung giờ này.
Nhà trường phải thực hiện hết định mức giờ dạy của giáo viên hiện có để tổ chức dạy học các môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc, hoạt động tăng cường, củng cố giúp học sinh nắm vững kiến thức, tổ chức môn học tự chọn, hoạt động giáo dục trải nghiệm dưới hình thức tích hợp liên môn trong định mức giáo viên hiện có của nhà trường.
Khi đã thực hiện đủ định mức tiết dạy của giáo viên, nhà trường có trách nhiệm khảo sát, tổng hợp nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện để tổ chức hoạt động giáo dục dựa trên quy định do địa phương quản lý theo thẩm quyền như học tiếng Anh với người nước ngoài, tăng cường giáo dục nghệ thuật, câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm STEM...
Từ kết quả khảo sát, hiệu trưởng xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện phù hợp chương trình các môn học, hoạt động giáo dục và điều kiện cụ thể của nhà trường; tạo môi trường cho học sinh được trải nghiệm, vận dụng các kiến thức đã học, phát huy năng lực đạt được trong chương trình các môn học, hoạt động giáo dục vào thực tiễn.
Thời khóa biểu cho các hoạt động này cần được sắp xếp khoa học, phù hợp với nhu cầu của từng học sinh: Hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học lẫn tâm sinh lý lứa tuổi. Nhà trường không được gây quá tải, không ép học sinh tham gia, không được chèn lịch các hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ học chính khóa nếu trong lớp học có học sinh không có nhu cầu đăng ký tham gia.
Trường cần sắp xếp theo nhóm, linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tiễn, số lượng đăng ký của từng lớp để tạo điều kiện thuận lợi cho người học, nhưng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến học sinh khác.
Cần bám sát các quy định liên quan
- Ông nhìn nhận ra sao việc các trường tiểu học liên kết với đơn vị bên ngoài để dạy STEM, kỹ năng sống trong giờ chính khóa?
- Để thực hiện nội dung giáo dục STEM, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 909/BGDĐT-GDTH ngày 8/3/2023 về việc hướng dẫn thực hiện hoạt động giáo dục STEM đối với cấp tiểu học. Theo đó, hoạt động chủ yếu là thực hiện Bài học STEM được tích hợp vào các môn học chính khóa.
Ví dụ, giờ học môn Toán, thầy cô có nhiệm vụ thực hiện tích hợp liên môn theo hướng Bài học STEM để dạy cho học sinh dễ hiểu, dễ vận dụng và hào hứng hơn theo đúng tinh thần của Chương trình GDPT 2018. Đây là hoạt động chính khóa, là nhiệm vụ của nhà trường, giáo viên, đã được Bộ GD&ĐT hướng dẫn, tập huấn.
Còn hoạt động trải nghiệm STEM theo hình thức câu lạc bộ và theo nhu cầu người học. Thời khóa biểu cho hoạt động này cần được sắp xếp khoa học, phù hợp với nhu cầu của từng học sinh, hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học; không được gây quá tải, không được ép học sinh tham gia, không được chèn lịch các hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ học chính khóa…
- Văn bản quy định về hoạt động tăng cường ngoài giờ chính khóa được ban hành nhưng quá trình thực hiện vẫn có bất cập, gây bức xúc cho người dân. Để hoạt động này đi vào quy củ, theo ông cần giải pháp gì?
- Cho dù các văn bản quy định về nội dung liên quan được Bộ GD&ĐT ban hành, tuy nhiên trong quá trình triển khai tại cơ sở giáo dục, công tác quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa có nơi còn lúng túng.
Thậm chí, có hiện tượng buông lỏng quản lý hoặc chậm ban hành văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền trách nhiệm dẫn đến những băn khoăn, lo lắng và tạo dư luận xã hội không tốt về loại hình hoạt động giáo dục này. Do đó, hoạt động tăng cường ngoài giờ chính khóa cần được chấn chỉnh kịp thời đối với những nơi đang thực hiện chưa đúng các quy định.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành văn bản yêu cầu các sở GD&ĐT nghiêm túc báo cáo thực trạng quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục tăng cường, ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu của người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Qua đó, Bộ đánh giá đúng thực trạng, bổ sung văn bản chỉ đạo để thực hiện đúng và hiệu quả hoạt động này.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát Thông tư 04, nếu sau gần 10 năm triển khai có những nội dung không còn phù hợp, các đơn vị chức năng của Bộ có đánh giá và cần thiết sẽ bổ sung, sửa đổi.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các địa phương nghiên cứu Nghị định 24 của Chính phủ để nghiêm túc thực hiện nhằm quản lý và chấn chỉnh nhà trường trong hoạt động liên kết giáo dục. Bộ sẽ dựa trên báo cáo thực trạng quản lý, đề xuất của địa phương; dựa trên văn bản như Thông tư 04 và Nghị định 24 để có chỉ đạo hoặc chỉnh sửa/đề xuất chỉnh sửa quy định cho phù hợp hơn với thực tiễn.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được triển khai nhiều năm qua. Điều này được quy định tại nhiều luật và cụ thể hóa trong các nghị định của Chính phủ.
Trong đó, Luật Giáo dục 2019 quy định: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp trí tuệ, công sức, tài sản cho giáo dục… HĐND cấp tỉnh quy định khung học phí hoặc mức học phí và các khoản thu dịch vụ khác ngoài học phí (nếu có) đối với cơ sở giáo dục công lập.
Như vậy, nếu đơn vị liên kết có chức năng nhiệm vụ, được quản lý chặt chẽ theo thẩm quyền của các cấp, nội dung đáp ứng yêu cầu đặt ra thì đây chính là lực lượng đồng hành cùng nhà trường, ngành Giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh theo chủ trương xã hội hóa.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chan-chinh-day-lien-ket-trong-truong-hoc-post655687.html