Chần chừ sinh con vì lương thấp, chưa mua được nhà ở TP.HCM

Những áp lực công việc, gánh nặng kinh tế, mức sống đắt đỏ bủa vây người trẻ ở những thành phố lớn, khiến họ chọn sinh ít hoặc không vội sinh con.

 Có nhiều nguyên nhân khiến người trẻ ngại kết hôn, sinh ít hoặc lựa chọn không sinh con. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Có nhiều nguyên nhân khiến người trẻ ngại kết hôn, sinh ít hoặc lựa chọn không sinh con. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Ca làm việc kéo dài hơn 10 giờ liên tục tại công ty khiến Trần Hoàng Thúy (31 tuổi, ngụ TP.HCM) mệt rã rời. Trở về phòng trọ, cô ăn tối, vệ sinh cá nhân rồi tiếp tục ngồi vào bàn làm việc đến 22h mới đi ngủ.

Công việc cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày, có hôm xong việc sớm, Thúy mới dành chút thời gian ít ỏi để tập thể dục hoặc đi lòng vòng ngắm đường phố.

Chia sẻ với Tri thức - Znews, Thúy cho biết do đặc thù công việc làm trong ngành logistics nên mỗi khi có đơn hàng thường phải tăng ca để kịp tiến độ. Mặt khác, cô mong muốn phát triển hơn trong sự nghiệp, ổn định tài chính nên chưa nghĩ đến việc lập gia đình và sinh con.

"Mỗi lần về quê, ba mẹ hay giục tôi kết hôn và có con vì lo sợ lớn tuổi sẽ khó đẻ, nếu không đẻ thì về già không ai chăm sóc. Tuy nhiên, nếu chưa có khả năng lo cho con, tôi lo sinh ra con sẽ khổ hơn", Thúy cho biết.

Gánh nặng kinh tế, cách nuôi dạy con

Yến Nhi (29 tuổi, nhân viên văn phòng) và bạn trai đã yêu được 4 năm nhưng vẫn phân vân việc tiến đến hôn nhân. Lương của Nhi ở mức 12 triệu đồng/tháng, vừa đủ chi tiêu cho cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, cả cô và bạn trai đều chưa mua được nhà, chưa kể khoản phí "khổng lồ" khi kết hôn, mang thai, sinh con và nuôi con.

Đặng Quý Thành, 29 tuổi, từ quê đến TP.HCM được gần 10 năm, nhưng đối với anh, việc thích nghi được với chi phí đắt đỏ của thành phố này chưa bao giờ dễ dàng.

"Mất 7 năm làm việc quên ăn quên ngủ mới tạm có chỗ đứng, mức thu nhập khoảng 25 triệu đồng/tháng. Trong độ tuổi "chín" của sự nghiệp, tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền, phát triển nghề nghiệp", Thành chia sẻ.

 Anh Đặng Quý Thành chần chừ kết hôn, sinh con vì sợ không nuôi dạy con tốt. Ảnh: NVCC.

Anh Đặng Quý Thành chần chừ kết hôn, sinh con vì sợ không nuôi dạy con tốt. Ảnh: NVCC.

Nếu kết hôn, Thành mong muốn tìm được người bạn đời có mức thu nhập bằng hoặc chênh lệch không quá lớn với anh, khi đó mới dám nghĩ đến chuyện có con. Anh tính toán chi phí để chuẩn bị trước, trong và sau khi sinh con sẽ rơi vào khoảng 200 triệu đồng, chưa tính có vấn đề phát sinh.

"Những cạm bẫy, rủi ro có thể xảy ra với trẻ như tai nạn, bắt cóc, bắt nạt, bạo hành, lạm dụng tình dục, hư hỏng, nghiện ngập... khiến tôi chưa đủ tự tin đủ khả năng nuôi dạy và bảo vệ con", chàng trai 29 tuổi nói.

Khác với Yến Nhi và Quý Thành, vợ chồng anh Bùi Đức Thành, 35 tuổi, sống tại TP.HCM, đã có một con trai, nhưng chần chừ sinh thêm em bé thứ 2. Nhiều nguyên nhân khiến vợ chồng anh Thành băn khoăn, trong đó rào cản lớn nhất là việc bất đồng trong quan điểm dạy con.

Thêm nữa, gánh nặng kinh tế cũng là một mối lo lớn. Mỗi tháng, anh Thành chi khoảng 10 triệu đồng cho tiền học của con. Do ở quận đông đúc nhất của thành phố, trường tiểu học công lập có sỉ số mỗi lớp lên đến 50 em, anh Thành chọn trường tư để có môi trường học tập tốt cho con.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dân số trung bình của Viêt Nam năm 2023 ước tính 100,3 triệu người.

Tổng tỷ suất sinh năm 2023 của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, giảm so với năm ngoái (2,01 con) và dưới kế hoạch mức sinh thay thế 2,1 con. Hai khu vực đáng báo động vì mức sinh thấp và có xu hướng tiếp tục xuống sâu là vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, khoảng 1,5 con/phụ nữ. Trong đó, mức sinh của TP HCM là 1,32 con/phụ nữ, thấp nhất cả nước.

Người trẻ có nhiều hoài bão, quên việc xây dựng gia đình

Trao đổi với Tri thức - Znews, Tiến sĩ Xã hội học, chuyên gia tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy, cho biết trong quá trình tiếp xúc, tham gia các diễn đàn trẻ, đối tượng gặp về đề kết hôn, ngại sinh con thường là học sinh, sinh viên, người mới đi làm. Họ thuộc tầng lớp trí thức của xã hội, thậm chí có nhiều người mức thu nhập cao.

Theo bà Thúy, có nhiều nguyên nhân khiến người trẻ ngại kết hôn, sinh ít hoặc lựa chọn không sinh con. Đầu tiên phải nói đến người trẻ hiện nay có nhiều ước mơ, có nhu cầu học tập và phấn đấu cho tương lai, sự nghiệp, rất bận nên không có thời gian để nghĩ đến việc kết hôn và xu hướng này đang gia tăng.

 Yêu nhau 5 năm, cưới nhau gần một năm nhưng đôi bạn trẻ chưa có ý định sinh con do muốn chuẩn bị vững chắc tài chính. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Yêu nhau 5 năm, cưới nhau gần một năm nhưng đôi bạn trẻ chưa có ý định sinh con do muốn chuẩn bị vững chắc tài chính. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Tiếp đến là xu hướng quan hệ tình dục sớm ở người trẻ. Việc quan hệ tình dục thường có hai chức năng, giải tỏa sinh lý và duy trì nòi giống. Tình dục hiện nay của giới trẻ quá dễ dàng, thậm chí rất dễ sống chung trước khi kết hôn.

"Do nhu cầu sinh lý đã được giải tỏa, đồng thời họ chưa muốn có con nên không còn ràng buộc chuyện kết hôn", TS Thúy chia sẻ.

Bên cạnh đó, người trẻ ở các thành phố lớn thấy việc kết hôn và sinh con quá áp lực, phải có nhà, có tiền. Xu hướng của người trẻ là muốn ít con, dành những gì tốt nhất cho con nhưng bối cảnh xã hội hiện nay cực kỳ khó khăn cho việc mang bầu, sinh con, nuôi con, sau này cho con đi học.

Đặc biệt những người trẻ có trình độ học vấn cao, có vị trí xã hội, thu nhập cao thì họ lại muốn con học những nơi tốt nhất mà những nơi đó chi phí không hề ít. Do đó, họ trì hoãn việc sinh con hoặc sinh rất ít con.

TS Phạm Thị Thúy cho rằng thành phố cần đầu tư thêm trường học cho trẻ từ mầm non đến bậc THPT. Nếu thành phố không mở thêm trường mầm non, để mọi đứa trẻ được đến trường với chi phí thấp thì xu hướng sinh giảm vẫn sẽ tiếp tục. Bởi không ai muốn sinh con trong điều kiện khó tìm chỗ học.

"Đây là trách nhiệm của thành phố và chính quyền, cần có những sự đầu tư mạnh tay vào giáo dục và y tế. Một thành phố phát triển như TP.HCM vẫn còn thiếu trường ở các cấp, thì chưa thể nói đến các chính sách khuyến sinh khác", TS Thúy nhấn mạnh.

Song song đó, thành phố cần đầu tư vào những cơ sở y tế liên quan đến thăm khám thai sản, sinh nở, nhi... làm sao để người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế với mức chi phí thấp. Theo quan sát của TS Phạm Thị Thúy, chi phí sinh con ở các bệnh viện, kể cả công lập, trên địa bàn thành phố vẫn còn cao. Đây là mối bận tâm của nhiều người trẻ, khiến họ chần chừ việc sinh con.

Ngoài những vấn đề trên, trong xã hội hiện nay xuất hiện một bộ phận không nhỏ và có xu hướng tăng lên là nhóm người trẻ muốn hưởng thụ cuộc sống tự do, không nghĩ nhiều đến trách nhiệm xã hội miễn sao mình hạnh phúc là được. Nhóm người trẻ này thường đưa ra lý do "sợ nuôi dạy con không tốt nên không sinh".

"Nếu ai cũng nghĩ cho bản thân, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nhân lực trong tương lai và sự phát triển của đất nước", TS Thúy nói.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chan-chu-sinh-con-vi-luong-thap-chua-mua-duoc-nha-o-tphcm-post1486651.html