Chân dung 'đại gia' Vũ Văn Tiền vừa thưởng ô tô tiền tỷ cho cầu thủ Nguyễn Xuân Son

Ngày 8/1, ông Vũ Văn Tiền, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Geleximco, cùng Ban Giám đốc Omoda & Jaecoo Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và thăm hỏi tiền đạo Nguyễn Xuân Son, người hùng của bóng đá Việt Nam tại AFF Cup 2024.

Món quà đặc biệt cho Xuân Son: Jaecoo J7 PHEV trị giá tiền tỷ

Trên trang fanpage chính thức, Omoda & Jaecoo Việt Nam đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Nguyễn Xuân Son, người đã để lại ấn tượng sâu sắc nhờ những màn trình diễn đỉnh cao và tinh thần thi đấu đầy cống hiến. Để vinh danh hành trình đáng nhớ của anh, liên doanh giữa Geleximco và Tập đoàn Chery đã trao tặng tiền đạo này chiếc xe Jaecoo J7 PHEV – một mẫu SUV hybrid cắm sạc dự kiến ra mắt thị trường Việt Nam vào ngày 15/1/2025.

Liên doanh ô tô giữa Tập đoàn Geleximco và Tập đoàn Chery đã trao tặng Xuân Son chiếc xe Jaecoo J7 PHEV.

Liên doanh ô tô giữa Tập đoàn Geleximco và Tập đoàn Chery đã trao tặng Xuân Son chiếc xe Jaecoo J7 PHEV.

Jaecoo J7 PHEV được đánh giá là một dòng xe tiên tiến, với mức giá ước tính khoảng 1 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ tạo dấu ấn lớn trong phân khúc xe hybrid tại Việt Nam.

Tại giải đấu AFF Cup 2024, đội tuyển Việt Nam đã xuất sắc giành chức vô địch, với sự đóng góp nổi bật của Nguyễn Xuân Son. Tiền đạo đang khoác áo CLB Thép Xanh Nam Định không chỉ ghi được 7 bàn thắng, mà còn trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên giành danh hiệu "Vua phá lưới" trong lịch sử giải đấu.

Dù đã thi đấu thăng hoa trong suốt mùa giải, Xuân Son không may gặp phải chấn thương nghiêm trọng trong trận chung kết lượt về và phải nhập viện điều trị.

Món quà đặc biệt từ Geleximco và Omoda & Jaecoo không chỉ là sự ghi nhận cho những cống hiến của anh mà còn là lời động viên, tiếp thêm sức mạnh để cầu thủ này sớm trở lại sân cỏ.

Chân dung doanh nhân Vũ Văn Tiền: Người sáng lập và dẫn dắt Geleximco

Ông Vũ Văn Tiền, thường được biết đến với biệt danh "Tiền còi," sinh ngày 10/5/1959 tại vùng quê thuần nông Tiền Hải, Thái Bình. Xuất phát từ một gia đình nông dân, ông đã vươn lên trở thành một trong những doanh nhân thành công hàng đầu Việt Nam. Ông Tiền không chỉ là Kỹ sư tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự mà còn là Cử nhân kinh tế từ Đại học Kinh tế Quốc dân.

Năm 1986, ông bắt đầu làm việc tại Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp. Tuy nhiên, với tinh thần dám nghĩ dám làm, ông quyết định từ bỏ công việc ổn định vào năm 1992 để theo đuổi con đường kinh doanh riêng.

Đầu năm 1993, ông thành lập Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, nay là Tập đoàn Geleximco. Công ty nhanh chóng được Bộ Thương mại giao nhiệm vụ xuất nhập khẩu trực tiếp, với sự chấp thuận từ Thủ tướng Chính phủ. Ban đầu, hoạt động kinh doanh tập trung vào hàng tiêu dùng và tư liệu sản xuất từ Nga và Đông Âu. Sau đó, ông Tiền định hướng Geleximco chuyển sang mô hình phát triển đa ngành, ưu tiên sản xuất công nghiệp.

Dưới sự lãnh đạo của ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc, Geleximco đã phát triển thành một tập đoàn kinh tế lớn mạnh, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính: sản xuất công nghiệp, bất động sản, tài chính ngân hàng, và thương mại dịch vụ.

Về sản xuất công nghiệp, Geleximco sở hữu những dự án lớn như: Nhà máy sản xuất bột giấy và giấy An Hòa tại Tuyên Quang, với tổng vốn đầu tư 450 triệu USD; Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (Quảng Ninh) với công suất 620 MW và vốn đầu tư lên tới 900 triệu USD.

Về bất động sản, Tập đoàn đã triển khai các dự án đô thị nổi bật, bao gồm: Khu đô thị Gelexia Riverside, khu đô thị Lê Trọng Tấn (Hà Nội); Khu đô thị sinh thái Trung Minh Geleximco tại Hòa Bình, với diện tích hơn 166 ha và tổng mức đầu tư trên 175 triệu USD.

Về tài chính – Ngân hàng, Geleximco gắn liền với tên tuổi Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), nơi ông Tiền hiện giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT, và CTCP Chứng khoán An Bình.

Về thương mại – Dịch vụ, Tập đoàn đầu tư vào các dịch vụ cao cấp như sân golf Geleximco Hòa Bình – Hilltop Valley Golf Club và Khách sạn Thái Bình Dream

Trong lĩnh vực ô tô, Geleximco đã liên doanh với Tập đoàn Chery (Trung Quốc) để thành lập Omoda & Jaecoo Việt Nam. Dự án này bao gồm việc xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô tại Thái Bình, trị giá hơn 800 triệu USD, với công suất 200.000 xe mỗi năm.

Trước đó, Geleximco cũng từng hợp tác với các đối tác Nhật Bản và Thái Lan để thành lập Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam (VAP) và xây dựng nhà máy sản xuất phụ tùng Honda tại Hưng Yên với vốn đầu tư 90 triệu USD.

Tập đoàn Geleximco làm ăn thế nào?

Kết thúc năm 2023, Tập đoàn Geleximco ghi nhận vốn chủ sở hữu gần 12.295 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm trước, cùng mức lợi nhuận sau thuế đạt 73,8 tỷ đồng, tăng 12%. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) theo đó tăng nhẹ từ 0,57% lên 0,6%.

Dù lợi nhuận cải thiện so với năm 2022, con số này vẫn giảm sâu so với mức kỷ lục 488 tỷ đồng mà doanh nghiệp từng đạt được vào năm 2021.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Geleximco đạt gần 30.100 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm khoảng một nửa, đạt 18.688 tỷ đồng, tương đương 1,52 lần vốn chủ sở hữu, tăng 13,5% so với cuối năm 2022.

Dư nợ trái phiếu của tập đoàn giảm mạnh, còn 1.230 tỷ đồng, tương đương 0,1 lần vốn chủ sở hữu, giảm tới 57% so với năm trước.

Năm 2023, Geleximco chi 2.254 tỷ đồng để thanh toán lãi và gốc cho 4 lô trái phiếu, đồng thời thực hiện 24 lần mua lại trước hạn đối với hai mã trái phiếu GLXCH2123001 và GLXCH2123003. Đầu năm 2024, doanh nghiệp tiếp tục mua lại 11,6 tỷ đồng mã GLXCH2124002, đưa khối lượng lưu hành lô này xuống còn 968 tỷ đồng.

Nhị Hà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/chan-dung-dai-gia-vu-van-tien-vua-thuong-o-to-tien-ty-cho-cau-thu-nguyen-xuan-son-134357.html