Chân dung tân thủ tướng trẻ nhất châu Á

Bà Paetongtarn Shinawatra được bầu làm thủ tướng thứ 31 của Thái Lan hôm 16/8, trở thành người đứng đầu chính phủ trẻ nhất châu Á ở tuổi 37.

Ngày 16/8, Hạ viện Thái Lan đã bầu lãnh đạo đảng Pheu Thai - bà Paetongtarn Shinawatra - làm thủ tướng thứ 31, với 319 phiếu thuận, 145 phiếu chống và 27 phiếu trắng.

Bangkok Post đưa tin Sorawong Thiengthong - Tổng thư ký Pheu Thai - đã thông báo đề cử bà Paetongtarn làm ứng viên thủ tướng duy nhất, sau khi Chủ tịch Quốc hội Wan Muhamad Noor Matha bắt đầu cuộc họp lúc 10h.

Ở tuổi 37, bà Paetongtarn trở thành nữ thủ tướng thứ 2 và thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Thái Lan, đồng thời là người đứng đầu chính phủ trẻ nhất châu Á.

Bà là thành viên thứ 3 trong gia đình Shinawatra giữ chức vụ này, sau người cha Thaksin và người cô Yingluck. Cả ông Thaksin và em gái Yingluck đều sống lưu vong sau khi bị lật đổ trong các cuộc đảo chính quân sự.

Em rể của ông Thaksin - Somchai Wongsawat - cũng đảm nhiệm vai trò này trong một thời gian ngắn vào năm 2008.

Dưới bóng người cha quyền lực

Bà Paetongtarn lên nắm quyền sau khi Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm cựu Thủ tướng Srettha Thavisin hôm 14/4.

Việc bà Paetongtarn nhận được đề cử gây bất ngờ bởi cùng ngày 14/4, liên minh cầm quyền nhất trí chọn ông Chaikasem Nitisiri - cựu ứng viên thủ tướng của Pheu Thai trong các cuộc tổng tuyển cử năm 2019 và 2023. Sau đó một ngày, một cuộc họp của các nghị sĩ đảng Pheu Thai quyết định đưa bà Paetongtarn thay thế.

Trong cuộc họp báo, bà Paetongtarn chia sẻ mình đề nghị tranh cử làm thủ tướng và cha bà đã ủng hộ.

ThaiPBS nhận định bà Paetongtarn dường như là lựa chọn tốt nhất của Pheu Thai, dù không phải là ứng viên mạnh nhất trong liên minh. Các nhà lãnh đạo khác trong liên minh dày dạn kinh nghiệm chính trị hơn và có danh sách các bộ trưởng tiềm năng.

Theo Nikkei Asia, là người sáng lập Pheu Thai và là một trong những người quyền lực nhất Thái Lan, ông Thaksin chắc chắn sẽ duy trì ảnh hưởng lớn lên chính quyền sắp tới của con gái út.

Mặc dù bản án về tội tham nhũng của ông được giảm nhẹ và sắp kết thúc vào ngày 22/8, giới bảo thủ vẫn giữ một số lợi thế nhất định để ngăn ông Thaksin gây ảnh hưởng quá lộ liễu tới chính trường Thái Lan.

“Nhiều người tin rằng ông Thaksin vẫn muốn quay lại chức thủ tướng”, giáo sư Duncan McCargo từ Đại học Công nghệ Nanyang cho hay. “Ông Thaksin từng ủy nhiệm cho một số người, nhưng không ai đáp ứng được kỳ vọng. Với Ung Ing (biệt danh của bà Paetongtarn), sẽ không cần phải thỏa hiệp hay thương lượng gì cả. Ông ấy sẽ coi con gái là một kênh trực tiếp dẫn tới quyền lực”.

 Khi ông Srettha còn nắm quyền, truyền thông địa phương đôi khi gọi bà Paetongtarn là “thủ tướng thực sự”. Ảnh: Bangkok Post.

Khi ông Srettha còn nắm quyền, truyền thông địa phương đôi khi gọi bà Paetongtarn là “thủ tướng thực sự”. Ảnh: Bangkok Post.

Vào ngày 19/8, bằng chứng và nhân chứng sẽ được xem xét trong vụ truy tố tội khi quân của ông Thaksin. Điều này có thể tạo cơ hội cho bà Paetongtarn xác định nhiệm kỳ của riêng mình, mặc dù vị tân thủ tướng dường như không ngại nhận lời khuyên từ cha.

“Tôi và ông Thaksin có mối quan hệ trên nhiều phương diện, từ chính trị tới gia đình. Chúng tôi trò chuyện về mọi thứ”, bà chia sẻ hồi tháng 1.

Những người trong đảng tiết lộ bà được bầu làm lãnh đạo đảng Pheu Thai hồi tháng 10/2023, nhưng cũng chật vật để thể hiện dấu ấn cá nhân trong bối cảnh người cha có ảnh hưởng quá lớn. Cùng với ông Srettha, bà Paetongtarn, người có tư tưởng tiến bộ xã hội, đã thúc đẩy bình đẳng hôn nhân vào chương trình nghị sự của Pheu Thai.

Có thông tin bà từng tranh luận với ông Thaksin để ủng hộ liên minh với Tiến bước - đảng bất ngờ giành chiến thắng trước Pheu Thai trong cuộc bầu cử hồi tháng 5/2023. Pheu Thai cuối cùng không đi theo con đường này, sau khi các đảng bảo thủ và thượng nghị sĩ chặn không cho lãnh đạo đảng Tiến bước Pita Limjaroenrat làm thủ tướng.

Ngày 7/8, ông Pita bị cấm tham gia chính trường trong 10 năm, nhưng vẫn giành được sự ủng hộ 45,5% của người dân. Trong khi đó, bà Paetongtarn chỉ nhận được 4,85% trong cùng cuộc thăm dò hồi tháng 6 của Viện Quản lý Phát triển Quốc gia.

Một chính trị gia bẩm sinh

Bà Paetongtarn sinh ra tại Mỹ vào ngày 21/8/1986, là con thứ ba và con út của ông Thaksin và vợ cũ Potjaman Na Pombejra. Bà Paetongtarn mới 20 tuổi khi cha bị phế truất vào năm 2006, và 22 tuổi khi ông lưu vong 15 năm để tránh các cáo buộc tham nhũng.

Trên con đường vận động tranh cử, bà Paetongtarn đã chứng minh mình là một chính trị gia khéo léo, bẩm sinh. Bà trở thành nhân vật tích cực trong đảng từ đầu năm 2022 và nhanh chóng chiếm được cảm tình của cử tri Pheu Thai vì có nhiều điểm giống với ông Thaksin: Phong cách giản dị và khả năng cô đọng các chính sách kinh tế thành ngôn từ dễ hiểu.

Là lãnh đạo Pheu Thai, vị tân thủ tướng đã xuất hiện trong nhiều cuộc họp của ông Srettha với liên minh 11 đảng cầm quyền. Truyền thông địa phương đôi khi gọi bà Paetongtarn là “thủ tướng thực sự”, mặc dù bà khẳng định ông Srettha là người quyết định mọi việc theo lời khuyên của bà và liên minh.

Bà Paetongtarn bắt đầu hiện diện nhiều hơn trên trường quốc tế từ đầu năm 2024. Hồi tháng 6, bà tháp tùng Bộ trưởng Ngoại giao Maris Sangiampongsa đến cuộc họp của BRICS ở Nga, khi Thái Lan chính thức nộp đơn xin gia nhập khối các nền kinh tế mới nổi lớn. Bà gọi cựu Thủ tướng Hun Sen - một người bạn thân của ông Thaksin - là "người chú yêu quý" trong lá thư sau chuyến thăm chính thức tới Campuchia.

Hồi tháng 3, bà Paetongtarn tham gia một khóa học tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia. Dù với mục đích hướng dẫn các nhà lãnh đạo trẻ về an ninh quốc gia Thái Lan, đây cũng là một diễn đàn để các chính trị gia kết nối với quan chức quân sự cấp cao.

 Bà Paetongtarn nhanh chóng chiếm được cảm tình của cử tri Pheu Thai vì có nhiều điểm giống với ông Thaksin. Ảnh: Nikkei Asia.

Bà Paetongtarn nhanh chóng chiếm được cảm tình của cử tri Pheu Thai vì có nhiều điểm giống với ông Thaksin. Ảnh: Nikkei Asia.

Vị tân thủ tướng tốt nghiệp khoa Khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn và nhận bằng thạc sĩ Quản lý khách sạn tại Vương quốc Anh. Bà kết hôn với phi công Pitaka Suksawat vào năm 2019. Ông Pitaka hiện làm việc cho Rende Development, một nhánh thuộc công ty bất động sản của gia đình Shinawatra, bao gồm Khách sạn Rosewood năm sao ở Bangkok.

Trước khi tham gia chính trường, bà Paetongtarn là cổ đông lớn của tập đoàn bất động sản SC Asset Corporation và là giám đốc của Thaicom Foundation. Bà nắm giữ cổ phiếu trị giá hơn 4,3 tỷ baht tại hơn 20 công ty trong các lĩnh vực bất động sản, viễn thông và truyền thông.

Với tư cách là thủ tướng, bà Paetongtarn sẽ phải thoái vốn khỏi SC Asset.

Hai người con nhỏ - một bé gái 3 tuổi và một bé trai một tuổi - cũng khiến tân thủ tướng khác biệt so với các nhà lãnh đạo chủ yếu là nam giới và lớn tuổi ở Đông Nam Á. Hai bé thường xuyên xuất hiện trên Instagram có 676.000 người theo dõi của bà, nơi ghi lại những chuyến du lịch xa hoa và quần áo hàng hiệu của tân thủ tướng.

"Là một người mẹ, tôi hy vọng một ngày nào đó bọn trẻ sẽ tự hào về tôi, cũng giống như tôi rất tự hào về bố và cô của mình", bà Paetongtarn chia sẻ hồi tháng 1.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/chan-dung-tan-thu-tuong-tre-nhat-chau-a-post1492412.html