'Chân kiềng' tạo tăng trưởng kinh tế
Dù chưa có con số cuối cùng về tăng trưởng kinh tế năm 2022, nhưng hiện tại đã có nhiều nhận định tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam sẽ tăng khá cao và chắc chắn cao hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch. Đóng góp vào thành công đó là 3 lĩnh vực nổi bật nhất, tạo thành thế 'chân kiềng' của tăng trưởng kinh tế, gồm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.
Nhận diện "chân kiềng"
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, năm 2022, vị thế kinh tế Việt Nam trong thương mại quốc tế tiếp tục được củng cố và khẳng định. Trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, chuỗi cung ứng đứt gãy khiến doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu gặp khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ, song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm sau vẫn cao hơn năm trước.
Dự báo, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm 2022 của Việt Nam sẽ vượt mốc 720 tỷ USD, với 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Riêng cán cân thương mại sẽ đạt xuất siêu ở mức cao, hơn 10 tỷ USD. Điều này cho thấy sức vươn và đóng góp rất lớn của xuất khẩu đối với nền kinh tế, từ đó tạo lợi thế trong cán cân thương mại quốc tế và thanh toán quốc gia. Xuất khẩu ngày càng chứng minh tầm quan trọng là động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, trụ cột thứ 2 - đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là điểm sáng trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế suy giảm. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả rất tốt, nhất là kết quả giải ngân khi trong 11 tháng năm 2022 đạt tới 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Đó cũng là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của cùng kỳ trong 5 năm qua.
Đáng mừng là dòng vốn ngoại đang “chảy” vào những ngành, lĩnh vực công nghệ cao, nằm trong chuỗi giá trị gia tăng, đóng góp nhiều, hiệu quả hơn vào nền kinh tế. Đây là sự chuyển hướng tích cực, thể hiện rõ tiềm năng, sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế và phù hợp với chủ trương nâng cao chất lượng, ưu tiên những dự án hiện đại, có sức lan tỏa về công nghệ, làm ra sản phẩm giàu sức cạnh tranh.
Năm 2022, kinh tế Việt Nam đạt kết quả phát triển khá toàn diện cũng nhờ kết quả đầu tư trong nước. Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá nguyên vật liệu, khó khăn về vốn, lao động… là thách thức không dễ vượt qua. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nhân vẫn bằng mọi cách duy trì sản xuất, kinh doanh. Bình quân mỗi tháng có hơn 17.700 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động.
Trụ cột thứ 3 là tiêu dùng nội địa đã bật tăng trở lại sau hơn 2 năm ảm đạm bởi dịch Covid-19. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5.180,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%). Lượng hàng hóa dồi dào, bảo đảm quan hệ cung - cầu và đặc biệt là giá cả ổn định. Tiêu dùng nội địa phục hồi, đóng góp kịp thời vào tăng trưởng kinh tế, cũng như thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên diện rộng…
Tập trung bứt phá, tạo đà tăng trưởng
Thời gian tới, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức từ tác động bên ngoài lẫn nội tại. Vì vậy, việc duy trì và tạo đà bứt phá cho các trụ cột tăng trưởng là yêu cầu quan trọng. Theo Bộ Công Thương, với xuất khẩu, giải pháp hàng đầu là tìm kiếm, mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác và chủ động gia tăng xuất khẩu thông qua tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết. Đây cũng là bài học từ năm 2022. Từ góc độ doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng xác nhận, các hiệp định thương mại tự do là cú hích tạo nên kết quả xuất khẩu của ngành tăng tới 39,3% trong năm 2022. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin của cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng cũng cần phát huy vai trò cầu nối và doanh nghiệp phải chủ động nâng chất lượng sản phẩm.
Về đầu tư nước ngoài, thực tế đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả của khu vực này vào nền kinh tế thông qua kim ngạch xuất khẩu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia. Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, hoàn thiện các quy hoạch và chủ động đồng hành cùng nhà đầu tư nước ngoài. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, Bộ đang tập trung cải cách cơ chế hỗ trợ các dự án, tạo điều kiện cho khởi nghiệp gắn với việc thắt chặt liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhằm nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng nguồn vốn ngoại. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam Hong Sun nhận định, dù còn nhiều khó khăn, bất lợi nhưng chắc chắn dòng vốn đầu tư nước ngoài nói chung và vốn từ Hàn Quốc nói riêng sẽ gia tăng nhờ môi trường đầu tư - kinh doanh ngày càng cải thiện, sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô cũng như sức cạnh tranh về thị trường và nội lực…
Với thị trường trong nước, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là bảo đảm sự ổn định và gia tăng về tiêu dùng; chú trọng “nuôi” và thúc đẩy thị trường. Muốn vậy, từ Chính phủ đến mỗi doanh nghiệp nên chăm lo đời sống dân sinh một cách thỏa đáng, bảo đảm việc làm và thu nhập người lao động. Đáp ứng tốt những yêu cầu đó sẽ tạo ra vòng tuần hoàn gồm sản xuất - thu nhập - tiêu dùng thực chất; từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/1051398/chan-kieng-tao-tang-truong-kinh-te