Chấn động toàn cầu, cuộc giải cứu 600 ngàn người chưa từng có
Cuộc giải cứu chưa từng có với khoảng 600 ngàn người đang ở nước ngoài. Trong đó nhiều người đang ở nơi xa xôi như Châu Phi... không có phòng nghỉ, máy bay để về nước
Nước Anh buộc phải thực hiện một chiến dịch hồi hương lớn nhất trong lịch sử thời bình của quốc gia này.
Tuyên bố phá sản của Thomas Cook ngay lập tức ảnh hưởng hoạt động đi lại của khoảng 150 ngàn khách hàng. Nhiều du khách đã bị kẹt nhiều giờ đồng hồ tại các sân bay. Thomas Cook sẽ hợp tác với chính quyền để đưa số lượng khách khổng lồ này về nước trong nửa tháng tới.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự đóng cửa bất ngờ của Thomas Cook có thể châm ngòi cho sự hỗn loạn trên khắp thế giới với những du khách bị mắc kẹt trong các khách sạn chưa được thanh toán ở những địa điểm xa xôi như Goa, Gambia và Hy Lạp. Về lâu dài, nó có thể ảnh hưởng ngành du lịch tại các điểm đến lớn nhất của công ty như Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ…
Tất cả chuyến bay của Thomas Cook đều đã bị hủy. Các máy bay của Thomas Cook đã bị chuyển khỏi chỗ đậu trong sân bay. Một số phi cơ bị bỏ, các nhân viên cũng đăng hình ảnh cho thấy họ đang đi trên các chuyến bay cuối cùng.
Khách hàng được khuyến cáo không tới sân bay cho tới khi họ nhận được thông báo qua trang web thomascook.caa.co.uk rằng họ đã được chuyển sang một chuyến bay khác để trở về do chính phủ sắp xếp.
Chủ tịch Thomas Cook Peter Fankhauser đã phát thông báo xin lỗi khách hàng, nhân viên và đối tác về việc công ty đóng cửa.
"Tôi muốn gửi lời xin lỗi hàng triệu khách hàng, hàng ngàn nhân viên, nhà cung cấp và đối tác, những người đã hỗ trợ chúng tôi trong nhiều năm qua. Đây là việc vô cùng đáng tiếc đối với tôi cũng như HĐQT vì chúng tôi đã không thành công", Fankhauser nói.
Công ty du lịch có tuổi đời 178 năm Thomas Cook đã buộc phải tuyên bố phá sản hôm 23/9 sau khi tuyên bố lún sâu vào những khoản thua lỗ, nợ nần lên tới nhiều tỷ USD và doanh nghiệp này không có phương hướng giải quyết trong bối cảnh chi phí thuê các đại lý ở nhiều thành phố đắt đỏ trên thế giới, trong khi khả năng cạnh tranh ngày càng yếu đi trước các công ty du lịch trực tuyến đang nở rộ.
Thomas Cook là một thương hiệu du lịch lớn của nước Anh. Hãng này sở hữu 200 khách sạn phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng từ giới siêu giàu cho đến tầng lớp bình dân. Doanh nghiệp này cũng sở hữu đội bay hơn 100 chiếc mang thương hiệu Thomas Cook và Condor.
Thomas Cook được thành lập vào năm 1841 tại Anh, hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, khu nghỉ dưỡng, hàng không và du thuyền. Doanh nghiệp này phục vụ 19 triệu khách mỗi năm tại 16 quốc gia trên thế giới với doanh thu khoảng 9 tỷ bảng Anh. Thomas Cook phá sản khiến 22 ngàn nhân công trên toàn thế giới, trong đó có 9 ngàn nhân công ở Anh, rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Trong lịch sử hoạt động của mình, Thomas Cook tạo ra nhiều dấu ấn khó quên như tour du lịch vòng quanh thế giới đầu tiên diễn ra trong vòng 200 ngày hồi năm 1872, hay chuyến du lịch khứ hồi bằng tàu hỏa từ thành phố Leicester đến Loughborough với số lượng 500 khách.
Cũng nhờ sự phát triển thần tốc của Thomas Cook, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia, lãnh thổ.
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, Thomas Cook gặp rất nhiều khó khăn do sự cạnh tranh đến từ các công ty du lịch trực tuyến và những tác động tiêu cực từ kế hoạch nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Trong nửa đầu 2019, Thomas Cook tuyên bố thua lỗ 1,5 tỷ bảng Anh. Giá cổ phiếu rơi tự do xuống mức chỉ còn vài xu.
Thomas Cook tuyên bố phá sản khi mà không còn cách cứu vãn trong cuộc họp kéo dài vào cuối tuần qua, các thương vụ gọi vốn gần đây đều thất bại, trong khi đề nghị hỗ trợ của Chính phủ Anh cũng không thành.
Hồi tháng 8, Tập đoàn Fosun của Trung Quốc, cổ đông lớn nhất trong Thomas Cook, đồng ý gói cứu trợ 900 triệu bảng. Tuy nhiên, các ngân hàng cho Thomas Cook vay gần đây yêu cầu thêm 200 triệu bảng để đề phòng trường hợp khẩn cấp. Thomas Cook đã liên lạc với nhiều nhà đầu tư nhưng không đạt được thỏa thuận để cứu công ty.
H. Tú(Tổng hợp)