Chặn nguy cơ mất an toàn thực phẩm
Những ngày cận Tết, các cơ sở sản xuất thực phẩm tăng công suất để phục vụ nhu cầu thị trường nên nguy cơ mất an toàn thực phẩm tăng cao
Đoàn kiểm tra nguồn cung nông sản Tết 2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã đi thực tế tại TP HCM và làm việc với Sở An toàn thực phẩm TP HCM vào ngày 20-1.
Cần tăng cường kiểm soát
Kiểm tra thực tế siêu thị MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức), một trong những siêu thị lớn ở TP HCM cung cấp số lượng không nhỏ thực phẩm có nguồn gốc nông, thủy sản, đoàn ghi nhận với số lượng hàng hóa tăng cao dịp cận Tết, có một số lỗi liên quan chấp hành quy định về an toàn thực phẩm. Chẳng hạn, ở khu vực đóng gói thịt heo, bò..., nhân viên không tuân thủ đầy đủ quy định về bảo hộ, không đeo găng tay. Khu vực sơ chế có thức ăn của cá nhân, có bình ắc-quy được để ở vị trí có nguy cơ nhiễm chéo. Trong khi đó, khu vực hàng chờ hủy (chủ yếu là hàng tươi không còn bảo đảm chất lượng) còn lộn xộn, việc phân biệt hàng chính phẩm và phế phẩm còn chưa rõ ràng nên dễ gây ra lẫn lộn hàng hóa.
Tại khu vực kinh doanh mặt hàng giá đỗ, chỉ có 1 sản phẩm là hãng nhãn riêng của siêu thị. Khi thành viên đoàn kiểm tra quét mã QR trên gói giá đỗ thấy hiện ra giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm phúc bồn tử. Tuy nhiên, siêu thị đã kiểm tra lại hồ sơ và phát hiện có lỗi trong khâu nhập dữ liệu đối với sản phẩm giá đỗ, thực tế sản phẩm này có giấy tờ hợp lệ. Mặt hàng này nhận được sự quan tâm lớn sau vụ việc Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo (Đắk Lắk) sử dụng chất không có trong danh mục để ngâm giá đỗ, sau đó đưa vào bán ở hệ thống Bách Hóa Xanh.
Trước một số lỗi vi phạm, ông Ngô Hồng Phong - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thuộc Bộ NN-PTNT - nhắc nhở siêu thị MM Mega Market An Phú tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm trong bối cảnh số lượng hàng hóa tăng cao so với ngày thường. Với riêng lỗi liên quan mặt hàng giá đỗ, ông Phong lưu ý cần nhập liệu chính xác, bởi lẽ người tiêu dùng không có điều kiện kiểm tra như cơ quan chức năng nên chỉ cần phát hiện dữ liệu không khớp sẽ nghi ngờ. Ngoài ra, các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP hay chứng nhận hữu cơ có phạm vi giới hạn nhất định, không phải tất cả sản phẩm do cơ sở sản xuất đều đạt chuẩn.
Ghi nhận các ý kiến góp ý, ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc thương mại hệ thống MM Mega Market, cam kết sẽ thực hiện ngay giải pháp khắc phục để mang đến dịch vụ tốt nhất cho người tiêu dùng. Thông tin thêm, ông Toàn cho biết sức mua dịp Tết năm nay tăng 6% so với cùng kỳ, trong đó các mặt hàng được tiêu thụ mạnh chủ yếu có xuất xứ Việt Nam, sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Lo ngại điểm bán tự phát
Làm việc với Sở An toàn thực phẩm TP HCM, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nhấn mạnh kiểm tra an toàn thực phẩm cần thực hiện song song với tuyên truyền, nhắc nhở. Nêu thực tế số lượng cơ sở sản xuất thực phẩm rất lớn trong khi nguồn nhân lực thanh tra, kiểm tra có hạn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT lưu ý cần có sự phối hợp quản lý giữa các tỉnh, thành là nơi sản xuất với TP HCM - nơi tiêu thụ - để khi có vấn đề xảy ra thì có thể hợp lực xử lý nhanh. Bên cạnh đó, cần nhân rộng mô hình kiểm soát thực phẩm theo chuỗi, kiểm tra đầu mối chính chịu trách nhiệm.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam biểu dương mô hình "tick xanh trách nhiệm" của các hệ thống bán lẻ lớn tại TP HCM giúp nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng. Đây là mô hình mà các nhà cung cấp ký cam kết với các siêu thị, theo đó nếu siêu thị phát hiện sản phẩm có vi phạm thì đồng loạt các hệ thống bán lẻ sẽ rút hàng vi phạm của nhà cung cấp đó khỏi kệ.
Trao đổi với báo chí bên lề buổi làm việc, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM, cho biết sở đang tập trung kiểm tra khâu phân phối, sau khi kiểm tra khâu sản xuất. Bà Lan lo ngại trong bối cảnh kinh tế khó khăn, một bộ phận người tiêu dùng ưu tiên hàng giá rẻ nên mua tại các điểm bán tự phát, nơi không được kiểm soát và có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm.
"Người dân nên mua hàng ở những nơi được cơ quan nhà nước cấp phép, có sự kiểm tra, giám sát. Sau khi mua hàng hóa, cần chú ý khâu bảo quản, tránh tâm lý "tiếc của", sử dụng hàng không còn bảo đảm chất lượng" - bà Lan khuyến cáo.
Với mặt hàng đồ uống, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM lưu ý người dân không sử dụng rượu không rõ nguồn gốc vì có nguy cơ được pha từ cồn công nghiệp, có thể gây ngộ độc chết người.
47 cơ sở vi phạm, phạt gần 64 triệu đồng
Theo báo cáo của Sở An toàn thực phẩm TP HCM, dịp Tết Ất Tỵ 2025, đã có 316 đoàn kiểm tra các cấp tổ chức kiểm tra 1.692 cơ sở, phát hiện 47 cơ sở vi phạm với số tiền xử phạt là 63,8 triệu đồng.
Các nội dung kiểm tra gồm điều kiện vật chất của cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; nguồn gốc xuất xứ; đăng ký bản công bố/tự công bố sản phẩm; ghi nhãn; quảng cáo...
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chan-nguy-co-mat-an-toan-thuc-pham-196250120221052681.htm