Chăn nuôi an toàn sinh học hiệu quả cao
PTĐT - Thời gian qua trước sự tấn công, bùng phát nhiều dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã ảnh hưởng lớn đến tình hình chăn nuôi của người dân trên địa bàn toàn tỉnh đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
PTĐT - Thời gian qua trước sự tấn công, bùng phát nhiều dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã ảnh hưởng lớn đến tình hình chăn nuôi của người dân trên địa bàn toàn tỉnh đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các trang trại có quy mô lớn hầu như không bị ảnh hưởng bởi họ đã áp dụng phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học giúp phòng ngừa, kiểm soát, chống chọi lại dịch bệnh.
Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là phương thức chăn nuôi bao gồm hệ thống biện pháp tổ chức quản lý và kỹ thuật chăn nuôi thú y bảo đảm cho vật nuôi phát triển bình thường. Đồng thời, cách ly được với các vi khuẩn, virus và các tác nhân sinh vật gây bệnh khác để có sản phẩm con giống, nguồn thực phẩm sạch bệnh.
Bắt tay vào chăn nuôi lợn từ rất sớm, đã có cả mấy chục năm gắn bó với nghề, hiện đang sở hữu trang trại với quy mô lớn nhất nhì thành phố Việt Trì, ông Hoàng Ngọc Ca, xã Hy Cương, TP Việt Trì đã rút ra rằng, chăn nuôi lợn theo quy mô lớn, áp dụng phương pháp an toàn sinh học, đảm bảo kỹ thuật giúp kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế được rủi ro rất cao. Ông Ca cho hay: “Nuôi lợn an toàn sinh học bắt buộc người nuôi phải kiểm soát quá trình chăn nuôi từ khâu con giống đến việc tìm nguồn thức ăn, tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại. Lợn giống của trang trại chủ yếu tự sản xuất rồi để nuôi luôn nên có lý lịch rõ ràng, được tiêm phòng một số chủng nhất định, thức ăn được chế biến phù hợp với độ tuổi của lợn để vừa tăng sức đề kháng vừa đảm bảo chất lượng thịt khi ra thị trường”. Đối với thức ăn cho đàn lợn, gia đình ông chủ yếu sử dụng cám sinh học tuy thời gian nuôi lâu hơn, chi phí cao hơn nhưng chất lượng thịt thơm, ngon và đặc biệt lợn có sức đề kháng tốt hơn bởi những nguyên liệu để sản xuất thức ăn cho lợn như: Ngô, lúa mạch, đậu tương, bột cá… được mua ở những công ty uy tín, có thương hiệu rõ ràng, rồi về được chế biến đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ việc áp dụng nghiêm ngặt kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn nên hiện tại trang trại với quy mô 100 nái và 900 con lợn thịt của gia đình ông vẫn ổn định hàng năm xuất bán ra thị trường khoảng 200 tấn lợn thịt và 200 con lợn giống, lợn mẹ. Trong thời điểm bùng phát dịch tả lợn châu Phi trang trại của gia đình ông không bị tác động, mọi hoạt động sản xuất chăn nuôi vẫn diễn ra bình thường, lợn thương phẩm xuất ra thị trường vẫn đều đặn, đảm bảo cả về lượng và chất.Trại gà của anh Lê Thành Sự, khu Đỗ Sơn 3, xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba không chỉ nổi tiếng bởi quy mô lớn lên tới hàng chục vạn mà còn nức danh bởi chất lượng thịt rắn chắc, thơm ngon. Qua trao đổi, được biết anh Sự bắt tay vào nuôi gà từ những năm 2010, khởi điểm với 200 con. Anh lấy giống trực tiếp của bà con quanh vùng, năm ấy có dịch trên đàn gia cầm nên chỉ còn1/4 số gà sống sót, thua lỗ không ít. Năm 2013, anh mạnh dạn vào hơn 500 giống gà, tuy đã có nghiên cứu quy trình chăn nuôi khép kín nhưng do anh để vật nuôi ở nhiều độ tuổi trong một chuồng nên tỷ lệ lây lan dịch bệnh nhanh, năm ấy tuy không thua lỗ nhưng lợi nhuận chẳng được là bao so với chi phí, công sức bỏ ra. Đang bế tắc tìm hướng phát triển gà của gia đình, anh Sự biết đến phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và hiệu quả mà nó mang lại nên đã mạnh dạn đầu tư, tìm hiểu kỹ thuật, quy trình và bắt tay vào thực hiện. Hiện tại anh đã áp dụng thành công phương pháp này với quy mô gà lên tới 100.000 con, xuất bán ra thị trường mỗi năm khoảng 240 đến 300 tấn gà mang lại doanh thu cả chục tỷ đồng. Anh Sự khẳng định: “Ngoài việc tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi của phương pháp này từ giống đầu vào, khâu vệ sinh chuồng trại, máng ăn, nguồn gốc thức ăn… thì điều đặc biệt chú ý là tiêm phòng và bổ sung vitamin, dưỡng chất cho đàn gà thêm sức đề kháng, chống chọi lại được những dịch bệnh. Lịch tiêm phòng cho gà khá dày đặc, thường chu kỳ mỗi lứa phải tiến hành 4 mũi tiêm cơ bản. Ngoài ra hàng tháng chúng tôi còn tiến hành test máu để kiểm tra định lượng kháng thể của gà xem có đủ khả năng chống lại mầm bệnh không”.Đó chỉ là 2 trong số nhiều trang trại áp dụng chăn nuôi ATSH đã đem lại hiệu quả cao. Có thể khẳng định chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học mang lại lợi ích bền vững, giúp sản xuất an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi người nuôi kiểm soát quá trình sản xuất cũng như dự báo tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Không dừng lại ở đó, áp dụng phương pháp sinh học đã giúp việc xử lý chất thải chăn nuôi dễ dàng hơn thông qua công nghệ chế phẩm sinh học Balasa, hầm biogas, ủ phân compost… tránh xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. Với những lợi ích, hiệu quả mà phương pháp này mang lại, trong thời gian tới hy vọng sẽ xuất hiện nhiều hơn các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201912/chan-nuoi-an-toan-sinh-hoc-hieu-qua-cao-168147