Chặn mối nguy với sức khỏe người dân

Thời gian qua, nhiều vụ buôn bán thuốc giả, thuốc nhái được phát hiện đang lưu hành trên thị trường, khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang.

Mới đây nhất, Bộ Y tế đã phải phát đi cảnh báo khẩn sau khi Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn, lan rộng trên phạm vi toàn quốc. Theo thông tin từ Cục Quản lý dược, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu giữ 21 sản phẩm thuốc bị làm giả.

Đáng chú ý, hoạt động suốt từ năm 2021 đến nay, khi bị bắt, các đối tượng trong đường dây này đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, số tiền thu lời bất chính ước tính gần 200 tỷ đồng.

Trước đó, Công an tỉnh Nam Định cho biết, đã điều tra làm rõ vụ "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên không gian mạng", bắt khởi tố Nguyễn Văn Vũ (sinh năm 1995, ở xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) về hành vi lừa bán các loại thuốc nhỏ mắt giả nhãn hiệu của Nhật Bản cho khoảng hơn 10.000 người trên toàn quốc…

Nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán thuốc giả trên thị trường, ngày 21-4-2025, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có Công văn số 1136 /QLD-KD về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh dược gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Cục Quản lý dược đề nghị các sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn duy trì thực hiện đúng các quy định chuyên môn; bảo đảm việc tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh dược.

Thực tế cho thấy, thuốc giả hoành hành gây nguy hại khôn lường cho người bệnh. Khi dùng thuốc giả, người bệnh có thể phải tốn kém rất nhiều tiền bạc để trả tiền mua thuốc, nhưng bệnh tật không thuyên giảm, gây tâm lý hoang mang lo sợ cho người bệnh vì cứ nghĩ rằng mình đã hết thuốc chữa. Thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc ngày nay được sản xuất một cách tinh vi, việc phát hiện và thu hồi trên thị trường nhằm bảo đảm thuốc được cung ứng đến tay người dân có chất lượng, an toàn và hiệu quả trong phòng bệnh và chữa bệnh là điều vô cùng cấp thiết. Chính vì vậy thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về nguy cơ, tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc; thúc đẩy hoạt động mua bán thuốc theo đơn và sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.

Các địa phương cũng cần thực hiện nghiêm Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17-4-2025 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Tăng cường các biện pháp quản lý cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc gắn với yêu cầu kết nối cơ sở cung ứng thuốc, chỉ được mua bán các loại thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành, có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ đúng quy định; thực hiện việc bán thuốc theo đơn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người sử dụng cần chủ động kiểm tra thông tin thuốc cũng như những sản phẩm có giá thấp bất thường. Tránh tin vào các lời quảng cáo “thần dược” hoặc thuốc không rõ nguồn gốc được rao bán qua mạng hoặc truyền miệng. Nếu phát hiện dấu hiệu thuốc giả, báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc công an địa phương để xử lý.

Các doanh nghiệp trong ngành phân phối dược phải có trách nhiệm thường xuyên cập nhật về các đặc điểm, dấu hiệu phân biệt giữa sản phẩm chính hãng và sản phẩm nghi ngờ không rõ nguồn gốc, tăng cường phối hợp theo chỉ đạo của các cơ quan, ban, ngành nhà nước có thẩm quyền…

Ngăn chặn được tình trạng buôn bán thuốc giả tràn lan sẽ góp phần quan trọng bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân.

Hà Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chan-moi-nguy-voi-suc-khoe-nguoi-dan-699875.html