Chấn chỉnh hoạt động bán hàng giả ở Kpop
KMCA và KIPO quyết định thực hiện 3 chiến dịch trấn áp hàng giả trong năm nay. Giới chuyên môn cho biết việc bán hàng bất hợp pháp là vấn đề nghiêm trọng ở Kpop.
“Hàng giả ở Kpop phải đối mặt với cuộc đàn áp gay gắt hơn” là tiêu đề bài viết đăng ngày 7/3 của The Korea Herald. Hiệp hội Nội dung Âm nhạc Hàn Quốc (KMCA) bắt tay với Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) để truy quét những kẻ bán hàng giả trực tuyến.
Hallyu ngày càng phổ biến trên toàn cầu, đồng nghĩa nhiều mặt hàng vi phạm nhãn hiệu thương mại và các quyền khác của các công ty giải trí đang được bày bán tràn lan trên Internet. Các mặt hàng vi phạm bản quyền thường gồm lightstick (gậy phát sáng), thẻ ảnh và quần áo.
Các công ty giải trí lớn như Hybe, SM Entertainment, JYP Entertainment và YG Entertainment đã đệ trình danh sách các quyền nhãn hiệu của họ để hỗ trợ Cơ quan Bảo vệ Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc giám sát hành vi vi phạm. Nếu các mặt hàng giả mạo được phát hiện, công ty giải trí sẽ kiểm tra để xác minh tính xác thực. Các bài đăng quảng cáo của người bán hàng bất hợp pháp sẽ bị gỡ xuống.
"Nhận thức được nhu cầu quản lý quyền sở hữu trí tuệ và giải quyết các hoạt động bất hợp pháp, chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ ngành công nghiệp giải trí địa phương", Choi Kwang Ho, tổng thư ký của KMCA, cho biết.
Cuộc đàn áp mới nhất là một phần trong nỗ lực không ngừng của KMCA và KIPO nhằm giải quyết nạn bán hàng giả. Họ đã tiến hành cuộc trấn áp đầu tiên vào cuối năm 2020 và có hành động đối với 8.000 trường hợp sai phạm.
“Sau các cuộc thảo luận về mức độ nghiêm trọng của các sai phạm, KMCA và KIPO quyết định tiếp tục chiến dịch trấn áp trong năm nay. Chúng tôi đang có kế hoạch tiến hành thêm 3 cuộc trấn áp quy mô lớn nữa”, Giám đốc phòng thí nghiệm luật và chính sách của KMCA, Kim Hyun Sook nói với The Korea Herald.
Theo Kim, một số lượng lớn các mặt hàng giả được bán trong khoảng thời gian diễn ra các concert của các nghệ sĩ tên tuổi. Nhưng người mua, hầu hết là khán giả trẻ, rất khó để phân biệt hàng giả với hàng thật.
Trước cuộc trấn áp mới nhất bắt đầu vào tháng 2, KIPO và KOIPA bắt đầu điều tra hoạt động bán hàng hóa bất hợp pháp trực tuyến diễn ra ở nước ngoài. Kim cho biết hành động chống lại những người bán hàng giả trên Internet phức tạp hơn việc trừng phạt những người bán trực tiếp.
“Việc bán hàng giả là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng rất khó để điều chỉnh. Bảo mật tất cả bằng chứng trên mạng không phải dễ dàng. Công ty giải trí phải trực tiếp đệ đơn kiện một người bán bất hợp pháp. Vì vậy các công ty thường nghĩ họ không thể thu lợi bằng cách làm như vậy”, Kim nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chan-chinh-hoat-dong-ban-hang-gia-o-kpop-post1300917.html