Chắn ngang dòng Dương Tử, đập Tam Hiệp có trụ vững trước lũ lớn?
Tình hình mưa lũ đang khiến mực nước ở hồ thủy điện Tam Hiệp của Trung Quốc vượt mức báo động, khiến nhiều người lo ngại con đập lớn nhất thế giới bị vỡ ngay trong mùa mưa năm nay.
Mấy ngày qua, mưa lũ đã gây ngập cục bộ tại 24 tỉnh thành của Trung Quốc, nguy cơ dẫn đến lụt lội tồi tệ nhất trong vòng 80 năm.
Trước tình hình đó, một số chuyên gia khí tượng thủy văn Trung Quốc khuyến cáo người dân khu vực hạ lưu sông Dương Tử hãy chuẩn bị sẵn sàng sơ tán. Nhà thủy văn nổi tiếng Trung Quốc Wang Weiluo thậm chí đã đặt dấu hỏi về sự an toàn của đập Tam Hiệp, đồng thời cảnh báo nó có thể nứt vỡ bất cứ lúc nào.
Trước những thông tin bàn tán nóng bỏng về sự an toàn của con đập, các nhà chức trách Trung Quốc đã phải lên tiếng trấn an dư luận. Thời báo Hoàn Cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn lời một số chuyên gia khẳng định, đập Tam Hiệp được thiết kế để đủ sức chịu nhiều áp lực hơn như thế.
Đập Tam Hiệp nằm chắn ngang sông Dương Tử ở Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc. Tổ hợp bao gồm một đập dài hơn 2.300m, cao 185m và một hồ chứa nước khổng lồ được thiết kế để tạo ra điện năng và kiểm soát lũ.
Theo Nhật báo Trung Quốc, đập Tam Hiệp được khởi công từ năm 1994 và vận hành toàn phần từ tháng 7/2012. Đến nay, công trình vẫn giữ kỷ lục đập thủy điện lớn nhất thế giới với 34 tổ máy phát điện, cho phép đạt công suất tới 22.500 MW, với sản lượng điện năm 2018 đạt 100 tỷ kWh.
Cạnh đập, các nhà chức trách cho xây dựng trung tâm tiếp đón có chứa mô hình của đập, cung cấp tổng quan về kỹ thuật tốt nhất về dự án cho người xem. Từ đây, khách tham quan chỉ cần đi bộ một quãng ngắn là đã đến một chỗ quan sát cao để ngắm nhìn toàn bộ dự án.
Việc xây dựng Tam Hiệp gây ra nhiều ý kiến tranh cãi trái ngược nhau. Những người ủng hộ viện dẫn các lợi ích kinh tế, từ việc kiểm soát ngập lụt đến năng lượng từ thủy điện. Phía phản đối nêu ra lo ngại về tương lai của 1,9 triệu người sẽ phải di chuyển chỗ ở do mực nước tăng lên, sự biến mất của nhiều địa điểm có giá trị khảo cổ học và văn hóa, chưa kể các tác động tới môi trường.
Kể từ năm 2011 đến nay, Trung Quốc đã chi hơn 600 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 86 tỷ USD) để giải quyết các tác động lâu dài của con đập khổng lồ này đến môi trường và cư dân lân cận. Tuy vậy, nhiều vấn đề vẫn còn tồn tại và chính phủ cam kết sẽ chi thêm khoảng 600 tỷ Nhân dân tệ cho các nỗ lực kiểm soát hiệu quả dự án đến năm 2025.