Chấn chỉnh thi công vỉa hè, bảo vệ cây xanh

Nhiều hàng cây xanh bên đường ở TP HCM dần biến mất do thi công vỉa hè, khiến không gian đô thị mất đi vẻ xanh mát, ảnh hưởng đến đời sống người dân

Dưới cái nắng gay gắt đầu tháng 4-2025, nhiều tuyến đường ở TP HCM trở nên trơ trụi, mất đi bóng mát quen thuộc do thi công vỉa hè. Cây xanh - vốn được xem là "phần hồn" của đô thị - đang bị tổn thương nghiêm trọng.

Cây xanh kêu cứu

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều khu vực ở trung tâm TP HCM cho thấy cảnh tượng lặp lại: cây cũ bị đốn hạ, cây mới còn yếu, đất đá và xà bần ngổn ngang. Dù có nơi đã trồng cây thay thế nhưng người dân vẫn lo ngại cách làm thiếu cẩn trọng sẽ tiếp tục "bức tử" cây xanh.

Tại đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) đoạn từ Công viên Tao Đàn đến Cung Văn hóa Lao Động, hàng cây từng rợp bóng giờ chỉ còn lác đác. Chiều 4-4, nhiều cây bị đốn hạ hoặc cắt tỉa để thi công, sau đó được thay bằng cây con.

Tuy nhiên, dưới cái nắng đầu hè gay gắt, cảnh đường phố vắng bóng cây lớn khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối. Ông Công Dũng, công nhân tại công trường, cho biết đã được nhắc nhở thi công cẩn trọng để hạn chế ảnh hưởng đến cây xanh: "Cây lâu năm quý lắm, không thể làm ẩu".

Người dân sống quanh khu vực xem việc hạ cây như một mất mát thật sự. Bà Phạm Hồng Nhung (SN 1966) chia sẻ: "Chiều nào tôi cũng đi bộ ở đây, những tán lim xẹt giúp người đi đường đỡ nóng. Giờ bị đốn hết, tôi buồn không tả được". Bà tha thiết mong đơn vị thi công có giải pháp hợp lý hơn để giữ lại cây xanh.

Không chỉ ở trung tâm thành phố, nhiều nơi khác cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Tại đường Hàn Hải Nguyên (quận 11), sau khi cải tạo vỉa hè, 29 cây xanh bị chặt hạ. Ông Nguyễn Ngọc Phước (SN 1960) bức xúc khi 2 cây lớn trước nhà bị mất: "Hai cây to mấy chục năm tuổi. Vậy mà vì thi công không cẩn thận, cả tuyến đường mất gần 30 cây".

Tại đường Trần Hưng Đạo (quận 5), việc nâng cấp vỉa hè khiến nhiều rễ cây bị phơi ra, một số cây bị nghiêng hoặc trồi gốc. Bà Phạm Thị Thanh (SN 1950) cho biết: "Chặt cây nhiều quá, toàn là cây lớn. Trồng mới thì biết bao giờ mới có bóng mát như cũ?".

Một cổ thụ bị đốn hạ khi thi công vỉa hè trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, TP HCM. Ảnh: CHÍ NGUYÊN

Một cổ thụ bị đốn hạ khi thi công vỉa hè trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, TP HCM. Ảnh: CHÍ NGUYÊN

Tương tự, trên đường Mạc Thiên Tích (quận 5), các rễ cây cũng bị lộ ra sau khi bóc gạch vỉa hè, nhiều cây lộ cả gốc rễ, gây mất thẩm mỹ và nguy hiểm cho người đi bộ. Người dân phản ánh tình trạng này kéo dài nhiều ngày nhưng chưa có biện pháp khắc phục.

Xử lý đơn vị thi công vi phạm

Theo Sở Giao thông Công chánh (GTCC) TP HCM, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật ghi nhận nhiều chủ đầu tư chưa nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn bảo vệ cây xanh khi thi công công trình. Đến cuối tháng 3-2025, có 58 tuyến đường thuộc các quận 1, 5, 6, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp và huyện Củ Chi đang thi công sửa chữa vỉa hè, ảnh hưởng đến an toàn cây xanh.

Quận 1 có 16 tuyến, quận 6 có 10 tuyến, quận 5 có 8 tuyến. Thống kê cho thấy có khoảng 2.140 cây xanh bị ảnh hưởng, trong đó tuyến đường Nguyễn Văn Luông (quận 6) có 260 cây bị ảnh hưởng, đường Trần Hưng Đạo (quận 5) có 185 cây bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khoảng 90 cây bị chặt hạ do bộ rễ bị xâm hại nghiêm trọng, bao gồm 3 cây loại 1, 57 cây loại 2 và 30 cây loại 3.

Từ đầu tháng 3-2025, Thanh tra Sở GTCC đã phối hợp với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật kiểm tra hiện trường, lập biên bản xử lý 2 trường hợp vi phạm và chuyển Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt theo quy định. Đại diện Sở GTCC cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo Thanh tra Sở GTCC phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý các vi phạm về bảo vệ cây xanh do chủ đầu tư và đơn vị thi công gây ra. Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra và thực hiện các biện pháp thay thế cây, cắt gọn cành, tán cây nhằm giảm thiểu rủi ro sự cố cây xanh, đặc biệt trong mùa mưa sắp tới.

Cây xanh mới trồng trên đường Hàn Hải Thuyên (quận 11, TP HCM) sau khi chặt hạ 29 cây lớn trên tuyến đường này. Ảnh: NGỌC QUÝ

Cây xanh mới trồng trên đường Hàn Hải Thuyên (quận 11, TP HCM) sau khi chặt hạ 29 cây lớn trên tuyến đường này. Ảnh: NGỌC QUÝ

UBND TP HCM cũng vừa có chỉ đạo chấn chỉnh việc thi công cải tạo, chỉnh trang các vỉa hè không để ảnh hưởng đến cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố. Theo đó, Chủ tịch UBND TP HCM giao Sở GTCC xem xét việc xử lý và trách nhiệm khắc phục hậu quả của các đơn vị liên quan khi thi công vỉa hè đã xâm hại đến hệ rễ 17 cây lim xẹt dẫn đến phải đốn hạ 8 cây, cắt gọn tán 9 cây trên địa bàn quận 1. Đồng thời chủ trì, phối hợp với UBND TP Thủ Đức, các quận - huyện và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, đề xuất biện pháp xử lý.

Liên quan vấn đề chỉnh trang vỉa hè làm ảnh hưởng đến cây xanh, Giám đốc Sở GTCC Trần Quang Lâm cho biết có tình trạng một số nhà thầu thi công không đúng quy định, sử dụng máy móc lớn, đào sâu, gây tác động tiêu cực đến cây xanh. Theo hướng dẫn hiện nay, việc thi công trên đường phố phải sử dụng biện pháp thủ công hoặc thiết bị nhỏ, phù hợp.

Trước thực trạng này, Sở GTCC đã phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, sở cũng yêu cầu quận, huyện tăng cường giám sát chủ đầu tư, đơn vị thi công nhằm hạn chế tối đa tình trạng xâm hại cây xanh.

Bên cạnh đó, văn bản hướng dẫn về thi công vỉa hè đã được ban hành, cùng với việc phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng tăng cường thanh tra để xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Tỉ lệ cây xanh rất thấp

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM, từ năm 2021 đến 2024, TP HCM đã phát triển được 24,92 ha/150 ha công viên công cộng (giai đoạn 2020-2025), tương ứng tỉ lệ diện tích cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố đến nay đạt 0,57 m2/người (đạt 17% kế hoạch) - thấp nhất trong các đô thị của cả nước. Tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn cây xanh đô thị đặc biệt khoảng 15 m²/người theo TCVN 9257:2012.

H.Nghi

Rút kinh nghiệm phối hợp

Liên quan việc thi công vỉa hè trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, kỹ sư cầu đường Trần Văn Tường cho biết việc chặt hạ 17 cây lim xẹt ở quận 1 là một tổn thất lớn đối với không gian xanh đô thị. "Ai đi qua cũng không khỏi xót xa. Những cây này đã tạo bóng mát trong thời gian dài và bây giờ, việc tái trồng cây sẽ mất rất nhiều thời gian để phát triển thành tán lá, bóng mát. Hiện không có sự đồng bộ trên một tuyến đường, có cây lớn, cây nhỏ" - ông Tường chia sẻ.

Kỹ sư Trần Văn Tường cũng cho rằng để bảo vệ cây xanh, việc chuẩn bị trước khi thi công là hết sức quan trọng. Mỗi công trình phải có hồ sơ thiết kế được duyệt kỹ càng, trong đó có biện pháp thi công chi tiết để không ảnh hưởng đến cây xanh. Các bên liên quan, bao gồm chủ đầu tư, đơn vị giám sát và đơn vị thi công, cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện. "Để tránh rủi ro, các bên cần phối hợp chặt chẽ, tuân thủ đúng quy trình và biện pháp thi công. Nếu làm tốt khâu này, việc bảo vệ cây xanh sẽ không quá khó khăn" - ông khẳng định. Mặc dù sự việc đã xảy ra, ông Tường cho rằng bài học từ vụ việc này cần được rút ra để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cây xanh trong các dự án thi công vỉa hè sắp tới, bảo đảm sự phát triển bền vững cho không gian đô thị.

Nhóm phóng viên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chan-chinh-thi-cong-via-he-bao-ve-cay-xanh-196250404212720298.htm